Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN 1968-TẦM VÓC VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ


Cách đây 55 năm (1968 - 2023), vào thời khắc Giao thừa Tết Mậu Thân 1968, trên Ðài Tiếng nói Việt Nam ngân vang những vần thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua/Thắng trận tin vui khắp nước nhà/Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”.
Ðó cũng chính là lời hiệu triệu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta trên khắp miền Nam. Ðây là cuộc Tổng tiến công đầy táo bạo, bất ngờ, đánh thẳng vào sào huyệt của kẻ thù, thể hiện sâu sắc tư tưởng chiến lược tiến công, là biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam, mang tầm vóc và ý nghĩa to lớn, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 - Dấu ấn sâu đậm trong dòng chảy cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Trước những thất bại liên tiếp của địch và thắng lợi dồn dập của ta trên khắp chiến trường, từ cuối năm 1966 đầu năm 1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) đi tới chủ trương tạo điều kiện tiến tới mở ra cục diện “vừa đánh, vừa đàm”, “vừa đàm vừa đánh”; đó là sách lược hỗ trợ cho dấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị của quân và dân ta.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13, khóa III, họp từ ngày 23 đến ngày 26-1-1967, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh trình bày “Đề cương báo cáo về công tác đấu tranh ngoại giao”, trong đó chỉ rõ: “Để đánh bại kẻ thù hết sức ngoan cố và xảo quyệt là đế quốc Mỹ xâm lược, ta phải giữ vững quyết tâm cao độ, nắm vững phương châm chiến lược, đồng thời phải biết cách đánh thắng địch, vận dụng sách lược khôn khéo, giành thắng lợi từng bước”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13 khóa III, Ban Chấp hành Trung ương khẳng định: “Chúng ta tiến công địch về mặt ngoại giao bây giờ là đúng lúc” và chỉ rõ: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta hiện nay, đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường, mà trong tình hình quốc tế hiện nay, với tính chất cuộc chiến tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động”.
Quan điểm của Đảng được quán triệt trong các hoạt động chỉ đạo chiến lược, chỉ đạo chiến tranh từ giữa năm 1968 trở đi. Trước mắt, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 13, ngày 28-1-1967, Bộ Ngoại giao ta ra tuyên bố khẳng định lập trường trước sau như một của nhân dân Việt Nam là kiên quyết chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do; đồng thời chỉ rõ: “Phía Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; chỉ sau khi Mỹ thực hiện điều này thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ mới có thể nói chuyện được”.
Tháng 5-1967, ngay sau khi cuộc phản công chiến lược lần thứ hai của quân Mỹ kết thúc, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá tình hình, xem xét dự thảo “Kế hoạch chiến lược Đông-Xuân 1967-1968”.
Tiếp đó, tháng 6-1967, Hội nghị Bộ Chính trị được triệu tập và bàn bạc rất kỹ dự thảo kế hoạch chiến lược này. Hội nghị nhận định, thắng lợi của quân và dân ta giành được trên cả hai miền Nam, Bắc là to lớn, toàn diện. Thắng lợi đó đã làm thất bại một bước rất cơ bản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, đẩy Mỹ vào thế lúng túng, bị động cả về chiến lược lẫn chiến dịch.
Hội nghị nhận định, về phía ta, cả thế và lực đang có những tiến bộ, cho phép ta “trên cơ sở phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh nỗ lực chủ quan đến mức cao nhất để giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn”. Nhưng tương đối ngắn là bao lâu? Tuy bàn bạc rất tỉ mỉ về tương quan lực lượng lúc đó, Hội nghị cũng chỉ có thể dự kiến sẽ giành thắng lợi quyết định trong năm 1968 theo phương hướng “ĐÁNH LỚN”. Muốn vậy, nhiệm vụ quân sự của ta là phải tiêu diệt một bộ phận sinh lực quân Mỹ, làm mất khả năng tiến công của chúng, đồng thời phải tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân ngụy, khiến cho chúng không còn là lực lượng chiến lược trong tiến công và phòng ngự mà Mỹ dựa vào đó để tiến hành chiến tranh.
#BQĐND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét