Trong sự
nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích chiến lược của đất nước
phải được thực hiện trên tinh thần độc lập, tự chủ. Việt Nam luôn nhất quán
quan điểm không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để
chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ
Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ
lực trong quan hệ quốc tế. Đồng thời, căn cứ vào tình hình, điều kiện cụ thể,
“Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với
mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn
vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp
tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế”. Việc giải
quyết các tranh chấp, bất đồng được thực hiện theo phương châm kiên quyết, kiên
trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình (đàm phán, trọng tài, tòa án quốc
tế...) trên cơ sở luật pháp quốc tế. Cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và
lợi ích chiến lược của đất nước gắn liền với cuộc đấu tranh bảo vệ các chuẩn
mực của luật pháp quốc tế. Kêu gọi sự ủng hộ, đồng thuận của cộng đồng quốc tế
trong việc giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên tinh thần luật pháp quốc
tế.
Trong hoạt
động đối ngoại và hội nhập quốc tế, tiếp tục đẩy mạnh, không ngừng mở rộng và
đi vào chiều sâu mối quan hệ với các nước trong khu vực và trên thế giới, góp
phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển. Bảo vệ lợi ích chiến
lược của đất nước không chỉ sử dụng thuần túy sức mạnh nội sinh của quốc gia -
dân tộc, mà cần kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong
nước với sức mạnh quốc tế. Trong đó, sức mạnh quốc tế chỉ được phát huy cao độ
khi Việt Nam đứng vững trên lập trường chính nghĩa, dựa trên luật pháp quốc tế,
phù hợp với giá trị chung mà nhân loại cùng quan tâm, như: Bảo vệ độc lập, chủ
quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các lợi ích chiến lược của đất nước phù hợp với luật
pháp quốc tế; phát huy vai trò, trách nhiệm trong bảo vệ hòa bình ở khu vực và
trên thế giới; mở rộng hợp tác với các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ
quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp
quốc tế, cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực, quốc tế. Đảng Cộng sản Việt
Nam xác định: “đẩy mạnh đưa quan hệ với các đối tác, đặc biệt là đối tác quan
trọng, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, tăng cường đan xen lợi ích; xử lý
linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả mối quan hệ với các nước lớn”.
Sử dụng hiệu
quả các biện pháp chính trị ngoại giao tại khoản 1, Điều 33 của Hiến chương
Liên hợp quốc: “Các bên đương sự trong các cuộc tranh chấp, mà việc kéo dài các
cuộc tranh chấp ấy có thể đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế, trước hết,
phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra,
trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng những tổ chức hoặc những điều
ước khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của
mình”. Đồng thuận, nhất quán với quan điểm đó, nhân kỷ niệm 53 năm Ngày thành
lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN (8-8-1967 - 8-8-2020), Bộ trưởng
Ngoại giao của 10 nước ASEAN đã ra Tuyên bố về việc duy trì hòa bình và ổn định
ở Đông Nam Á: “Kêu gọi tất cả các nước kiềm chế, không tiến hành các hoạt động
làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định,
không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết các khác biệt và tranh
chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”. Tôn trọng luật pháp
quốc tế là cách thức hữu hiệu nhằm ngăn ngừa xung đột cũng như tìm kiếm những
giải pháp lâu bền cho tranh chấp, xung đột. Theo đó, Việt Nam cần tiếp tục ủng
hộ mọi nỗ lực thực hiện các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp theo Hiến
chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, từ thương lượng, hòa giải tới việc
sử dụng các cơ chế pháp lý quốc tế. Tích cực triển khai các cam kết khu vực và
quốc tế, lồng ghép với các chiến lược, chính sách, kế hoạch và chương trình
phát triển kinh tế - xã hội./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét