Trong nhà đèn Cồn Cỏ, có những người gác đèn biển cô đơn trước thềm sóng. Nhà đèn Cồn Cỏ, hay hải đăng Cồn Cỏ được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2007, với chiều cao toàn bộ 27,2m tính đến mặt đất, chiều cao tầm sáng 76m tính đến mực “O” hải đồ. Hải đăng Cồn Cỏ được ví là “mắt ngọc” giữa trùng khơi, có tác dụng báo vị trí đảo Cồn Cỏ, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Quảng Trị định hướng và xác định vị trí… Hằng ngày, những người canh giữ đèn biển ở đây thay phiên nhau túc trực 24/24 giờ tại trạm, bất kể trời mưa, nắng hay sóng gió bão bùng giữa mênh mông biển khơi.
Ngoài
việc luôn lau chùi, bảo quản đèn thường xuyên, những người giữ đèn biển phải
thay nhau kiểm tra tổ hợp điện, kiểm tra ắc quy và nạp điện vào bình ắc quy để
đảm bảo cho đèn sáng trong mọi điều kiện thời tiết. Để ngọn hải đăng không bao
giờ tắt trong mọi hoàn cảnh, tất cả phải làm việc ngày đêm trong môi trường khắc
nghiệt, thường xuyên tiếp xúc với ắc quy, a xít và thiết bị máy móc, những vật
dẫn điện. Chỉ một chút lơ là, để hệ thống đèn sáng báo tín hiệu xảy ra sự cố
thì nguy cơ xảy ra va chạm, tai nạn đối với các tàu là khó tránh khỏi, nhất là
vào thời điểm biển động, mùa mưa.
Cùng
với đó, cuộc sống của những người lính tại Đồn Biên phòng Cồn Cỏ vẫn còn gặp
nhiều khó khăn, thiếu thốn, cam go. Nhưng không vì thế mà các anh lơ là nhiệm
vụ dù chỉ một giờ, một phút. Sống trên huyện đảo, không chỉ có nỗi nhớ đất liền,
nhớ gia đình, mà các anh còn phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức. Giữa
bốn bề sóng biển, việc luôn trữ nước mưa, tự túc lương thực và trồng rau xanh
để cải thiện bữa ăn hằng ngày là điều bắt buộc đối với mỗi người lính. Nhớ nhất
là lúc sóng to, gió lớn, biển động mạnh, tàu tiếp tế không thể ra đảo được
khiến lương thực như thức ăn, gạo, mắm, muối của người dân trên đảo cạn kiệt,
những người lính lại chia sẻ, động viên người dân cố gắng bám trụ và hoàn thành
nhiệm vụ. Nhiều đêm tuần tra trên mép sóng, những người lính nhớ nhà ứa nước
mắt. Mùa biển lặng, có người ra vào đảo thường xuyên còn đỡ. Khi biển động,
sóng lớn, mưa trút nước ầm ầm, nỗi nhớ càng trào dâng. Trong điều kiện thời
tiết đó, những người lính vẫn phải thay nhau đi quanh đảo để kiểm tra và hướng
mắt ra biển xa để đảm bảo cho an ninh biên giới không bao giờ bị nguy hiểm dù
trong bất cứ tình huống nào...
Lúc
chia tay, những người lính Biên phòng và cư dân trên đảo ra tiễn chúng tôi bằng
những nụ cười và ánh mắt hân hoan, bằng cả những cái bắt tay trìu mến và những
lời chúc mộc mạc, giản dị của người dân vùng biển. Tàu chầm chậm rời khỏi đảo,
vẫn thấy luyến tiếc vì thời gian không đủ để có thể khám phá hết được những vẻ
đẹp còn tiềm ẩn nơi đây. Trong ánh nắng ban mai, Cồn Cỏ nổi lên trên mặt biển
đẹp rạng rỡ như nàng tiên cá trên biển, sóng sánh và huy hoàng…
Ông
Trương Khắc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đảo Cồn Cỏ liên tục
huy động mọi nguồn lực để phát triển ngành du lịch để trở thành ngành kinh tế
mũi nhọn của huyện, hướng tới phát triển du lịch xanh và bền vững. Cùng với đó,
từng bước tuyên truyền để thay đổi nhận thức của nhân dân, các hộ gia đình kinh
doanh du lịch đối với việc phát triển du lịch gắn với hoạt động bảo vệ môi
trường, bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học, hạn chế sử dụng túi
nilon và đồ nhựa dùng một lần, tiết kiệm điện, nước, thực hiện ứng xử văn hóa,
văn minh trong hoạt động du lịch, hướng tới mỗi người dân là một đại sứ du lịch
Cồn Cỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét