Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

NHẬN DIỆN, NGĂN CHẶN VÀ ĐẨY LÙI TIN TỨC GIẢ

Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, internet và mạng xã hội phát triển, một “hệ sinh thái truyền thông mới” ra đời. Đây là mảnh đất màu mỡ cho tin tức giả nhanh chóng sinh sôi, phát tán, trở thành vấn nạn nhức nhối, làm cho thật giả, trắng đen lẫn lộn, gây nên những hệ lụy khó lường, ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân, tổ chức và cả xã hội. Vì vậy, cần phải nhận diện, ngăn chặn, đẩy lùi tin tức giả là vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay.

Đối tượng phát tán, lan truyền tin tức giả có thể là cá nhân, nhóm người hay tổ chức với các động cơ khác nhau nhằm mục đích câu view, câu like để thể hiện bản thân, thỏa mãn một nhu cầu nào đó hoặc tạo ra các hiệu ứng tâm lý đám đông, dẫn dắt mọi người nghe, tin và làm theo để trục lợi vể kinh tế, tài chính. Nguy hiểm nhất là các thông tin giả mạo, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống và lừa dối công chúng nhằm mục đích chính trị, gây nên trạng thái tâm lý xã hội hoang mang, lo lắng, mất niềm tin vào cá nhân, tổ chức, bộ máy chính quyền và chế độ, dẫn tới nguy cơ bất ổn vế chính trị - xã hội.
Tin tức giả thường nhanh hơn tin tức thật, nó đánh trúng vào tâm lý của con người là luôn có tính hiếu kỳ, bị lôi cuốn, kích thích bởi những cái mới, độc, khác lạ, bất ngờ và nhất là “nóng”. Sau khi tiếp nhận thông tin mới, người nhận được thường muốn nhanh chóng chia sẻ đến người khác. Kết quả là, từ một thông tin giả có tính cá nhân hóa, nó được cộng hưởng với tâm lý đám đông trở thành thông tin truyền thông xã hội có tính xã hội hóa cao theo kiểu “tam sao thất bản” làm cho người tiếp nhận thông tin lạc trong “mê hồn trận”, không thể phân biệt được đâu là thật giả, trắng đen, xấu tốt.
Tin tức giả làm người tiếp nhận nó méo mó nhận thức và hành động; tạo ra sự nhìn nhận, hiểu biết sai lệch vể những vấn đề hoặc sự kiện, hoặc con người hay tổ chức; tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội, con người rơi vào tâm trạng hoài nghi, bất ổn, hoang mang, lo sợ, lãng phí thời gian, công sức, tiền của cho những việc làm không đáng có, kể cả nguy hiểm đến tính mạng. Tin tức giả có thể tạo ra hiệu ứng đám đông, hình thành các xu hướng chạy theo một cái gì đó mơ hồ, gây ra sự đảo lộn mọi mặt hoạt động ở một bộ phận dân cư, tổ chức, doanh nghiệp hay một khu vực nào đó, thậm chí rối loạn xã hội ở phạm vi quốc gia.
Nguy hiểm nhất là tin tức giả nhằm mục đích chính trị do các thế lực thù địch, phản động, các tố chức, cá nhân chống đối chính trị ở trong và ngoài nước tiến hành, kết hợp với việc núp bóng các tài khoản hoặc website mạo danh cá nhân có uy tín trong xã hội, các doanh nghiệp, tổ chức hoặc cơ quan Nhà nước để đưa tin đan xen thật giả, làm đổi trắng thay đen, lèo lái dư luận bằng các định hướng trái chiều. Tin tức giả đang hướng vào bôi nhọ lịch sử dân tộc và chiến tranh cách mạng; hạ bệ lãnh tụ; bịa đặt, vu khống, nói xấu đối với những người đứng đầu trong bộ máy Đảng, chính quyền; xuyên tạc lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hổ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối của Đảng và con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; công kích vào các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc, đối ngoại, vấn đề Biển Đông và công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...; phủ nhận thành quả cách mạng, thành tựu của công cuộc đổi mới của đất nước. Đặc biệt, trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tin tức giả với mục đích chống đối chính trị, tập trung vào phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, tung tin trong Đảng có các phe, nhóm, dựng chuyện về mặt nhân sự của Đại hội; đòi đa nguyên, đa đảng, phi chính trị hóa lực lượng vũ trang...
Vì vậy, đối với mỗi người dân cần nâng cao trình độ lý luận chính trị kết hợp nâng cao nhận thức về tính hai mặt của internet, mạng xã hội, có kỹ năng nhận diện tin tức giả, xây dựng trách nhiệm, tinh thần chủ động đấu tranh chống tin tức giả, nhất là các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội, phát hiện sớm hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên mạng xã hội để đấu tranh ngăn chặn. Chỉ có thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mới có thể ngăn chặn, đẩy lùi tin tức giả ra khỏi đời sống của chúng ta, góp phần làm cho truyền thông xã hội an toàn, lành mạnh, văn minh./.
Kim Trần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét