Tương quan so
sánh lực lượng giữa các nước lớn trong khu vực đang có sự thay đổi dẫn đến sự
điều chỉnh chính sách và quan hệ giữa các nước lớn, tập hợp lực lượng xung
quanh các nước lớn và trật tự khu vực đang diễn ra quyết liệt, khó lường. Việt
Nam, với vị thế địa - chính trị của mình cũng không thể nằm ngoài vòng xoáy của
thay đổi tương quan lực lượng và điều chỉnh chính sách của các nước lớn trong
khu vực, đòi hỏi cũng phải có sự điều chỉnh chính sách, nhất là chính sách đối
ngoại để thực hiện được mục tiêu bảo vệ lợi ích chiến lược của đất nước theo
phương châm: Kiên định về mục tiêu, nguyên tắc chiến lược; linh hoạt, mềm dẻo
về sách lược; kiên trì giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn bằng biện pháp hòa
bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân
trong nước, dư luận quốc tế: “Thúc đẩy việc tôn trọng, tuân thủ các nguyên tắc
cơ bản và phổ quát của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế trong
quan hệ quốc tế, nhất là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và chế
độ chính trị - xã hội, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước...
bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia, bác bỏ hành vi cường quyền, áp đặt, gây
căng thẳng và thù địch trong quan hệ quốc tế”.
Trong quan hệ
đối ngoại, Việt Nam cần chủ động tranh thủ, khai thác có hiệu quả những điểm
tương đồng, tạo dựng mặt đồng thuận, hạn chế, khắc chế mặt bất đồng với những
tác hại đến lợi ích chiến lược của đất nước. Coi trọng và xử lý đúng đắn, linh
hoạt, hài hòa quan hệ giữa các nước, nhất là các nước lớn, các nước có chung
đường biên giới, các nước láng giềng, các tổ chức khu vực và quốc tế dựa trên
vị trí địa chiến lược, lợi ích chiến lược của đất nước. Thực hiện tốt các trọng
trách quốc tế, nhất là trong ASEAN, Liên hợp quốc và các khuôn khổ hợp tác ở
châu Á - Thái Bình Dương; chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước
xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh và phát triển bền vững. Phát triển quan hệ
với các đảng cộng sản, các đảng cầm quyền ở các nước và những tổ chức, phong
trào tiến bộ khác trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, giữ vững độc
lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; mở rộng tham gia các
cơ chế, diễn đàn đa phương trong khu vực và trên thế giới. Chủ động đẩy mạnh
hợp tác theo hướng thiện chí, minh bạch, tăng cường xây dựng lòng tin với các
đối tác. Trong đó, cần khéo léo, không để hiểu lầm Việt Nam “bắt tay” với nước
này chống nước kia, gây phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc.
Bối cảnh quốc
tế, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó đoán định. Do đó, cần đẩy
mạnh các hoạt động nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo toàn diện tình hình
và xu thế phát triển trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, đối ngoại, khoa học -
công nghệ, quân sự... của quốc tế, khu vực, các nước lớn, các nước ở Đông Nam
Á; thực trạng và xu hướng phát triển mối quan hệ giữa các nước lớn, các nước
Đông Nam Á, các nước có nhiều lợi ích liên quan đối với Việt Nam. Nhận diện kịp
thời, đúng đắn, thực chất mối quan hệ, sự thỏa thuận hoặc mâu thuẫn, thống nhất
giữa các nước lớn với các nước ở khu vực trong việc giải quyết các vấn đề quốc
tế, khu vực liên quan đến chủ quyền, lợi ích của Việt Nam. Kiên quyết đấu tranh
chống chủ nghĩa dân tộc lớn (chủ nghĩa sô-vanh mới), chủ nghĩa dân tộc cực
đoan, chủ nghĩa dân tộc ly khai và chủ nghĩa dân tộc biệt lập.
Đấu tranh, phê
phán các quan điểm sai lầm, phản động trong việc tuyệt đối hóa lợi ích quốc gia
- dân tộc mình, xem nhẹ lợi ích của quốc gia - dân tộc khác, lảng tránh những
vấn đề toàn cầu, có ảnh hưởng đến sự tồn vong của nhân loại, như dịch bệnh, đói
nghèo, ô nhiễm môi trường và chiến tranh... Kiên quyết, kiên trì trong việc
giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biên giới trên bộ, trên biển, đảo
bằng giải pháp hòa bình, trên cơ sở hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tôn trọng độc
lập, chủ quyền và lợi ích giữa các nước, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc
tế. Trong đó, hợp tác giải quyết tốt các vấn đề về xung đột lợi ích giữa các
quốc gia trên biển, nhất là việc giải quyết thỏa đáng vấn đề chủ quyền, quyền
chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia ở Biển Đông; kiên trì, kiên quyết
bảo vệ các lợi ích chính đáng của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế.
Xây dựng cơ sở
pháp lý vững chắc, kiên quyết thúc đẩy giải quyết các vấn đề trên biển trên cơ
sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982
(UNCLOS), kiên trì thông qua đối thoại giải quyết hòa bình vấn đề tranh chấp ở
Biển Đông, hạn chế, loại trừ xung đột vũ trang, tạo môi trường và điều kiện tốt
nhất để bảo vệ lợi ích chiến lược của đất nước. Kiên quyết ngăn chặn những biểu
hiện chỉ vì lợi ích cục bộ, lợi ích địa phương, lợi ích riêng của doanh nghiệp
mình mà làm ảnh hưởng, vi phạm, phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi
ích chiến lược của đất nước trong quá trình hợp tác, quan hệ với nước ngoài.
Thường xuyên nâng cao năng lực nghiên cứu dự báo chiến lược, giữ vững thế chủ
động chiến lược, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét