Một phương thức hoạt động chống phá nguy hiểm
Là một phương thức hoạt động chống phá
nguy hiểm nhưng “bất bạo động” lại thường được ngụy trang dưới danh nghĩa phản
kháng “ôn hòa”, “dân sự”. Vì vậy, việc nhận diện đúng bản chất của phương thức
“bất bạo động” không chỉ góp phần thống nhất nhận thức mà còn có ý nghĩa quan
trọng trong việc đánh giá âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch,
phản động, từ đó chủ động trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu
tranh, ngăn chặn.
Thực tiễn các cuộc “cách mạng màu” ở một số nước không gian hậu
Xô viết như: Gruzia (2003), Ucraina (2004), Kưrgưstan (2005)...; “Cách mạng hoa
nhài” (“Mùa xuân Ả Rập”) ở một số nước Bắc Phi, Trung Đông cuối năm 2010, đầu
năm 2011; “Cách mạng ô dù” ở Hồng Kông năm 2014; các cuộc biểu tình phản đối Dự
luật Dẫn độ ở Hồng Kông, Trung Quốc năm 2019… cho thấy vai trò đặc biệt to lớn
của “bất bạo động”.
Được sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch bên ngoài, các lực
lượng đối lập, phần tử chống đối chính phủ tại các quốc gia này triệt để lợi
dụng sự khủng hoảng, tình trạng mất ổn định chính trị, xã hội trong nước, thông
qua hô hào sử dụng “bất bạo động” đã kích động, lôi kéo được hàng vạn người dân
xuống đường biểu tình, bạo loạn, lật đổ chính phủ cầm quyền tại các nước
này.
“Bất bạo động” được hình thành và phát triển mạnh mẽ trong những
năm đầu của thế kỷ XX. Trên thế giới, Mahatma Gandhi được xem là người đầu tiên
áp dụng phương thức đấu tranh này để giải phóng dân tộc Ấn Độ khỏi sự đô hộ của
Anh. Đấu tranh “bất bạo động” cũng được biết đến từ cuộc nổi dậy của sắc dân da
đen ở Mỹ đòi quyền bình đẳng, chống lại nạn kỳ thị, phân biệt chủng tộc, được
lãnh đạo bởi mục sư Martin Luther King.
Ở nước ta, thuật ngữ “bất bạo động” được xuất hiện vào khoảng
thập niên đầu của thế kỷ XX. Những tư tưởng ban đầu của phương pháp đấu tranh
“bất bạo động” đã được nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh tiến hành để đấu
tranh chống lại thực dân Pháp xâm lược với phong trào Duy Tân. Phương thức hoạt
động của phong trào là “bất bạo động”, công khai hoạt động nhằm khai hóa dân
tộc, cải cách trên mọi lĩnh vực, khuyến khích giáo dục bỏ lối học từ chương,
phát động phong trào học Quốc ngữ, mở mang công thương nghiệp, chấn hưng công
nghiệp, bỏ mê tín dị đoan… Khẩu hiệu của phong trào lúc bấy giờ là “chấn dân
khí, khai dân trí, hậu dân sinh”.
Tư tưởng ban đầu là như vậy, tuy nhiên gần đây, đặc biệt là sau
khi hàng loạt các cuộc “cách mạng sắc màu” nổ ra tại một số nước không gian hậu
Xô viết, với kịch bản được các thế lực thù địch áp dụng nhằm hậu thuẫn cho các
lực lượng đối lập lật đổ chính quyền đương nhiệm tại các quốc gia này thì
phương thức “bất bạo động” đã và đang được các thế lực thù địch, phản động
triệt để sử dụng để chống phá Việt Nam với mục đích cuối cùng là lật đổ vai trò
lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta.
Vậy, “bất bạo động” là gì? Có thể hiểu, “bất bạo động” là thuật
ngữ dùng để chỉ một phương thức hoạt động chống đối của các thế lực thù địch,
phản động không sử dụng vũ khí, súng đạn mà sử dụng các thủ đoạn “bất hợp tác”,
“bất phục tùng”, “bất tuân dân sự” kết hợp với sử dụng áp lực của quần chúng để
gây áp lực với Đảng, Chính phủ, từ đó làm suy yếu, tiến tới lật đổ vai trò lãnh
đạo của Đảng cầm quyền và chính phủ, nhà nước đương nhiệm ở các quốc gia.
Có thể nhận diện phương thức “bất bạo động” với những đặc trưng
cơ bản sau:
Một là, “bất bạo động” là phương thức hoạt động không sử dụng vũ
khí, súng, đạn mà sử dụng áp lực của quần chúng, từng bước làm suy yếu, tiến
tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền và chính phủ, nhà nước đương
nhiệm ở các quốc gia. Khác với phương thức bạo lực, vũ trang, “bất bạo động” là
phương thức hoạt động chống đối không sử dụng vũ trang mà chủ yếu tập trung vào
việc sử dụng sức mạnh của quần chúng để chống đối chính quyền, trên cơ sở hô
hào, kích động quần chúng tẩy chay, bất hợp tác với chính quyền; kích động công
nhân đình công, bãi công; lôi kéo, lừa bịp, kích động các giai tầng xã hội
xuống đường tuần hành, biểu tình, gây áp lực với Đảng, Nhà nước, đòi thực hiện
các yêu sách như: đòi Đảng cầm quyền từ bỏ vai trò lãnh đạo; đòi cải cách chính
trị; phi chính trị hóa lực lượng vũ trang… từ đó làm suy yếu, tiến tới vô hiệu
hóa vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền, chính quyền đương nhiệm, lập nên chính
quyền mới thân với các thế lực thù địch nước ngoài.
Hai là, tẩy chay, bất hợp tác với chính quyền, đưa chính quyền
vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” là những nội dung cơ bản của phương thức
“bất bạo động”. Thực tiễn các cuộc “cách mạng màu” diễn ra tại một số nước trên
thế giới thời gian qua cho thấy, những nội dung chính được các lực lượng đối
lập, chống đối sử dụng trong đấu tranh “bất bạo động” là: 1) Bất tuân dân sự:
Tức là người tham gia phương thức này có thể từ chối thực hiện những việc mà họ
vẫn thường làm, hoặc bắt buộc phải làm theo yêu cầu của luật pháp (tẩy chay bầu
cử, biểu tình, đình công, bãi thị, bãi khóa…). 2) Hành động một cách có chủ
đích: Tức là người tham gia có thể thực hiện những việc mà họ thường không làm
hoặc không được trông đợi sẽ làm, hoặc bị cấm thực hiện (tập hợp lực lượng, rải
truyền đơn, kích động quần chúng xuống đường, chiếm trụ sở, bắt giữ cán bộ; tạo
sự kiện, lấy cớ cho các tổ chức quốc tế, các nước phương Tây can thiệp...). 3)
Thuyết phục và thương lượng: Đưa ra các điều kiện phù hợp với tình hình, từ
thấp đến cao, đẩy chính quyền vào thế buộc phải dùng vũ lực, gây đổ máu, tạo cớ
bên ngoài can thiệp buộc chính quyền phải nhượng bộ.
Nói cách khác, tẩy chay, bất hợp tác với chính quyền được thực
hiện trong phương thức “bất bạo động” chủ yếu là tẩy chay, bất hợp tác về kinh
tế (không tuân theo các quy định, luật lệ, pháp luật của nhà nước về kinh tế,
công nhân đình công, doanh nghiệp dừng sản xuất, bãi thị đồng loạt, rút tiền
khỏi ngân hàng, từ chối trả các lệ phí, từ chối nhận tiền của nhà nước…); bất
hợp tác về chính trị (công khai từ chối ủng hộ nhà nước; viết và phát biểu kêu
gọi chống đối; tẩy chay bầu cử; ngồi ăn vạ; bất hợp tác về tư pháp, phản ứng;
cản trở các hệ thống thông tin và tin tức…); bất hợp tác xã hội (tẩy chay giao
tiếp; sinh viên biểu tình, bất phục tùng dân sự, rút lui khỏi các định chế xã
hội; ở nhà, tạo khu an toàn, tiêu thổ tập thể...)…
Ba là, đình công, biểu tình, tuần hành chống đối chính quyền là
hình thức chủ yếu, đặc trưng chính của “bất bạo động”. Mục tiêu chính của các
thế lực thù địch, phản động trong thực hiện phương thức “bất bạo động” là bằng
những “chiến thuật” hòa bình trong đấu tranh chính trị để lật đổ chính quyền.
Do đó, đình công, biểu tình, tuần hành là hình thức được chúng xác định mang
lại hiệu quả cao nhất, ít thiệt hại nhất. Đồng thời, sử dụng các hình thức này,
trong trường hợp chính quyền sử dụng vũ lực để đàn áp thì đó sẽ là điều kiện
thuận lợi, là “cái cớ” để các thế lực thù địch bên ngoài lợi dụng can thiệp,
gây sức ép, thậm chí sử dụng sức mạnh quân sự để tấn công.
Bốn là, “bất bạo động” đến một mức độ nhất định có thể chuyển
thành “bạo động” khi có điều kiện, thời cơ. Về hình thức, “bất bạo động” được
thể hiện thông qua các biện pháp “ôn hòa”, “dân sự”. Tuy nhiên, có thể thấy
rằng, không phải bất cứ lúc nào, trong trường hợp nào “bất bạo động” cũng đều
là ôn hòa, phi bạo lực. Khi “bất bạo động” đến một mức độ nhất định có thể
chuyển thành “bạo động”. Nói cách khác, ranh giới giữa “bất bạo động” và “bạo
động” là khá mong manh, có thể chuyển hóa cho nhau rất nhanh chóng.
Ở Việt Nam, thời gian gần đây được sự hậu thuẫn của các thế lực
thù địch nước ngoài, các tổ chức phản động lưu vong, số đối tượng chống đối cực
đoan trong nước đang ra sức hô hào, tuyên truyền rộng rãi về phương thức “bất
bạo động” trên các trang mạng xã hội; mở các lớp huấn luyện, đào tạo về “bất
bạo động” cho số đối tượng chống đối, phản động; triệt để lợi dụng các vụ việc,
sự kiện chính trị, xã hội phức tạp, nhạy cảm để lôi kéo, kích động, thu hút
quần chúng tham gia vào các hoạt động trái pháp luật…
Các cuộc biểu tình phản đối Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm
môi trường xảy ra tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình năm 2016, 2017; các
cuộc biểu tình phản đối Luật An ninh mạng và dự thảo Luật Đặc khu tại Bình
Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh… năm 2018… là những vụ việc
phức tạp về an ninh, trật tự mang bóng dáng của “bất bạo động”.
Có thể thấy rằng, “bất bạo động” là một phương thức hoạt động
với những thủ đoạn “mềm dẻo” không bộc lộ trực tiếp và lộ liễu tính thách thức
về chính trị và sự đối kháng với chính quyền. Điều này không chỉ giúp các đối
tượng tránh được sự trấn áp của chính quyền mà còn gây ra nhiều khó khăn đối
với công tác phát hiện, đấu tranh của lực lượng chức năng.
Nguy hiểm hơn nữa là nó có khả năng gây ra mơ hồ, ngộ nhận trong
một bộ phận quần chúng và sự “ủng hộ” trong dư luận quốc tế và trong nước, dễ
lừa bịp, lôi kéo sự tham gia của các tầng lớp xã hội, đặc biệt là đối với thanh
niên, sinh viên, trí thức, văn nghệ sĩ, thậm chí kể cả cán bộ, đảng viên trong
hệ thống chính trị. Vì vậy, việc nhận diện bản chất của “bất bạo động” có ý
nghĩa hết sức quan trọng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét