Hiện nay, bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn còn hiện hữu, có mặt còn gay gắt, phức tạp hơn, nhất là tình trạng tham nhũng, tiêu cực diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi, còn xảy ra ở nhiều nơi, ở hầu hết các lĩnh vực… Thực tế đó đòi hỏi phải tiếp tục giương cao ngọn cờ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đồng thời, đập tan luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Một là, đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng để tăng cường sức mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh tư tưởng: “Nhất hô bá ứng”, “Tiền hô hậu ủng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt” để nói lên sự đoàn kết, thống nhất về nhận thức, hành động, vì sự nghiệp cách mạng chung và công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng. Theo đó, trong chính nội bộ Đảng phải trên dưới đồng chí, đồng lòng, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với mọi biểu hiện của tham nhũng, tiêu cực; tránh nói khác, làm khác với quan điểm, chủ trương của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, cần gạt bỏ chủ nghĩa cá nhân, giữ gìn đạo đức cách mạng trong sáng, hết lòng, hết sức vì nhiệm vụ chung.
Hai là, phát huy vai trò nêu gương của lãnh đạo chủ chốt các cấp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Lãnh đạo chủ chốt các cấp phát huy vai trò nêu gương trong công việc, đời sống, sinh hoạt hằng ngày, phải thực sự liêm khiết, chính trực, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý cơ quan, đơn vị, địa phương; là hạt nhân đoàn kết, quy tụ sức mạnh trí tuệ của tập thể trong thực hiện các nhiệm vụ; xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ; luôn đặt lợi ích của Đảng, của tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Khi phát hiện trong cơ quan, đơn vị, địa phương có dấu hiệu bè phái, cục bộ, nội bộ không đoàn kết, thống nhất, cần chấn chỉnh, xử lý dứt điểm, không để kéo dài; đặc biệt, cán bộ chủ chốt các cấp phải có “đức, tầm, tâm, trí” trong điều hành, giải quyết những việc khó, việc mới, các vấn đề phức tạp nảy sinh nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất cho cơ quan, đơn vị, địa phương phát triển. Lãnh đạo chủ chốt các cấp ngoài năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý, cần phải thực sự trong sạch, coi trọng danh dự, uy tín. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất(13).
Ba là, ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, “kiểm tra, giám sát là thanh bảo kiếm để chữa lành các vết thương(14). Theo đó, ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là tập trung vào những nội dung trọng tâm, trọng điểm dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, như đấu thầu, giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình, dự án, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ…; nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát của ủy ban kiểm tra các cấp. Các thành viên của ủy ban kiểm tra các cấp nắm rõ chức trách, nhiệm vụ; tiến hành kiểm tra, giám sát khách quan, công tâm, minh bạch, không được có động cơ cá nhân, áp đặt, bao che; có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra, kiểm toán của Nhà nước, điều tra, truy tố, xét xử.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tham khảo có chọn lọc mô hình, kinh nghiệm, cách thức phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các nước trên thế giới… Trên cơ sở các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cấp ủy các cấp cụ thể hóa vào điều kiện cụ thể ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương; rà soát, điều chỉnh, bổ sung những quy định của đơn vị đúng với tinh thần chỉ đạo của Trung ương; phát huy vai trò, trách nhiệm của bộ phận tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong phát hiện và lấp những “lỗ hổng” pháp lý để cán bộ, đảng viên không dám, không thể và không muốn tham nhũng, tiêu cực./.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét