Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

TẦM QUAN TRỌNG, VỊ TRÍ, VAI TRÒ VÀ QUAN HỆ BIỆN CHỨNG CỦA HAI NHIỆM VỤ XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC

 

Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ xuyên suốt trong các giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam, từ khi ra đời Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, dưới sự lãnh đạo của Đảng cho đến nay. Ở Việt Nam, giải quyết mối quan hệ này được chia làm hai thời kỳ rõ rệt, đó là khi đất nước còn chiến tranh, vừa phải chiến đấu đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giành độc lập dân tộc và vừa xây dựng hậu phương lớn phục vụ tiền tuyến. Tiếp đó là, thời kỳ đất nước được hoà bình, thống nhất bên cạnh nhiệm vụ to lớn đưa nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội, thì bảo vệ Tổ quốc vẫn luôn được xác định là trọng yếu, thường xuyên. Bởi vậy, ở mỗi giai đoạn, việc nhận thức và giải quyết hai nhiệm vụ chiến lược này là vấn đề hệ trọng, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, là một cơ sở để làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử ngày hôm nay.

      Từ truyền thống lịch sử của dân tộc, dựng nước phải đi đôi với giữ nước là bài học mang tính quy luật, được đúc kết qua hàng nghìn năm lịch sử. Ở Việt Nam, trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội, vận dụng các quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bài học này được Đảng ta khái quát thành một quan điểm lớn, là nắm vững hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội lần thứ IV của Đảng, khi đất nước đã độc lập, non sông thu về một mối, Đảng ta xác định: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội phải đi đối với bảo vệ Tổ quốc”, tiếp đó, Đại hội V của Đảng, xác định: “Toàn Đảng, toàn quân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phải đoàn kết một lòng, ra sức phấn đấu thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược:một là, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội; hai là, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta vẫn nhất quán quan điểm luôn coi trọng cả hai nhiệm vụ, nhưng bắt đầu đã có những điều chỉnh phù hợp với bối cảnh mới, Đại hội VII, thông qua Cương lĩnh 1991 xác định:” Trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng đất nước, nhân dân ta luôn luôn nâng cao cảnh giác, củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Tổ quốc và các thành quả cách mạng”.

     Tuy nhiên, yêu cầu mới đòi hỏi phải cụ thể hoá vị trí, vai trò của từng nhiệm vụ, làm cơ sở cho việc hoạch định chủ trương, chính sách; xác định mục tiêu trong từng thời kỳ, điều này cũng chính là bước phát triển mới về nhận thức lý luận, về mối quan hệ của hai nhiệm vụ chiến lược cơ bản này. Đại hội VIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh, việc chuyển hướng trọng tâm sang xây dựng, phát triển đất nước nhưng vẫn không được coi nhẹ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong điều kiện đất nước đã có hoà bình, thống nhất, nhưng điểm xuất phát thấp, nguy cơ chiến tranh, xâm lược từ bên ngoài vẫn tiềm tàng, hai nhiệm vụ này chỉ có thể giải quyết được khi đất nước mạnh lên. Do đó, trong các nhiệm kỳ Đại hội IX, X, XI nhận thức lý luận về hai nhiệm vụ chiến lược tiếp tục được hoàn thiện, xác định nhiệm vụ xây dựng giữ vai trò nền tảng đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, rằng sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng- an ninh. Đại hội XII khẳng định:” Gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế- xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá- nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng và an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét