Với 53 tuổi đời, 33 năm tuổi quân, Trung tá QNCN Lò Văn Phánh (nhân viên đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Mường Lèo, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) đã dành trọn cả đời binh nghiệp gắn bó với biên giới Mường Lèo - vùng đất xa xôi, khó khăn nhất của huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Với những việc làm thiết thực, người lính Biên phòng ấy đã cụ thể hóa câu châm ngôn “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.
Nhắc đến Trung tá QNCN Lò Văn Phánh, người dân các bản vùng cao
xã Mường Lèo ai ai cũng nghĩ ngay đến một người cán bộ Biên phòng hiền hậu với
lối sống gần gũi và luôn hết mình vì nhân dân.
Sinh ra và lớn lên ở trong một gia đình nghèo ở huyện Quỳnh
Nhai, tỉnh Sơn La, 20 tuổi chàng thanh niên Lò Văn Phánh nhập ngũ vào lực lượng
Bộ đội Biên phòng. Tuổi trẻ nhiệt huyết và luôn đồng cảm với người dân nghèo
thế nên bất cứ công việc nào chỉ huy giao dù khó khăn, vất vả, anh cũng luôn nỗ
lực hoàn thành một cách xuất sắc nhất. Với đặc thù công việc của người cán bộ
làm công tác dân vận, anh thường xuyên xuống địa bàn nắm tình hình, tuyên
truyền vận động nhân dân, nói sao cho dân nghe, dân hiểu, dân ủng hộ những việc
Bộ đội Biên phòng làm. Trên địa bàn chủ yếu là dân tộc Mông, Khơ Mú và anh
Phánh đã tự học tiếng của đồng bào, tìm hiểu phong tục tập quán, thực hiện 3
bám 4 cùng với bà con nhân dân. Thấy người cán bộ Biên phòng chịu khó, người
dân các bản càng thấy thương và dần dần coi anh như người thân.
Kể về kỷ niệm ngày đầu ra trường về nhận công tác tại Đồn Biên
phòng Mường Lèo, anh Phánh chia sẻ: “Ngày mới vào đơn vị tôi được chỉ huy giao
lên Tổ công tác Phá Khoang nắm tình hình, vận động nhân dân không di dịch cư tự
do. Tổ công tác nằm trên đường tuần tra biên giới, cách đơn vị hơn 60km, chỉ là
con đường mòn một bên là núi cao, một bên là vực sâu thăm thẳm, phải đi bộ mất
2 ngày mới tới nơi. Sinh ra ở vùng cao nhưng quả thật nhìn những ngọn núi cao
ngút, tôi cũng có chút e ngại. Tuy nhiên, đó chỉ là suy nghĩ thoáng qua thôi vì
sau đó tôi quyết tâm lên đường…”. Bản xa, đường đi lại lúc ấy chỉ là con đường
mòn, người Mông, người Khơ Mú nơi đây còn rất lạc hậu.
“Đến với bà con, chúng tôi phải cầm tay chỉ việc, từ những cái nhỏ
nhất như làm chuồng để chăn nuôi gia súc, gia cầm tránh bị thú rừng ăn thịt,
làm nhà vệ sinh, ăn chín uống sôi, sinh đẻ có kế hoạch… Tuyên truyền không dễ
dàng bởi nhiều cái đã trở thành phong tục, tập quán, thế nhưng chúng tôi vẫn
kiên trì rồi làm mẫu. Mưa dầm thấm lâu, rồi thấy sự thay đổi nên dần dần bà con
cũng thay đổi và làm theo”- Trung tá QNCN Lò Văn Phánh nhớ lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét