Thứ Năm, 12 tháng 1, 2023

Đại úy Bác sỹ Phạm Thành Luân

 

Trời chập choạng tối nhưng tại phòng trực của Trung tâm Chẩn đoán và Điều trị Ung bướu, Bệnh viện Quân y 175, Đại úy, Bác sĩ Phạm Thành Luân vẫn đang trò chuyện, tư vấn cho người bệnh. Ban ngày, anh đang đi học cao học ngành ung thư tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh nên khoảng thời gian nào không học, anh dành để tiếp xúc, điều trị cho bệnh nhân tại trung tâm. Trò chuyện với Luân, chúng tôi cảm thấy vô cùng ấm áp ở ánh mắt hồn hậu chan chứa tình thương, nét nhân văn và y đức tỏa sáng của một lương y Bộ đội Cụ Hồ. Anh là một trong những bác sĩ được bệnh nhân tin tưởng và tìm đến nhiều nhất ở trung tâm này. Họ tìm đến anh không chỉ vì anh giỏi chuyên môn mà còn bởi cách anh tiếp xúc với bệnh nhân thật giản dị, ân cần, chu đáo và nụ cười luôn thường trực trên môi.

Điều trị ở trung tâm được vài tháng, cô Lê Liên Hương, ngụ ở quận 10, TP Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt với bác sĩ Luân. Cô Hương tâm sự: “Bác sĩ Luân chăm sóc tôi và các bệnh nhân như người thân trong gia đình. Hễ gặp bác sĩ Luân, dẫu ai có đang đau cũng sẽ nở nụ cười. Bác sĩ Luân trẻ và rất thông minh, chịu khó học hỏi. Bất kỳ khi nào bệnh nhân có câu hỏi đột xuất thì bác sĩ Luân đều trả lời thấu đáo. Điều trị ở đây, tôi thấy bệnh tình đã tiến triển tốt. Bệnh tật thì không ai muốn nhưng vào trong này mới nhận ra, áp lực dành cho bác sĩ là quá lớn, nhất là với bệnh nan y, ung thư, sự sống càng mong manh hơn. Bác sĩ Luân đã tạo ra bầu không khí vui tươi, ai cũng như người nhà với nhau đã giúp bệnh nhân thêm lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống”.

Có rất nhiều câu chuyện cảm động đáng để kể ra về Đại úy Phạm Thành Luân nhưng để hình thành nên phong cách, y đức của anh hôm nay chính là sự gắn bó sâu sắc với người bệnh. Anh kể, khi còn thực tập ở Bệnh viện K (Hà Nội), anh tình cờ gặp một nữ bệnh nhân rất đáng thương. Bệnh nhân này sáng sớm vẫn đi bán rau ngoài chợ rồi mới vào viện để truyền dịch. Gia cảnh khó khăn nên bà đi một mình, tự lo mọi chuyện vậy mà lúc nào cũng tươi cười, lạc quan. Bác sĩ Luân đã ân cần thăm hỏi, trò chuyện động viên và chăm sóc bà. Qua đó, bác sĩ Luân quen thêm và giúp đỡ nhiều bệnh nhân khác. Anh nói: “Qua những bệnh nhân này, tôi được hiểu thêm nhiều kiến thức, triệu chứng, tác dụng phụ mà sách vở đề cập chưa hết hoặc bài học chưa thể truyền tải. Hành trang sau khi tốt nghiệp của tôi có rất nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn. Quan trọng hơn, tôi hiểu rằng, cần dành thời gian trò chuyện, tiếp xúc bệnh nhân ung thư nhiều hơn và tạo tiếng cười như là phương thuốc quý”.

Cách đây 5 năm, bác sĩ Luân gặp bà Trương Thị Liệu (80 tuổi, ngụ Đồng Nai) bị ung thư xoang hàm giai đoạn 4. Bà có bảo hiểm nhưng do sống một mình, bà gặp rất nhiều khó khăn trong đi lại cũng như chi phí điều trị. Cảm thương hoàn cảnh của bà, bác sĩ Luân đã trích một phần lương để giúp đỡ và dần dần kết nối được một nhà hảo tâm lo lắng, hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân. Cứ như vậy, định kỳ 3 tuần, một người cháu chở bà Liệu xuống trung tâm gửi lại bác sĩ Luân. Mỗi lần gặp nhau như bác sĩ Luân ân cần hỏi thăm bà, cười nói rôm rả. Bà Liệu dường như đã quên đi những cơn đau do bệnh tật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét