Rất nhiều người Việt Nam biết đến câu thơ "Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả mùa băng giá" nói về giai đoạn Bác Hồ ở Paris trong bài thơ "Người đi tìm hình của nước" của nhà thơ Chế Lan Viên. Nhưng ít ai biết đến câu chuyện thú vị về loại gạch đặc biệt được nhắc đến trong bài thơ này.
Trên thực tế, sưởi ấm bằng gạch là một cách sưởi
ấm phổ biến ở Châu Âu từ nhiều thế kỷ trước. Khi đó, ở các thành phố lò sưởi là
một vật dụng khá xa xỉ và chi phí sưởi ấm rất đắt, không phải gia đình nào cũng
có lò sưởi, đặc biệt là với dân lao động... Để chống lại sự khác nghiệt của mùa
đông, những cư dân nghèo của châu Âu đã sử dụng một cách sưởi ấm rẻ tiền, đó là
nung nóng gạch, cuộn nó vào quần áo hoặc báo cũ rồi mang lên đặt ở phía chân
hoặc dưới gầm giường để ngủ cho ấm. Để phục vụ nhu cầu này, đã xuất hiện một
thị trường sản xuất gạch sưởi.
Vào giai đoạn Bác Hồ sống ở Châu Âu, loại gạch
sưởi phổ biến nhất là loại Chauffeuse của Pháp. Ở Anh có một loại tương tự gọi
mang nhãn hiệu Victoria. Chúng được thiết kế khá thẩm mỹ và tiện dụng cho việc
sử dụng. Gạch dùng để sưởi ấm không phải loại gạch xây dựng bình thường mà loại
gạch chịu nhiệt (firebrick) - chính là loại gạch dùng để xây lò sưởi, chịu được
nhiệt độ cao và có khả năng giữ nhiệt lâu. Khi được nung đến khoảng 400 độ và
bọc gói kỹ lưỡng, viên gạch sẽ giữ nhiệt được khoảng 5-7 tiếng đồng hồ, đủ cho
một đêm.
Tại khác khu nhà trọ dành cho người lao động ở
thành phố, mỗi sáng khi đi làm, người thuê nhà sẽ đưa cho chủ nhà một viên gạch
sưởi. Khi đốt lò sưởi buổi tối, họ sẽ đặt viên gạch vào lò cho nóng. Khi trở về
nhà, trước khi ngủ những người thuê nhà sẽ lấy viên gạch bọc kỹ nó để sử dụng.
Là một người cần lao, không có gì khó hiểu khi
Bác Hồ sử dụng cách thức sưởi ấm bình dân này trong thời kỳ sinh sống ở châu
Âu.
Ngày nay, một viên gạch sưởi như vậy đang được
trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội như dấu ấn về một giai đoạn hoạt
động cách mạng của Bác Hồ.
Tại TP. Hồ Chí Minh, khi tham quan Bảo tàng Hồ
Chí Minh chi nhánh TP. HCM, nhiều người đã nán lại thật lâu bên hiện vật trưng
bày là viên gạch màu nâu, được giới thiệu là viên gạch cùng loại, cùng thời với
viên mà Bác Hồ đã sử dụng những ngày hoạt động trong lòng thủ đô nước Pháp.
Nhiều người đặt câu hỏi: “Viên gạch hồng” ở Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.
HCM từ đâu mà có?
Theo “Biên bản sưu tầm tư liệu”: Viên gạch này
do ông Jean François Parot, Tổng Lãnh sự Pháp tại TPHCM, tặng Khu lưu niệm Chủ
tịch Hồ Chí Minh vào ngày 2/9/1984. Sau lần đến thăm khu lưu niệm, ông đã viết
thư cho bà ngoại và cử người về Paris thuyết phục, xin bà ngoại viên gạch để
tặng cho Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Viên gạch này là kỷ vật của bà
ngoại ông Jean François Parot. Bà đã giữ lại suốt hơn nửa thế kỷ như kỷ niệm về
một thời nghèo khó. Và kỷ vật gia đình ông Tổng Lãnh sự đã được Khu lưu niệm
Chủ tịch Hồ Chí Minh - nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM - gìn giữ
như báu vật mấy chục năm qua.
“Viên gạch hồng” qua năm tháng vẫn bền màu, là
minh chứng cho những ngày thanh niên sôi nổi của Nguyễn Ái Quốc trên hành trình
bôn ba tìm đường cứu nước. “Viên gạch hồng”, hay chính ngọn lửa hoài bão, ý chí
trong tim đã thôi thúc Người vượt qua những “gió rét thành Ba Lê”, những “sương
mù thành Luân Đôn” dài đằng đẵng, những gian nan, vất vả của Bác với biết bao
cam go, thử thách trong cuộc trường chinh tìm đường cứu nước, nhưng Bác Hồ kính
yêu của chúng ta vẫn cố gắng vượt qua. Câu chuyện “Viên gạch hồng” là một minh
chứng hùng hồn cho một thời kỳ hoạt động cách mạng khó khăn, gian khổ, hiểm
nguy nhưng tràn đầy sôi nổi, hăng say, nhiệt huyết cách mạng của người thanh
niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Người đã dâng hiến cả tuổi thanh
xuân và cả cuộc đời mình cho dân tộc Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét