Thực tiễn cách mạng nước ta yêu cầu: “Những người có thể phụ trách
giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không
có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo”. Công cuộc đổi mới toàn diện, đồng
bộ, hơn bao giờ hết đang “Đòi hỏi cao đối với cán bộ lãnh đạo, nhất là các đồng
chí giữ cương vị trọng trách trong bộ máy của Đảng, Nhà nước ở Trung ương và
địa phương, các đồng chí Ủy viên Trung ương, bí thư tỉnh, thành ủy, bộ trưởng,
người đứng đầu các ngành, địa phương, đơn vị và các cán bộ lãnh đạo khác phải
tự giác rèn luyện, nêu gương cho cấp dưới về sự giác ngộ chính trị, giữ gìn
phẩm chất, đạo đức, lối sống, sự hy sinh phấn đấu vì lý tưởng của Đảng, vì hạnh
phúc của nhân dân”; “quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm người đứng đầu cấp
ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị”.
Theo nghĩa rộng thông thường, quyền lực là năng lực, khả năng của
một cá nhân hay tổ chức tác động đến những cá nhân, tổ chức khác, buộc họ phải
thực hiện ý chí của mình thông qua các hình thức thể hiện trên phương diện
chính trị, lập pháp, hành chính, tư pháp, kinh tế, thông tin,...; trong đó,
quyền lực chính trị là quan trọng nhất, bao trùm, chi phối mọi hoạt động của
đời sống xã hội, trên nền tảng pháp lý và đạo lý. Trong giai đoạn hiện nay, cá
nhân và tổ chức phải được trao hoặc ủy quyền đủ để thực thi quyền lực theo pháp
luật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ và hội
nhập quốc tế sâu rộng.
Khi một cá nhân hay một tổ chức, dù lớn hay nhỏ, sẵn lòng ủy
quyền, trao quyền cho người thể hiện được tài năng, đạo đức, sức lôi cuốn các
cá nhân, để dẫn dắt cộng đồng thì việc giám sát sự thi hành thẩm quyền tự nó đã
trở thành trách nhiệm đối với người trao quyền hoặc ủy quyền của cộng đồng, của
quốc gia, theo pháp luật. Vì vậy, theo nghĩa nào đó, nếu thẩm quyền không
gắn với trách nhiệm thì thẩm quyền hoặc bị buông lỏng, trở nên vô tác dụng
hoặc bị tha hóa, thoái hóa trở nên không giới hạn. Và khi đó, sự mất cân bằng
quyền lực sẽ xảy ra, tạo nên tình trạng quyền lực vô tác dụng, hoặc bị biến
thành vật sở hữu của cá nhân, của phe nhóm, gây rối loạn xã hội.
Điều cần cảnh báo là, khi quyền lực đạt tới trình độ tuyệt đối,
mặt đối lập của tình trạng này nhất định sẽ dẫn tới tha hóa tuyệt đối, nếu thẩm
quyền không được khắc chế và kiểm soát bằng đạo đức, bằng pháp luật và các công
cụ kiểm soát khác, thông qua đề cao trách nhiệm cá nhân. Nói một cách hình ảnh, nếu
biết ra lệnh thì chỉ là quan chức, còn biết truyền cảm hứng và chủ động chịu
trách nhiệm thì đó là người lãnh đạo, quản lý đúng nghĩa. Một trong những
thử thách của sự lãnh đạo, quản lý chiến lược là khả năng giải quyết vấn đề một
cách khoa học và dân chủ, đó cũng là mấu chốt đối với công việc kiểm soát quyền
lực.
V.I. Lê-nin đã chỉ rõ rằng: “Lý do tồn tại của tổ chức đảng, và
của các lãnh tụ xứng đáng với danh hiệu đó là, ngoài nhiều điểm khác, đảng và
lãnh tụ còn phải thông qua một công tác lâu dài, kiên cường, thiên hình vạn
trạng và nhiều mặt của tất cả những đại biểu giác ngộ của giai cấp mình mà thu
hoạch được những kiến thức cần thiết, kinh nghiệm cần thiết, - ngoài kiến thức
và kinh nghiệm - là tính nhạy bén chính trị cần thiết để giải quyết một cách
chính xác và mau lẹ những vấn đề chính trị phức tạp”. Điều đó cho thấy rằng, sự
nhạy bén chính trị cũng như việc kiểm soát quyền lực là những khâu quan trọng
trong công cuộc lãnh đạo, cầm quyền của đảng cộng sản. Quyền lực được nhân dân
ủy thác và giao phó cho Nhà nước; đến lượt mình, Nhà nước quản lý mang tầm
chiến lược, chủ động đón nhận sự ủy thác quyền lực từ nhân dân và hoàn thành
việc thực thi quyền lực của nhân dân một cách xứng đáng, theo phương châm minh
bạch, dân chủ và đúng chức năng, nhiệm vụ theo luật định một cách thống nhất.
Điều đó sẽ bảo đảm vị trí, vai trò cầm quyền của Đảng, nhằm kiến tạo và phát
triển Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng hệ thống chính
trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả.
HAIVAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét