Công tác tuyên giáo nói
chung, công tác tuyên truyền nói riêng là bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng
trong toàn bộ hoạt động của Đảng nhằm xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo
đức, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường
lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhận diện để đấu tranh có
hiệu quả với các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận công tác tuyên truyền của của
Đảng, Nhà nước ta trong tình hình hiện nay là một nhiệm vụ quan trọng.
Trong những năm gần đây, các tổ chức phản động người Việt
Nam ở nước ngoài; các lực lượng cạnh tranh về tư tưởng, chính trị (những người
nghiên cứu lý luận, hoạt động chính trị đảng phái tại một số nước phương Tây và
cả những người cơ hội chủ nghĩa, suy thoái về tư tưởng, chính trị tại Việt
Nam…); các cá nhân người Việt ở trong nước bị các thế lực cực hữu nước ngoài
mua chuộc, lợi dụng, núp bóng dưới ngọn cờ “dân chủ, nhân quyền”… ngày càng
tăng cường xuyên tạc, phủ nhận và tiến hành chống phá nền tảng tư tưởng và chế
độ chính trị - xã hội của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt, khi công tác
tuyên truyền của chúng ta ngày càng khẳng định được vai trò nòng cốt trong quá
trình bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thì các thế lực này lại càng ráo riết
chống phá bằng nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, trong đó việc sử dụng triệt
để tiện ích của Internet qua các website, mạng xã hội, các kênh thông tin
truyền thông… là hình thức phổ biến nhất.
Gần đây nhất, liên quan đến việc chúng ta đặt tên đường
phố, công trình công cộng, trong đó có sự cân nhắc về một số nhân vật lịch sử
còn có những ý kiến trái chiều, thì ngay lập tức, thế lực thù địch đã lấy đó
làm cơ hội để thực hiện ý đồ xuyên tạc, chống phá. Một mặt, họ cố tình lờ đi
nội dung quan trọng là “một số nhân vật lịch sử còn có những ý kiến trái chiều”,
mặt khác, nhân danh “giới nghiên cứu” rồi ấu trĩ viện dẫn lịch sử “thời pháp
thuộc” thời “Việt Nam Cộng hòa”… và tiến hành trích dẫn ý kiến của những kẻ hời
hợt, bảo thủ, kém hiểu biết để rêu rao rằng: “văn bản này của Ban Tuyên giáo
Trung ương đi ngược lại sự thật của lịch sử và gây hoang mang trong nhân
dân”(!?).
Có thể thấy, nhờ có hoạt động tuyên truyền mà chủ trương,
đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã đến với nhân dân một cách kịp
thời, hiệu quả và thiết thực. Các vấn đề quan trọng của đất nước, từ kinh tế -
xã hội, quốc phòng - an ninh, văn hóa… cho đến đời sống tư tưởng tình cảm, thực
hành tôn giáo tín ngưỡng… của nhân dân được phản ánh kịp thời, sinh động. Đây
chính là vai trò “cầu nối” giữa “Ý Đảng” với “Lòng Dân” của ngành tuyên giáo;
góp phần tăng cường bồi đắp, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước;
góp phần nâng cao vị thế quốc gia, lòng tự hào dân tộc, khát vọng Việt Nam.
Trong thời gian tới, các thế lực thù địch sẽ không ngừng
xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng và chế độ chính trị - xã hội của chúng
ta. Trong bối cảnh đó, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng được xác định
là nhiệm vụ và nội dung tất yếu, cơ bản, hệ trọng, quan trọng hàng đầu của toàn
Ðảng, toàn quân, toàn dân ta. Trong đó công tác tuyên truyền phải luôn được xác
định là nòng cốt, tự giác, thường xuyên và thiết thực như lời dạy của Chủ tịch
Hồ Chí Minh: “Tuyên truyền là đem một phần việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ,
dân theo, dân làm, nếu không đạt được mục tiêu đó thì tuyên truyền thất bại”(3)./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét