Thứ Ba, 14 tháng 7, 2020

QUAN ĐIỂM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM LÀ ĐẢNG CỦA GCCN, CỦA NHÂN DÂN LAO ĐỘNG VÀ CỦA CẢ DÂN TỘC VIỆT NAM


 Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định: Đảng bao giờ cũng là đảng của giai cấp, mang bản chất giai cấp nhất định. Đảng của giai cấp vô sản, đội tiên phong của giai cấp đấu tranh cho lợi ích của giai cấp vô sản nước mình và giai cấp vô sản thế giới. 

Quán triệt quan điểm trên vào xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Đảng là đội tiên phong của “đạo quân vô sản”. Thực tiễn ở Việt Nam, lợi ích của giai cấp công nhân thống nhất với lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Người xác định: “Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”[1]. Khi miền Bắc nước ta bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người nhấn mạnh: “Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị”[2]. Việc khẳng định như vậy không làm mất đi bản chất giai cấp của Đảng, mà trái lại, càng làm cho tính chất giai cấp công nhân thêm sâu sắc hơn, thấm nhuần vào tính nhân dân, tính dân tộc. Khi xem xét bản chất giai cấp của một chính đảng không phải xem đảng đó mang tên gì, thành phần xuất thân của đảng viên từ đâu, mà vấn đề quyết định là phải căn cứ vào nền tảng tư tưởng, tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của đảng. Điều đó khẳng định, Hồ Chí Minh vừa thấu hiểu sâu sắc truyền thống dân tộc, thực tiễn cách mạng Việt Nam, vừa vận dụng sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về bản chất giai cấp của Đảng, về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân để sáng lập ra Đảng Cộng Sản Việt Nam. Tổng kết thực tiễn hoạt động của Đảng ta, Hồ Chí Minh viết: “Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”[3]. Thực tế cho thấy tuyệt đại đa số những người dân Việt Nam, dù là đảng viên hay không là đảng viên, dù thuộc giai tầng nào trong xã hội cũng đều cảm thấy Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của mình, là “Đảng ta”, “Đảng của chúng ta”. Mọi người đều tự hào với những thắng lợi, thành công của cách mạng do Đảng lãnh đạo, đều có trách nhiệm trong xây dựng, bảo vệ Đảng và băn khoăn, lo lắng trước những thiếu sót, khuyết điểm của Đảng và nhận thấy mình cũng có trách nhiệm trong đó.


[1]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.175.
[2]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.467.    
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.4.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét