Trong cuộc sống của mỗi con người có thể có các loại lý
tưởng khác nhau. Có lý tưởng sống được con người nuôi dưỡng suốt cả
cuộc đời; cũng có lý tưởng thuộc về một mặt nhất định nào đó, chẳng hạn như lý
tưởng chính trị, lý tưởng học vấn, lý tưởng nghề nghiệp, lý tưởng đạo đức,
v.v.. Dù là loại nào thì lý tưởng cũng đều đóng vai trò định hướng, có
tác dụng điều chỉnh hoạt động và đặc biệt là có sức mạnh kích
thích con người hành động. Con người sống trong xã hội mà nếu không
có lý tưởng thì thật là vô vị, là “sống hoài, sống phí”.
Sống trong một chế độ xã hội nhất định nào đó thì lý tưởng
cách mạng của con người thuộc vào loại lý tưởng chính trị. Bởi vậy, lý
tưởng cách mạng không phải là cái gì đó quá viển vông, xa vời hoặc quá trừu
tượng mà con người không bao giờ có thể đạt tới. Lý tưởng chính trị của người
cách mạng trong thời kỳ mà giai cấp tư sản vừa lúc mới manh nha, còn non trẻ là
lật đổ sự thống trị của giai cấp phong kiến già cỗi, bảo thủ, cản trở sự phát
triển để thiết lập chế độ chính trị tư sản, xác lập quyền thống trị của giai
cấp tư sản đang lên. Lý tưởng cách mạng của những người công nhân giác ngộ
sống trong xã hội tư bản đầy rẫy bất công là lật đổ, xóa bỏ chế độ người bóc
lột người, mong ước xây dựng một xã hội tự do, công bằng, nhân văn, bình đẳng.
Lý tưởng cách mạng chung của những người yêu nước chân
chính ở các nước đã từng là thuộc địa của chủ nghĩa thực dân không có gì khác
hơn là đấu tranh giành lại độc lập cho đất nước và dân tộc mình.
Trong tất cả các giai đoạn cách mạng dưới sự lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam, chính lý tưởng cách mạng “không có gì quý hơn độc lập,
tự do” đã thúc đẩy mọi cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ,
vượt qua mọi hiểm nguy, dấn thân, xông pha vào những nơi khó khăn nhất, sẵn
sàng chiến đấu, hy sinh thân mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhờ vậy mà
cuộc Cách mạng Tháng Tám đã thành công, hai cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp và đế quốc Mỹ đã thắng lợi trọn vẹn, giang sơn bị chia cắt nhiều năm đã
được thu về một mối.
Tiếc rằng trong thời gian vừa qua, sự suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên
rất đáng quan ngại. Biểu hiện đầu tiên trong 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
trong nội bộ đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng chỉ ra là một bộ
phận cán bộ, đảng viên: “Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm
tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin
tưởng vào Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Báo động về sự suy thoái đạo đức, lối sống, nhất là về sự
suy thoái lý tưởng cách mạng của một bộ phận cán bộ, kể cả một số cán bộ cấp
cao, trong thời gian vừa qua hết sức đáng ngại. Chủ nghĩa cá nhân, động cơ
kiếm tiền, bao che để trục lợi, lợi dụng khe hở của công tác quản lý và luật
pháp để thu vén, làm giàu cho bản thân và gia đình đều là những nguyên nhân
trực tiếp khiến người có chức, có quyền, có địa vị cao trong xã hội trở thành
tội phạm. Nhưng nguyên nhân chủ yếu mang tính quyết định, dẫn họ đến sự thoái
hóa đó chính là sự tu dưỡng của bản thân quá kém, đặc biệt là sự phai nhạt lý
tưởng cách mạng, điều mà họ đã từng tuyên thệ trung thành suốt đời trước cờ
Đảng khi họ được kết nạp vào Đảng.
Điều quan trọng hàng đầu cần phải làm để phòng ngừa, chống
lại sự phai nhạt lý tưởng cách mạng là quán triệt sâu sắc cho mỗi cán bộ, đảng
viên về lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân. Chỉ có
sự tự ý thức và sự tự giác thấm nhuần lý tưởng ấy trong mọi
tình huống thì mỗi cán bộ, đảng viên mới có thể làm tròn trọng trách của mình
trước Đảng, trước nhân dân. Đó là giải pháp quan trọng hàng đầu bên cạnh
việc các tổ chức đảng phải thường xuyên, liên tục giáo dục tư tưởng, đạo
đức và phong cách cho mỗi cán bộ, đảng viên theo tấm gương Hồ Chí Minh.
Phòng và chống chủ
nghĩa cá nhân thật tốt sẽ góp phần quan trọng trong việc phòng, chống sự suy
thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là trong việc phòng, chống sự suy
thoái lý tưởng cách mạng ở mỗi cán bộ, đảng viên. Trong bối cảnh tình hình thế
giới có nhiều biến đổi nhanh chóng, khó lường như hiện nay và trước yêu cầu,
nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải coi việc thấm
nhuần và thực hành đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”,
một lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục
vụ nhân dân chính là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa sự suy thoái, nhạt
phai lý tưởng cách mạng, qua đó giữ vững vị thế, vai trò là lực lượng tiên
phong, nòng cốt, dẫn dắt và lãnh đạo nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ,
công bằng, văn minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét