“Không liên minh quân sự” là quan điểm và chính sách nhất quán
của Đảng, Nhà nước ta. Song, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị
luôn dùng mọi thủ đoạn, chiêu trò để hướng lái dư luận, hòng chống phá quan
điểm đó, nhất là trong tình hình hiện nay.
Họ cho rằng “Chỉ có liên minh quân sự với một cường quốc thì
Việt Nam mới giữ được chủ quyền, bảo vệ được lợi ích quốc gia - dân tộc”. Theo
họ: Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không” là nguy cấp, vì sức mạnh
quân sự Việt Nam hiện nay là “quá yếu”, “lạc hậu”; vì vậy, Việt Nam cần liên
minh quân sự với một nước lớn có thực lực quân sự, quốc phòng mạnh thì sẽ được
hỗ trợ tối đa về mọi mặt để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển, đảo
quốc gia. Rồi họ kết luận, chính sách “không liên minh quân sự” chẳng những
không giữ được đất nước trước xâm lược, mà cũng không giữ nổi chế độ, nó còn
làm Đảng ta “mất cả chì lẫn chài” (ám chỉ Đảng ta sẽ mất cả quyền lãnh đạo).
Thậm chí, họ không ngại chỉ ra rằng: “Việt Nam liên minh quân sự với Mỹ sớm
ngày nào thì nguy cơ tiếp tục mất đảo, mất quyền chủ quyền trên Biển Đông cũng
như nguy cơ hứng chịu một cuộc chiến tranh trên biển lẫn đất liền bị đẩy lùi
sớm ngày ấy” (!?).
Những lý lẽ trên là hoàn toàn không phù hợp với đường lối của
Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như thực tiễn cách mạng Việt Nam. Bởi thực tế đã
chứng minh: Chủ quyền quốc gia - dân tộc là thiêng liêng và tối cao không thể
phó thác cho bên ngoài, dù đó là ai. Trong quan hệ quốc tế hiện nay, các quốc
gia đều đề cao lợi ích quốc gia - dân tộc, nhất là những lợi ích cốt lõi như:
độc lập, chủ quyền, chế độ xã hội,… trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi, thì
việc các nước giúp nhau bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia - dân tộc không hề
đơn giản. Những liên minh “thần thánh” đều là giả tưởng trong đầu óc của những
nhà huyễn tưởng, không có chỗ đứng trong thực tiễn chính trị - quân sự sống
động, phức tạp và thực dụng hiện nay. Việc một nước nhỏ muốn liên minh quân sự
với một cường quốc (nước lớn) nhằm mục đích bảo vệ được chủ quyền và lợi ích
quốc gia - dân tộc của mình, vậy lợi ích của cường quốc sẽ là gì trong sự liên minh
này? Xưa nay không ai cho không ai bao giờ; cái gì cũng có giá của nó. Cái giá
ở đây là nước nhỏ có thể tránh được nguy cơ mất chủ quyền và bảo vệ được lợi
ích quốc gia - dân tộc mình trước một mối đe dọa nào đó từ bên ngoài, nhưng
trước khi có thể tránh được những nguy cơ đó, thì cái giá phải trả hiện hữu và
có thật, đó là: nước nhỏ phải chấp nhận nhượng bộ ít nhiều về chủ quyền hoặc
lợi ích quốc gia - dân tộc mình với cường quốc liên minh. Đó là vốn liếng, tài
sản “thế chấp” để nhận được những “cam kết” bảo vệ an ninh từ đồng minh. Đó
cũng là “luật chơi” không thể khác trong quan hệ quốc tế hiện nay. Ở đây nước
nhỏ đã đem lợi ích thực tế để đánh đổi lấy khả năng bảo vệ an ninh. Một khả
năng mà khi muốn hiện thực hóa nó bao giờ cũng gắn với những điều kiện “đính
kèm” cần và đủ từ phía các đồng minh nước lớn. Đối với mọi quốc gia, lãnh thổ
đất nước luôn đóng vai trò là cơ sở vật chất cho sự tồn tại của quốc gia, có
giá trị thiêng liêng và bất biến. Đối với Việt Nam, độc lập, chủ quyền, thống
nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ xã hội chủ nghĩa,… là lợi ích cốt lõi, tối cao
và thiêng liêng, đã biết bao thế hệ hy sinh xương máu để giành được. Vì vậy,
vấn đề độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc không thể
phó thác cho bất cứ ai, mà phải do người Việt Nam tự quyết định. Điều này được
Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện nhất quán từ trước đến nay theo nguyên tắc
“Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản
của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có
lợi”.
Như vậy, chủ trương không tham gia liên minh quân sự là đúng đắn
và phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay khi hòa bình,
hợp tác, phát triển đang là xu thế chủ đạo và chủ trương đối ngoại của Việt Nam
là đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên
tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Thực hiện chủ trương này là cơ
sở để chúng ta tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế với sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét