Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

Sự ra đời của đội nữ du kích mật Long An


Sự ra đời của đội nữ du kích mật Long An

Sau Tết Mậu Thân 1968, Long An là một trong những chiến trường cực kỳ ác liệt. Mỹ-ngụy ra sức đánh phá làm cho lực lượng cách mạng bị tổn thất nặng nề. Cuối năm 1968, Trung đoàn 320 được lệnh của chỉ huy Miền, xuống chiến trường Long An chiến đấu giành dân, giữ đất. Ở mảnh đất này, nhiều địa phương trắng cơ sở như ở huyện Tân Trụ, nơi Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 320 đứng chân. Những ngày tháng 6-1970, lực lượng địch kết hợp với trực thăng, pháo bầy càn dọc bờ sông từ thôn Cây Tài, xã Quê Mỹ Thạnh đến bến Ba Dừa, xã Nhơn Thạnh Trung khiến bộ đội hy sinh nhiều. Lúc này, xã Quê Mỹ Thạnh trở thành xã trắng trong khi xã Nhơn Thạnh Trung còn lại đồng chí Hai Bê, Bí thư xã nhưng cũng bị thương. Địa hình thì bị địch càn quét, phát quang, đốt cháy hết lá dừa nước hai bên sông. Nơi ăn ở của bộ đội không còn, quần chúng cách mạng thì hoang mang, nao núng.
Để củng cố lực lượng, đơn vị cho bộ đội chia thành từng tổ 2-3 người bám trụ trên ruộng lúa và dần dần móc nối, tuyên truyền vận động cơ sở làm hầm trong đống rơm rạ hoặc đống gạch để nuôi giấu bộ đội. Một thời gian ngắn, thấy bộ đội kiên định vững vàng bám trụ, nhiều cơ sở rất yêu mến, tạo điều kiện ăn ở và nuôi giấu như chị Chín Thắng, Bảy Cao, Năm Hớn, Sáu Hiền, Bảy Đừng…
Đến khoảng tháng 8-1970, theo chủ trương của Phân khu 3, Tiểu đoàn 5 đóng chốt, nằm vùng tại xã Quê Mỹ Thạnh để xây dựng phong trào cách mạng. Anh Đinh Văn Nguyên (Ba Nguyên), quê ở thôn Thiệu Sơn, Nông Cống, Thanh Hóa, Đại đội phó Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 320 trực tiếp làm Bí thư xã và Xã đội trưởng. Khi nhận nhiệm vụ mới, anh Ba Nguyên đã quán triệt anh em trong đơn vị và cơ sở chuyển phương thức hoạt động, tích cực xây dựng tổ chức lực lượng cách mạng hợp pháp tại chỗ.
Căn cứ vào tình hình chiến trường, đội du kích mật được thành lập và trang bị vũ khí để tuần tra canh gác, dẫn đường cho bộ đội chiến đấu, nắm bắt tình hình, theo dõi hoạt động của địch cung cấp cho bộ đội và cán bộ cách mạng. Ngoài ra, các du kích mật còn chuyển giao thư từ, tài liệu, tin tức đến cơ sở, may cờ giải phóng và làm công tác binh vận. Du kích mật còn là lực lượng quan trọng để vận động quần chúng cung cấp, ủng hộ lương thực, thuốc men, tiền để mua sắm quân trang cho bộ đội.
ST. QĐND


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét