Hệ giá trị Hồ Chí Minh - Nội dung và ý nghĩa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay
(LLCT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân một di sản vô giá, trong đó có hệ giá trị Hồ Chí Minh hướng đạo cho sự phát triển đất nước. Hệ giá trị Hồ Chí Minh chính là hệ giá trị Việt Nam với các giá trị căn cốt như độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ và giàu mạnh. Cho dù “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay”(1) nhưng so với mục tiêu, khát vọng “sánh vai các cường quốc năm châu” mà Hồ Chí Minh đề ra thì đích đến vẫn còn rất xa. Vì thế, cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ hệ giá trị Hồ Chí Minh để tìm thấy trong đó động lực tinh thần và giải pháp hành động phù hợp, là yêu cầu bức thiết của cuộc sống hôm nay.
1. Hệ giá trị Hồ Chí Minh: Độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ và giàu mạnh
Nói đến giá trị là nói đến những gì quý giá, có tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại của con người, tổ chức và dân tộc. Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vô cùng gian khổ và oanh liệt của dân tộc Việt Nam đã chắt lọc, đúc kết lên hệ giá trị của mình và tư tưởng Hồ Chí Minh đã biểu đạt các giá trị cao quý đó.
Do yếu tố địa - chính trị nên Việt Nam luôn bị nạn xâm lăng của ngoại bang. Vì thế, hơn ai hết, nhân dân Việt Nam thấu hiểu giá trị của độc lập tự do. Trong quá trình tìm đường cứu nước, việc tiếp thu tư tưởng tự do của văn hóa phương Tây và sự trải nghiệm thực tiễn đã giúp Hồ Chí Minh nhận ra: Độc lập - Tự do là những giá trị không thể tách rời. Chỉ khi nước được độc lập thì người dân mới được hưởng cuộc sống tự do, hạnh phúc. Ngược lại, nếu mỗi người dân không được hưởng những quyền tự do chính đáng của mình thì nền độc lập đó chỉ là giả tạo. Vì thế, Hồ Chí Minh từng tuyên bố: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”(2). Năm 1930, Người đã soạn thảo cương lĩnh giải phóng dân tộc đúng đắn và sáng tạo mà tư tưởng cốt lõi là độc lập - tự do. Tháng 8-1945, khi thời cơ cách mạng chín muồi, Người đã thể hiện quyết tâm giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam bằng câu nói bất hủ: “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành được độc lập”(3). Ngày 2-9-1945, thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với cả thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(4). Giữ vững lời thề thiêng liêng đó, trước âm mưu tái chiếm Việt Nam của thực dân Pháp, trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh đã thay mặt dân tộc Việt Nam thể hiện thái độ chính trị dứt khoát và kiên định: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!”(5). Hồ Chí Minh đã đúc kết lẽ sống của nhân dân Việt Nam và chân lý lớn của thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Rõ ràng, độc lập tự do là giá trị hàng đầu của Hồ Chí Minh.
Là nhà nhân văn chủ nghĩa vĩ đại, luôn quan tâm đến số phận của nhân dân, đối với Hồ Chí Minh, độc lập tự do nhất thiết phải gắn với hạnh phúc của nhân dân. Chương trình Việt Minh do Hồ Chí Minh chỉ đạo soạn thảo và được thông qua vào tháng 10-1941 đã khẳng định: Mặt trận Việt Minh “cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước: 1. Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập. 2. Làm cho nhân dân Việt Nam được sung sướng, tự do”(6). Sau Cách mạng Tháng Tám, Người tuyên bố: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc thì nền độc lập đó cũng chẳng có ý nghĩa gì”(7). Người còn nhấn mạnh: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi được ăn no, mặc đủ”(8). Gắn độc lập tự do với hạnh phúc của nhân dân là điểm khác biệt giữa quan niệm về độc lập của Hồ Chí Minh với các sỹ phu phong kiến - độc lập đơn thuần là không bị mất nước. Với Hồ Chí Minh, độc lập phải gắn với tự do và cơm no, áo ấm, cuộc sống yên bình của nhân dân. Làm cách mạng phải dựa vào dân nhưng làm cách mạng để vì dân là tư tưởng nhất quán của Hồ Chí Minh. Câu nói “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” đã thể hiện sự gắn kết giữa các giá trị độc lập, tự do, hạnh phúc và tinh thần nhân văn triệt để của Hồ Chí Minh, hạnh phúc phải dành cho tất cả mọi người.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn chú trọng giá trị dân chủ - khát vọng chung của cả loài người. Trong định danh tên nước sau Cách mạng Tháng Tám “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa/ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, Hồ Chí Minh đã kết hợp giá trị dân chủ với giá trị độc lập, tự do, hạnh phúc để tạo thành hệ giá trị không thể tách rời. Điều này hoàn toàn đúng vì nếu nước không được độc lập, thì những quyền tự do cơ bản của người dân đều bị tước đoạt, quyền công dân, quyền con người, quyền “là chủ” và “làm chủ” sẽ không được thực thi. Do đó, chống đế quốc phải đi đôi với lật đổ chế độ phong kiến lỗi thời để lập nên thể chế dân chủ cộng hòa. Lúc này, dân chủ không chỉ là một kiểu thiết chế nhà nước với quyền lực thuộc về nhân dân mà còn là động lực, là “cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”(9).
Trong hệ giá trị Hồ Chí Minh còn hiển thị một giá trị thiết yếu nữa là sự giàu mạnh của đất nước, nói chính xác hơn là dân giàu, nước mạnh. Với Hồ Chí Minh, việc làm giàu chính đáng của người dân phải được khích lệ vì “dân có giàu thì nước mới mạnh”(1) và sự giàu mạnh chính là điều kiện, tiền đề bảo đảm nền độc lập của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Thực tế cho thấy, sự giàu có mà thiếu nền tảng văn hóa sẽ không bền và khó có hạnh phúc, nhưng trong nghèo khổ, bần hàn thì người dân không thể có hạnh phúc và nền độc lập dân tộc khó giữ vững. Vì thế, ngay trong những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh đã bày tỏ một khát vọng vĩ đại là Việt Nam sẽ trở thành một nước giàu mạnh “sánh vai với các cường quốc năm châu”(11). Khẳng định vị thế dân tộc là biểu hiện chân xác của tinh thần tự tôn và lòng tự hào dân tộc. Việc kết hợp chặt chẽ giá trị độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ với giá trị giàu mạnh đã thể hiện rõ trong bản Di chúc của Hồ Chí Minh: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là toàn Đảng, toàn dân đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”(12). Như vậy, trong chiều sâu tư tưởng của Hồ Chí Minh, độc lập, tự do chỉ là tiền đề, điều kiện để đi đến những tầm cao mới.
Nếu so sánh, đối chiếu hệ giá trị của từng quốc gia, chúng ta nhận thấy, mỗi dân tộc có hệ giá trị khác nhau cho dù các giá trị cụ thể đa phần là giống nhau. Cái làm nên sự khác biệt đó chính là giá trị quan, tức là sự đánh giá vị trí của từng giá trị trong bảng giá trị để đi đến kết luận: Điều gì là trọng yếu nhất trong lý tưởng và mục tiêu phấn đấu của dân tộc đó. Với Việt Nam, trải qua bao thăng trầm của hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ và giàu mạnh đã hiển hiện như các giá trị cốt lõi nhất; từng thành tố trong hệ giá trị đó luôn là tiền đề, điều kiện và kết quả của nhau. Tinh thần chủ đạo của hệ giá trị Hồ Chí Minh chính là: Giải phóng để phát triển và phát triển là vì hạnh phúc con người. Hệ giá trị Hồ Chí Minh không chỉ chắt lọc các giá trị “bất biến” trong thực tế dựng nước và giữ nước mà còn là lý tưởng thiêng liêng, mục tiêu chiến lược và định hướng phát triển của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Sự đồng nhất giữa hệ giá trị dân tộc và hệ giá trị Hồ Chí Minh - con người cả đời “chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân”(13) đã nói lên sự cao quý của nhân cách và giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh.
2. Ý nghĩa của hệ giá trị Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay
Thứ nhất, hệ giá trị Hồ Chí Minh đã trở thành đường lối chiến lược của Đảng, mục tiêu bất biến của cách mạng và lẽ sống của nhân dân Việt Nam trong công cuộc bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc.
Đánh giá rất cao ý chí độc lập tự do của nhân dân Việt Nam nên Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Nhờ ý chí độc lập và lòng khát khao tự do hơn là nhờ quân đông súng mạnh, nước Nam đã thắng”(14). Từ sự thấu hiểu sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đúc kết nên giá trị đầu bảng của văn hóa Việt Nam là khát vọng độc lập, tự do. Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là đội tiền phong của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân Việt Nam đã đưa giá trị cao quý đó thành đường lối đấu tranh giành độc lập dân tộc. Nhờ đó, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên những kỳ tích lịch sử: Cách mạng Tháng Tám và thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Không chỉ làm nên quá khứ hào hùng, hệ giá trị Hồ Chí Minh còn là nền tảng cho đường lối an ninh, quốc phòng của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Kế thừa quan điểm của Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc, nhận thức của Đảng về mục tiêu giữ vững nền độc lập dân tộc ngày càng được mở rộng về nội hàm. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội VII (1991), Đảng đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập dân tộc: “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lãnh thổ toàn vẹn của Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, sự ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội, quyền làm chủ của nhân dân”(15). Đến Đại hội XI, việc “giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời”(16) đã trở thành nội dung mới của bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, cuộc đấu tranh bảo vệ quyền chủ quyền biển, đảo của nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ ngừng lại. Một bài toán hóc búa là chúng ta phải bảo vệ bằng được chủ quyền dân tộc nhưng không được để xảy ra chiến tranh hay phá vỡ sự hợp tác. Do đó, bên cạnh việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang, phát huy chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, mỗi công dân Việt Nam phải được trang bị kiến thức lịch sử, pháp lý về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa cũng như các quy định của luật pháp quốc tế về lãnh hải và thềm lục địa để tiến hành đấu tranh một cách khôn khéo, hiệu quả.
Đến Đại hội XII, nội hàm của công tác bảo vệ Tổ quốc được bổ sung thêm nội dung “bảo vệ nền văn hóa dân tộc”(17). Như vậy, giá trị độc lập, tự do của Hồ Chí Minh luôn là nền tảng của chiến lược bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Thứ hai, hệ giá trị Hồ Chí Minh đã trở thành chiến lược xây dựng đất nước dân chủ và giàu mạnh của Đảng và cổ vũ nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Trong lịch sử nhân loại, dân chủ vừa là thể chế nhà nước với sự thừa nhận quyền lực thuộc về người dân, vừa là một giá trị xã hội vĩnh hằng mà loài người phải đấu tranh gian khổ mới từng bước giành được. Hồ Chí Minh luôn coi dân chủ là một đặc tính căn cốt của xã hội tiến bộ, “là của quý báu nhất của nhân dân”(18), là động lực to lớn của CNXH. Thực hiện tư tưởng của Người, trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những nhận thức mới về dân chủ và đã nỗ lực đẩy nhanh quá trình dân chủ hóa trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Bằng chứng là dân chủ đã trở thành một nội dung căn cốt trong hệ mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(19) và là động lực trọng yếu để phát triển đất nước.
Nhận thức rõ vai trò của tiềm lực kinh tế trong phát triển đất nước, Đảng ta đã lãnh đạo sự nghiệp đổi mới theo phương châm lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, từng bước xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và khuyến khích người dân làm giàu hợp pháp. Nhờ đường lối đúng đắn, kinh tế Việt Nam đã khởi sắc. Đến năm 1996, Việt Nam đã cơ bản thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội; đến năm 2010 đã thoát ra khỏi nhóm nước kém phát triển và bước vào nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình. Mức tăng trưởng GDP 7,08% (năm 2018) và 7,02 % (năm 2019) đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Ngay trong năm 2020, trong điều kiện dịch COVID -19 lan rộng, Việt Nam vẫn được dự báo là nền kinh tế duy nhất ở Đông Nam Á có mức tăng trưởng dương(20). GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã đạt mức 2.590 USD vào năm 2018 và xấp xỉ 2.800 USD vào năm 2019; tỷ lệ hộ nghèo ở giảm mạnh chỉ còn 4% năm 2019(21); số lượng tầng lớp trung lưu hiện chiếm trên 15% dân số và sẽ còn tăng lên; tinh thần “khởi nghiệp” ngày càng lan tỏa trong xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ. Sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam chính là điều kiện để thực thi giá trị độc lập, tự do cho Tổ quốc, no ấm, hạnh phúc cho nhân dân như ước nguyện tha thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ ba, hệ giá trị Hồ Chí Minh là cơ sở lý luận để xác định phương hướng, mục tiêu phát triển của đất nước và gợi mở hệ thống giải pháp nhằm gia tăng sức mạnh dân tộc, hiện thực hóa khát vọng Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam xác định rõ: Đổi mới là tất yếu nhưng đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu XHCN mà là làm cho mục tiêu ấy được thực hiện tốt hơn bằng hình thức, biện pháp và bước đi thích hợp. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”(22). Cương lĩnh đã xác định rõ đặc trưng tổng quát và cũng là mục tiêu của CNXH ở Việt Nam là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(23). Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII còn cụ thể hóa mục tiêu giàu mạnh gắn với các dấu mốc quan trọng của đất nước: Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 - thời điểm tròn 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại và mức thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 - thời điểm tròn 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Xác định mục tiêu phù hợp đã khó nhưng thực hiện nó còn khó hơn. Mục tiêu lớn đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân phải thực sự quyết tâm và phát huy tinh thần sáng tạo. Hệ giá trị Hồ Chí Minh không chỉ cổ vũ nhân dân Việt Nam hành động mà còn gợi mở phương hướng hành động sao cho hiệu quả nhất.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối cao nhưng nó vẫn ở mức dưới tiềm năng và chưa bền vững; sức cạnh tranh của nền kinh tế chậm được cải thiện; kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng, tức là dựa vào sự gia tăng nguồn vốn và khai thác tài nguyên chứ chưa dựa vào chất lượng nguồn nhân lực. Trong chiến lược phát triển kinh tế, Việt Nam phải giải quyết cả 2 yêu cầu là “nhanh” và “bền vững”. Nếu không phát triển nhanh, không có sự bứt phá thì Việt Nam sẽ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” và nguy cơ tụt hậu về kinh tế sẽ dẫn đến nguy cơ lệ thuộc về chính trị. Tuy nhiên, nếu phát triển “nóng”, phát triển nhanh “bằng mọi giá” thì lại tạo ra thảm họa cho tương lai. Muốn phát triển nhanh và bền vững thì lúc này Việt Nam phải tăng cường đầu tư cho khoa học - công nghệ, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhất thiết phải gắn với việc “bảo vệ tài nguyên, môi trường”(24).
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, một nền độc lập thực sự luôn gắn liền với tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân nên mọi chính sách của Đảng và Nhà nước phải hướng tới mục tiêu là không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân. Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh phải gia tăng chỉ số “hạnh phúc” cho nhân dân. Đảng phải giải quyết hợp lý bài toán tăng trưởng và bồi dưỡng sức dân, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xóa đói, giảm nghèo, không để sự phân hóa giàu - nghèo phát triển tự phát dẫn đến bất bình đẳng, xung đột xã hội và phải kiến tạo hệ thống phúc lợi xã hội tiến bộ, vững chắc, hiệu quả. Suy cho cùng, tính ưu việt của chế độ xã hội phải được đo bằng mức sống, mức độ thụ hưởng, mức độ hài lòng và sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Về phương diện chính trị, đúng như Đảng ta đã xác định “Thực chất của việc đổi mới và kiện toàn hệ thống chính trị nước ta là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa”(25), tăng cường thực hiện dân chủ là phương hướng quan trọng để thực hiện khát vọng Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình dân chủ hóa đất nước không đơn giản chỉ là hoàn thiện pháp luật, cải cách thể chế, đổi mới tổ chức bộ máy công quyền và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức mà phải là xây dựng văn hóa dân chủ trong Đảng và trong xã hội, làm cho văn hóa ấy ngấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành đạo đức, điều chỉnh hành vi của con người. Cơ chế dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII bổ sung thêm vế “dân giám sát, dân thụ hưởng” nhưng điều quan trọng là cơ chế đó phải là cơ sở để hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Muốn giữ vững nền độc lập và gia tăng vị thế đất nước trên trường quốc tế thì phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc - “thẻ căn cước” của mỗi dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế. Lịch sử nhân loại cho thấy, nếu không giữ được bản sắc văn hóa thì dù cho cương vực quốc gia vẹn nguyên, nhân dân nước đó vẫn bị đồng hóa, xâm lăng về văn hóa và kết cục là mất nước. Do sự giao thoa văn hóa ngày nay diễn ra rất mạnh nên chúng ta phải ý thức rõ, cái gì là bản sắc văn hóa dân tộc để giữ gìn, đồng thời có trách nhiệm quảng bá nó tới nhân loại.
Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”(26) và sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trước bối cảnh mới hiện nay càng cần phải đẩy mạnh công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng về mọi mặt. Nền chính trị Việt Nam hiện đại phải là nền chính trị thấm nhuần tinh thần văn hóa, đạo đức. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải là lực lượng tiên phong trong nguồn nhân lực chất lượng cao với các phẩm chất như tâm sáng, tầm xa, tài cao và biết làm việc trong môi trường quốc tế. Cuộc đời và sự nghiệp của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chứng minh rằng, cách lãnh đạo tốt nhất là lãnh đạo bằng khoa học, dân chủ, đạo đức và nêu gương, tức là bằng sức mạnh của văn hóa chứ không bằng quyền uy.
Đúng như Hồ Chí Minh đã nói: “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”(27), động lực quan trọng nhất để thực hiện hệ giá trị Hồ Chí Minh và cũng là hệ giá trị dân tộc, chính là những con người Việt Nam được giáo dục một cách toàn diện. Muốn hội nhập thành công đòi hỏi nền giáo dục Việt Nam phải đào tạo ra lớp “công dân toàn cầu” nhưng có tâm hồn Việt, tinh thần Việt. Muốn đạt mục đích đó, bên cạnh việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chính trong di sản vô giá mà Hồ Chí Minh để lại, mỗi người dân Việt Nam sẽ tìm thấy hình mẫu lý tưởng về văn hóa làm người để giáo dục con em và tự giáo dục bản thân. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải thực sự trở thành nội dung căn cốt của văn hóa dân tộc, là vũ khí sắc bén để chống lại sự tha hóa trong mỗi con người và sự suy thoái đạo đức của xã hội.
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2020
(2) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về hoạt động của Hồ Chủ tịch, tr.65.
(3) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.225.
(4), (5), (7), (8), (11), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.3, 534, 64, 175, 35, 272.
(6) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.470.
(9), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.15, sđd, tr.325, 614.
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.316.
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.98.
(15), (25) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.51, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.142, 27.
(16), (19), (22), (23), (24) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.233.
(17) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.147, 70, 70, 70, 75.
(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.457.
(20) https://vnfinance.vn/viet-nam-la-nen-kinh-te-duy-nhat-o-dong-nam-a-tang-truong-duong-nam-2020-11064.html.
(21) https://nhandan.org.vn/tin-tuc-xa-hoi/ty-le-ho-ngheo-binh-quan-ca-nuoc-con-duoi-4-472886.
(26) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.289.
(27) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.66.
Nguồn : PGS, TS Trần Thị Minh Tuyết
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét