Thực tiễn đã và đang chỉ rõ, mọi sự tha hóa, thoái hóa quyền
lực đều là tham nhũng dưới mọi thủ đoạn, hình thức và mức độ, từ tham nhũng
kinh tế tới tham nhũng chính sách. Những người tha hóa quyền lực cấu kết với
nhau rất tinh vi, chặt chẽ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ; họ lợi
dụng các “khoảng trống” pháp luật, việc thiếu công khai, minh bạch, thiếu cơ
chế và chế tài kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực để trục lợi; bất chấp
các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chà đạp lên luân thường đạo lý,
cốt chiếm đoạt mọi thứ vì cá nhân và phe nhóm. Những hành động đó phá vỡ sự
đoàn kết, thống nhất trong Đảng, gây xáo trộn, làm rối loạn kỷ cương và xã hội.
Sự tha hóa, thoái hóa quyền lực, “ăn cắp” và “buôn bán” quyền lực
dưới mọi hình thức, cấp độ làm xuất hiện những “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích”,
có nguy cơ nảy nở những “sứ quân”, biến những người được trao quyền thành những
“ông tướng, bà tướng” tự tung tự tác, trong “những bầu trời riêng”; đồng thời,
gây chia rẽ nội bộ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, làm suy yếu nền chính trị
của đất nước. Sự tha hóa quyền lực biểu hiện từ việc dùng thẩm quyền của
mình để tác động không đúng, không phù hợp cho đến sự “ưu ái” đối với các lĩnh
vực, nhằm trục lợi cho mình và “nhóm lợi ích”, cũng như trong việc quyết định
các chủ trương, chính sách, các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, như cấp phép,
cấp vốn, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ... Đặc biệt, sự tha hóa, thoái hóa quyền
lực vừa công khai, vừa tinh vi, câu kết chặt chẽ ngang - dọc, trên - dưới,
trong - ngoài... bằng những “luật ngầm” đã xuất hiện trên các phương diện kinh
tế, chính trị, xã hội ở một số nơi, đã và đang gây nên những hậu họa khôn
lường.
Đáng lo ngại là sự tha hóa, thoái hóa quyền lực của không ít người
rất đa dạng, tinh vi; họ núp sau tấm bình phong tập thể, cộng đồng. Tuy nhiên,
việc phát hiện và xử lý các vụ việc có liên quan đến tha hóa, thoái hóa quyền
lực thường rất khó khăn, phức tạp; vì nó thường gắn với người có chức vụ, quyền
lực lớn, nên có mối quan hệ chằng chịt, đa dạng và không ít trường hợp còn được
bao che, thậm chí dùng cả tổ chức quyền lực phản kích quyết liệt, chống lại các
lực lượng kiểm tra, thanh tra, giám sát, các cơ quan thực thi và bảo vệ pháp
luật, làm cho tình hình ở không ít nơi diễn ra rất phức tạp.
Ngay từ tháng 6-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo: “Dìm người
giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm). Gặp việc
phải, mà sợ khó nhọc nguy hiểm, không dám làm, là tham vật uý lạo. Gặp giặc mà
rút ra, không dám đánh là tham sinh úy tử. Đều làm trái với chữ LIÊM. Do BẤT
LIÊM mà đi đến tội ác trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp,
bất liêm tức là trộm cắp”, “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp
cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu
lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư””.
Thực tiễn cách mạng chỉ rõ, giải quyết có hiệu quả, không để xảy
ra tình trạng thừa quyền lực nhưng thiếu năng lực, trước hết là năng lực chính
trị và pháp luật, trong điều kiện Đảng lãnh đạo, cầm quyền bằng pháp luật là
nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. Ranh
giới giữa thẩm quyền được giao với sự năng động, sáng tạo vốn rất mong manh
nhưng rất đa dạng, phong phú... và trong một số hoàn cảnh lại là điều kiện
thuận lợi cho những kẻ rắp tâm lợi dụng quyền lực để mưu lợi cho cá nhân. Điều
đó dẫn tới sự rối loạn hệ giá trị trong đánh giá, thẩm định, vượt ngoài khuôn
khổ cho phép và làm rối loạn kỷ cương, kỷ luật ở không ít nơi. Những trường hợp
đó âm mưu sở hữu quyền lực một cách “vô pháp vô thiên”, rắp mưu hoành hành
quyền lợi cá nhân, phe nhóm, phường hội. Nếu không nghiêm túc giải quyết tình
trạng trên, dễ dẫn tới nạn rũ bỏ, trốn tránh trách nhiệm theo thẩm quyền, chia
cắt kỷ luật và khoanh vùng kỷ luật và pháp luật, nguy cơ biến kỷ luật và pháp
luật thành những “thanh kiếm phường chèo”(!). Qua các vụ đại án về tha hóa,
thoái hóa quyền lực của nhiều cá nhân và tổ chức vi phạm pháp luật do lợi dụng
quyền lực đã được xét xử gần đây cho thấy rõ tính nguy hại của vấn nạn trên;
đồng thời, cảnh báo nghiêm khắc sự thiếu tôn trọng pháp luật hoặc cố tình giẫm
đạp lên luật pháp đều dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm đó.
Nhưng điều đáng sợ hơn là, khi bị chi phối bởi “lợi ích nhóm”, tệ
“cát cứ phường hội”, băm nhỏ lợi ích quốc gia... tất sẽ dẫn đến tình trạng thật
giả lẫn lộn, phải trái bất minh, “chụp mũ” những người năng động, sáng tạo, dám
nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung hoặc tấn công những người
có dũng khí đấu tranh chống lại nạn lạm quyền, lộng quyền, hoặc cố ý làm trái;
đồng thời, làm thui chột, thậm chí phá vỡ động lực phát triển, làm rạn vỡ đội
ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; xuất hiện nguy cơ
làm băng hoại không ít tổ chức, cơ quan, đơn vị.
HAIVAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét