Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2023

Truyền thông chính sách đối với hoạt động của chính phủ

 


Truyền thông chính sách là một phần trong hoạt động của chính phủ nhằm đưa thông tin về chính sách đến người dân, thuyết phục họ thay đổi nhận thức và hành vi đúng pháp luật, là kênh để chính phủ lấy ý kiến nhân dân khi xây dựng chính sách mới, điều chỉnh chính sách hiện tại, tạo ra sự đồng thuận xã hội. Nhận thức rõ vai trò của truyền thông chính sách sẽ giúp chính phủ và các nhà truyền thông có chiến lược phù hợp, xây dựng sự đồng thuận xã hội.

Truyền thông chính sách được hiểu là quá trình liên tục trao đổi hoặc chia sẻ thông tin bằng một hệ thống ký hiệu, quy ước nhằm tạo sự liên kết để thay đổi nhận thức và hành vi về chính sách. Mục tiêu cốt lõi của truyền thông chính sách là thu hút người dân và những bên liên quan tham gia vào các chu trình chính sách. Truyền thông chính sách là kênh bày tỏ sáng kiến chính sách cũng như chính nó cũng áp dụng cho các công cụ quản lý truyền thông. Trong lịch sử, truyền thông chính sách chủ yếu được sử dụng để đạt được các mục tiêu chính trị. Trước khi nền dân chủ xuất hiện, truyền thông chính sách chỉ có ý nghĩa tuyên truyền các vấn đề quân sự, đối ngoại và chỉ có chức năng thúc đẩy các công dân ngoan ngoãn. Với sự ra đời của nền dân chủ, truyền thông chính sách thực hiện chức năng thông báo và gây ảnh hưởng nhằm bảo đảm công dân biết quyền, trách nhiệm của mình đối với nhà nước, xã hội. Nhiệm vụ chính của truyền thông chính sách lúc này là định hướng và nâng cao nhận thức của công chúng và thông tin tuyên truyền về mọi hoạt động điều hành xã hội của nhà nước phù hợp với lợi ích người dân. Truyền thông chính sách là một phần hành động của chính phủ để thực hiện một chính sách cụ thể; giúp các cơ quan nhà nước đưa thông tin đến người dân để thuyết phục họ thay đổi nhận thức và hành động đúng pháp luật, cùng tham gia đóng góp ý kiến để xây dựng chính sách.

Theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới, vai trò của truyền thông chính sách đối với chính phủ cũng như hạn chế mà nó có thể mang lại được nhìn nhận trên một số khía cạnh: Truyền thông chính sách hỗ trợ chính phủ xây dựng thành công chính sách và giúp cho chính sách ngày càng được hoàn thiện hơn; truyền thông chính sách làm trung gian thực hiện các đánh giá chính sách và giám sát thực hiện chính sách theo nhiều chiều cạnh khác nhau; truyền thông chính sách góp phần quảng bá hình ảnh của chính phủ; truyền thông chính sách góp phần nâng cao tính dân chủ trong hoạt động của chính phủ… Thực tế cho thấy ở nơi nào loại bỏ quy định về chức năng cơ bản của truyền thông chính sách sẽ làm giảm khả năng của công dân tham gia một cách có ý nghĩa vào quá trình hoạch định chính sách của chính phủ, giảm các sáng kiến của công chúng qua các phương tiện truyền thông. Bên cạnh những mặt tích cực, truyền thông chính sách cũng có một số hạn chế như, truyền thông chính sách có xu hướng vượt qua giới hạn của nó; truyền thông chính sách dễ bị thao túng bởi các thế lực chính trị đối lập; truyền thông chính sách dễ trở thành công cụ thúc đẩy sự hợp pháp hóa các hoạt động phi pháp…

Theo đó, để phát huy vai trò tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực, truyền thông chính sách phải lấy công chúng làm trung tâm trong thúc đẩy sự hiểu biết của công chúng về các vấn đề chính sách, nâng cao năng lực tiếp nhận chính sách của công chúng cũng như thúc đẩy các sáng kiến và giải pháp./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét