Hiện nay, mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok, Lotus… đang là nơi gặp gỡ, giao lưu, gắn kết cộng đồng, tìm kiếm việc làm, quảng cáo, kinh doanh và giải trí phổ biến ở nước ta. Sự xuất hiện của các trang mạng xã hội này đã tạo ra những giá trị mới, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế, thúc đẩy sự phát triển giáo dục - đào tạo và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, mạng xã hội cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây mất an ninh, trật tự; nếu người tham gia mạng xã hội không tỉnh táo trước những tin giả, tin xấu, độc rất dễ bị đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội như trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bắt cóc tống tiền, mất an toàn cho cá nhân và gia đình. Dễ bị lôi kéo, kích động, cổ xúy, tụ tập đông người nguy cơ gây mất an ninh, trật tự hoặc vô tình hoặc cố ý phát tán những thông tin giả, tin xấu, độc, làm lộ thông tin bí mật nhà nước, gây hại cho cộng đồng, thậm chí tiếp tay cho các đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước.
* Nhận diện thông tin giả, tin xấu, độc
Những thông tin sai trái, bịa đặt, bóp méo, xuyên tạc sự thật, đúng sai, thật giả lẫn lộn hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, thông tin chưa được kiểm chứng gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức; thông tin có những ngôn từ thô tục, nội dung phản cảm, soi mói, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục; kích động, đồi trụy, bạo lực… được coi là tin giả, tin xấu, độc.
*Thủ đọan thông tin giả, tin xấu, độc trên mạng xã hội
Một số dạng thông tin xấu, độc hiện đang lưu hành trên mạng xã hội ở nước ta là:
1. Thông tin chống phá chính quyền, xuyên tạc lịch sử dân tộc, nhất là lịch sử các cuộc kháng chiến, các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta; vu cáo, bôi nhọ, giả mạo các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh trong quân đội;
2. Truyền bá lối sống ích kỷ, vụ lợi, xa hoa, trụy lạc, bạo lực và thù hận đối với cá nhân và tổ chức;
3. Sử dụng các hình thức như đưa tin trúng thưởng, khuyến mãi, bán hàng đa cấp… để lừa đảo, trộm cắp tài sản trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, phát tán virus…
*Một số phương thức phòng ngừa thông tin giả, tin xấu, độc
- Cán bộ viên chức và sinh viên cần nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa khi tham gia mạng xã hội; nghiên cứu các quy định của pháp luật về việc sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng đảm bảo an toàn thông tin và an ninh thông tin. Đặc biệt cần tìm hiểu kỹ về trách nhiệm của các cá nhân, tập thể khi tham gia sử dụng không gian mạng, các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng được quy định trong luật An ninh mạng số 24/2018/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12/6/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.
- Khi tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội nên chọn những trang thông tin chính thống, những trang tin cậy, những tờ báo chính thống, uy tín; biết đặt ra nghi vấn đối với các thông tin nhận được; không tò mò bấm xem các tin, bài giật tít câu view; chủ động kiểm chứng thông tin nhận được từ các nguồn không tin tưởng; không chia sẻ khi chưa kiểm chứng thông tin…
- Khi phát hiện thông tin giả, tin xấu, độc, có dấu hiệu lừa đảo, trộm cắp tài sản, đánh cắp thông tin cá nhân, bôi nhọ, làm nhục người khác, lôi kéo tham gia các hành vi vi phạm pháp luật… qua không gia mạng phải kiên quyết đấu tranh, phê phán, phản bác mạnh mẽ, đồng thời báo cho cơ quan công an để xác minh, làm rõ, kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét