Lợi ích là sự
phản ánh quan hệ nhu cầu giữa các chủ thể và dùng để thỏa mãn nhu cầu của các
chủ thể xã hội (cá nhân, tập đoàn, giai cấp, tầng lớp, quốc gia, dân tộc...)
trong những điều kiện lịch sử - xã hội nhất định. Lợi ích của đất nước bao giờ
cũng được phản ánh trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự,
ngoại giao...; có các hình thức lợi ích vật thể, lợi ích phi vật thể; lợi ích
trước mắt và lợi ích lâu dài; lợi ích trong nước và các lợi ích hợp pháp khác ở
nước ngoài. Đối với Việt Nam, lợi ích quốc gia - dân tộc là lợi ích của nhân
dân; bảo vệ chủ quyền, lợi ích của đất nước là nội dung cốt lõi, nền tảng,
nguyên tắc bất biến để giải quyết mọi vấn đề.
Chiến lược là
tổng thể các phương châm, chính sách và mưu lược được hoạch định để xác định
mục tiêu, sắp xếp, quy tụ lực lượng và đề ra giải pháp nhằm đạt một mục đích
nhất định bằng con đường có lợi nhất, tạo ra trạng thái phát triển mới của một
lĩnh vực (chiến lược chuyên ngành), toàn xã hội (chiến lược quốc gia) hoặc toàn
thế giới (chiến lược toàn cầu) trong một thời kỳ nhất định. Chiến lược được áp
dụng trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, quân sự, quốc
phòng, an ninh, ngoại giao... Việc lựa chọn các mục tiêu chiến lược hiện thực
(mục tiêu cơ bản, mục tiêu trung gian, mục tiêu trước mắt), sắp xếp lực lượng
chiến lược hợp lý (lực lượng chủ lực, lực lượng hậu bị) và tìm các giải pháp
chiến lược khả thi (giải pháp cơ bản, giải pháp tình thế, các chính sách liên
quan) là các yếu tố đặc trưng của chiến lược.
Căn cứ vào tầm
quan trọng của lợi ích, có thể thấy lợi ích cơ bản của Việt Nam là Tổ quốc độc
lập, thống nhất, giàu mạnh, lãnh thổ toàn vẹn (cả vùng đất, vùng trời, vùng
biển, hải đảo), nhân dân làm chủ để thực hiện thành công mục tiêu dân giàu,
nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhân dân ấm no, tự do, hạnh
phúc. Lợi ích chiến lược là nội dung cốt lõi trong lợi ích cơ bản của đất
nước, nó có hàm nghĩa sâu hơn. Lợi ích chiến lược của đất nước là tổng thể các
mục tiêu cơ bản, trước mắt, lâu dài và mang tầm vĩ mô cần đạt được trên các
lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học - công nghệ, quân sự, quốc
phòng, an ninh, ngoại giao... để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn
vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ chính trị, bảo đảm quốc gia - dân tộc ngày càng
phát triển lớn mạnh, có vị thế quốc tế ngày càng cao. Lợi ích chiến lược của
đất nước không chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ thuộc chủ quyền của quốc gia
- dân tộc, mà còn là những lợi ích chính đáng nằm bên ngoài biên giới, lãnh
thổ; là những quyền liên quan đến khả năng sinh tồn và phát triển của đất nước
như hòa bình, hợp tác và phát triển; là quyền chủ quyền, quyền tài phán trên
biển, trên không, đất liền, trên không gian mạng, dưới lòng đất... được luật
pháp quốc tế công nhận. Nội dung tối thượng trong lợi ích chiến lược của đất
nước là “giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm
các điều kiện cho sự phát triển của quốc gia - dân tộc”; mục tiêu lớn nhất là
sự trường tồn và hưng thịnh của đất nước.
Lợi ích chiến
lược của đất nước là căn cứ quan trọng để xác định hình thức, biện pháp tổ chức
thực hiện, tiến hành bằng cả sức mạnh vật chất và tinh thần trong quá trình
hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược. Bảo vệ lợi ích chiến lược của đất nước
là bảo vệ hòa bình, ổn định chính trị - xã hội, ngăn ngừa chiến tranh, xung
đột...; bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển, đất liền, dưới lòng
đất, trên không, trên không gian mạng...; bảo vệ cục diện đã được thiết lập,
đan cài với các nước, có lợi cho Việt Nam; không đẩy Việt Nam vào trạng thái bị
động, bất ngờ, trong thế bị bao vây, cô lập trên trường quốc tế; lấy sự ràng
buộc lợi ích giữa Việt Nam với các nước để tạo thế cân bằng chiến lược trong
mọi tình huống... Bảo vệ lợi ích chiến lược của đất nước phải dựa vào đấu tranh
kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa - xã hội... trong đó, lấy đấu
tranh ngoại giao, pháp lý là chủ yếu. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Bảo đảm
cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến
chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét