Thứ Ba, 22 tháng 9, 2020

Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

 

Việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mặt trận tư tưởng, lý luận có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Chất lượng, hiệu quả của đội ngũ cán bộ sẽ là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu góp phần bảo đảm sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tạo điều kiện phát triển kinh tế là tiền đề bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Một số yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chỉ rõ, “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” nhấn mạnh, xây dựng lực lượng chuyên trách theo hướng tinh gọn, đủ mạnh; đồng thời, phát huy cao nhất trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, trước hết là người đứng đầu trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch... Phát huy tốt vai trò của các lực lượng đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó lực lượng cán bộ làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nòng cốt; đây cũng là công việc tự giác, thường xuyên của các cấp ủy,  của cả hệ thống chính trị xã hội và của mỗi cán bộ, đảng viên.

Trong bất kỳ cuộc đấu tranh nào, nhất là cuộc đấu tranh “không tiếng súng” trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, văn nghệ, yếu tố con người giữ vai trò quan trọng. Khi lực lượng này hùng hậu, tinh nhuệ, nhạy bén, có trình độ, nghiệp vụ, am hiểu lĩnh vực… sẽ tạo sức mạnh bảo vệ Đảng, chính quyền và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài trong quá trình phát triển của Đảng, vì thế đội ngũ cán bộ làm công tác này luôn được quan tâm, làm việc theo chế độ chuyên trách, thường xuyên tăng cường,  bổ sung, kiện toàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã và đang đổi mới, được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nắm chắc địa bàn, lĩnh vực phụ trách, có nhiều đóng góp lớn vào sự ổn định, phát triển của tình hình chính trị - xã hội của đơn vị mình và của đất nước.

Đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận là một trong những lĩnh vực khó, đặc thù, đòi hỏi việc tuyển chọn đội ngũ cán bộ phải khắt khe với những quy chuẩn về đạo đức, phẩm chất, tư cách và trình độ, kinh nghiệm chuyên môn cao... Phải chọn cán bộ có đủ cả “đức” và “tài”. Vì vậy, đặc biệt là trước thềm đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, việc quan tâm xây dựng, củng cố lực lượng cán bộ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mặt trận tư tưởng, lý luận là việc làm cần thiết có ý nghĩa cấp bách trong tình hình mới.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Để nâng cao chất lượng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình hiện mới cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của đội ngũ cán bộ chuyên trách tham gia trực tiếp vào công tác xây dựng, bảo vệ nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng. Đây là đội quân tinh nhuệ, tiên phong trên mặt trận tư tưởng. Qua học tập di sản lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, qua tổng kết thực tiễn, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải cung cấp được những luận cứ khoa học để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng cho nhân dân hiểu sâu sắc hơn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về bản chất tốt đẹp của Đảng, Nhà nước ta; để người dân ngày càng vững tin vào Đảng, vào chế độ; biết cảnh giác và nhận diện rõ âm mưu, luận điệu sai trái, thù địch của các thế lực phản động ở trong và ngoài nước. Cần xác định rõ lực lượng chuyên trách (đội ngũ cán bộ tuyên giáo) và lực lượng thường xuyên (toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân) để phối hợp, tập hợp lực lượng và các giai tầng một cách nhịp nhàng, có hiệu quả. Phát huy thế mạnh của từng lĩnh vực, từng cá nhân và cả hệ thống chính trị. Mặt trận tư tưởng, lý luận rất rộng lớn, sự tấn công, chống phá của các thế lực thù địch rất đa dạng, tinh vi, nhiều thủ đoạn nên đòi hỏi kinh nghiệm, bản lĩnh chính trị, chuyên môn và thế mạnh của từng cá nhân, cộng đồng trong việc chung sức, đồng lòng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, của các tổ chức, đoàn thể, tạo không gian, môi trường sống và làm việc khoa học, nhân văn, lành mạnh, vì sự phát triển của đất nước và của mỗi cá nhân. Việc nhận thức, đánh giá đúng vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng sẽ kích thích, động viên những người tham gia trực tiếp vào lĩnh vực đặc biệt này có thêm động lực, niềm tin để cống hiến; từ đó có những tham vấn, góp ý hữu ích cho các cơ quan, tổ chức Đảng trong việc nhận định tình hình, hoạch định chủ trương, chính sách một cách thiết thực, hiệu quả.

Hai là, đẩy mạnh việc đổi mới cơ chế, chính sách trong việc phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút người tài, người có bản lĩnh, kinh nghiệm để tạo ra một lực lượng cán bộ làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, có sự trao truyền, nối tiếp giữa các thế hệ. Tạo môi trường hấp dẫn (về điều kiện làm việc, chính sách tiền lương, nhà ở...) để người tài yên tâm công tác, tâm huyết với nghề, có nhiều đóng góp vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống lại âm mưu, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

Đối với lực lượng trực tiếp làm công tác tuyên giáo các cấp phải có bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng, kiên định và tuyệt đối trung thành với Đảng, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, vừa phải thật sự tinh thông, nhanh nhạy và sáng tạo. Cổ vũ các phương thức hoạt động theo nhóm để có nhiều sáng kiến dự báo, giải pháp xử lý các tình huống tư tưởng; sử dụng triệt để những tiện ích, công nghệ thông tin hiện đại trong công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Ba là, xây dựng hệ thống tiêu chí cụ thể trong việc nhận diện những nhóm, đối tượng chống phá, thù địch. Có chế tài, hành lang pháp lý đủ mạnh để cảnh báo, xử lý, răn đe những hành vi vi phạm, đồng thời bảo vệ đội ngũ, cán bộ làm công tác đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Trước mắt cần hướng dẫn và triển khai có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật… để mỗi người dân hiểu và ý thức rõ về quyền lợi, trách nhiệm của bản thân cũng như nhận diện âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù định để có phương thức đấu tranh phù hợp và hiệu quả nhất.

Bốn là, nâng cao phẩm chất, bản lĩnh chính trị cách mạng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khả năng tiếp cận in-tơ-nét, mạng xã hội, thành thạo ngoại ngữ; tiên phong trong nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải tạo được niềm tin và uy tín đối với cộng đồng thông qua những bài viết, bài phát biểu, qua những hành động cụ thể mang tính thiết thực, sắc về lý luận và sâu về thực tiễn, xứng đáng là đội quân tinh nhuệ, là lực lượng xung kích, tiên phong của Đảng trên mặt trận “không tiếng súng” đầy khó khăn, thử thánh nhưng cũng rất vinh dự và tự hào./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét