Chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng chắc chắn hằng năm ở nước ta đều đặn tổ chức hàng nghìn cuộc hội thảo diễn ra ở các cấp, các ngành, địa phương...
Không thể phủ nhận tính thiết thực, hiệu quả và giá trị khoa học của
những hội thảo trong công cuộc hiến kế, cải tổ, xây dựng, đổi mới đất
nước; thế nhưng xoay quanh câu chuyện công tác tổ chức hội thảo thì vẫn
còn đó nhiều vấn đề đáng bàn và đáng buồn.
Tại một hội thảo của ngành, chủ đề được xác định khá thiết thực, có ý
nghĩa cả về phương diện lý luận và thực tiễn. Thế nhưng, sau phần đề dẫn, các ý
kiến tham luận khiến những người chứng kiến, thậm chí những người trong cuộc
không khỏi rầu lòng, lo nghĩ.
Tham luận đầu tiên bày tỏ sự nhất trí hoàn toàn với báo cáo đề dẫn, rồi
dành toàn bộ thời gian trình bày về kết quả công tác mà cơ quan mình
đạt được; cũng không chia sẻ kinh nghiệm, cách làm, cũng không đề cập đến những
khó khăn, vướng mắc. Đáng ghi nhận duy nhất của ý kiến này là nêu lên một vài
kiến nghị, nhưng nghe ra đề xuất đã quá cũ kỹ, mang nặng tính phiên phiến mà ai
cũng đã từng được nghe qua. Một số người chứng kiến hội thảo tỏ ra ái ngại: Hội
thảo chứ có phải hội nghị báo công đâu mà phát biểu “sặc mùi” báo cáo thành
tích như vậy?
Càng thất vọng khi lần lượt các ý kiến tiếp theo có nội dung na ná như
vậy. Kiểu là cơ quan mình, địa phương mình đã rất cố gắng quán triệt, triển
khai, rồi khẳng định: Kết quả đạt được là nhờ sự nỗ lực lãnh đạo, điều hành của
cấp ủy, chính quyền; nhất là có sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, đúng đắn của
cấp trên...
Có rất ít ý kiến mổ xẻ vấn đề trọng tâm của hội thảo, nói thẳng về những
vấn đề đặt ra, chia sẻ những băn khoăn, trăn trở, đề xuất kiến nghị. May thay,
có một ý kiến thẳng thắn nói rõ: Hội thảo hoàn toàn khác với hội nghị báo
cáo thành tích. Nếu tất cả đại biểu chỉ tập trung nói về kết quả của cơ quan,
địa phương mình thì chủ đề, nội dung hội thảo đưa ra sẽ
không tìm được lời giải, sẽ không có căn cứ khoa học để tổ chức thực hiện trên
thực tế. Nếu như vậy thì ý nghĩa, mục đích của hội thảo không thể đạt yêu
cầu và hội thảo không còn đúng nghĩa nữa.
Chính vì hội thảo bị biến tướng, trá hình như thế nên mới xảy ra tình
trạng đại biểu, khách mời đến dự khai mạc, tham luận báo cáo xong thành tích
của cơ quan, địa phương mình là “cáo bận rút về”. Có trường hợp thản nhiên ngủ
gật hoặc sử dụng điện thoại... chờ đến “phần hội” sau hội thảo.
Các buổi hội thảo sẽ rất cuốn hút, mang lại những kiến thức và sự trải
nghiệm bổ ích nếu biết khơi dậy những quan điểm, ý kiến (kể cả trái chiều) khi
muốn tìm hiểu một vấn đề nào đó. Quá trình hội thảo phải có người này nêu vấn
đề, người kia giải đáp, người khác tranh biện, thì mới trở nên hấp dẫn; chứ
không phải mỗi người một tham luận riêng lẻ, trình bày lần lượt theo kịch bản
sơ cứng, có sẵn.
Để hội thảo không rơi vào hình thức, không bị biến tướng, những người có
trách nhiệm phải làm tốt công tác chuẩn bị, nhất là về nội dung hội thảo. Nhiều
nhà quản lý cho rằng, nội dung thảo luận cần đi vào những vấn đề cụ thể, toàn
diện, đề cập cả phương diện lý luận, thực tiễn và xoáy sâu vào các vấn đề vướng
mắc để thống nhất đề xuất các chủ trương, giải pháp tháo gỡ, giải quyết.
Định hướng thảo luận cần cả nội dung trái chiều để tranh luận, làm rõ
vấn đề chính, xuyên suốt. Cần tránh tình trạng nội dung chính thì thảo luận sơ
sài, việc cũ bàn nhiều, việc hiện tại và tương lai bàn ít, việc không liên quan
thì đề cập một cách tùy hứng, cảm tính, nặng tính chủ quan.
Do đó, cần khắc phục tình trạng “kịch bản hóa hội thảo” một cách sơ
cứng; rơi vào dân chủ hình thức, dân chủ một chiều, chỉ tung hô thành tích,
hoặc cổ xúy cho những nội dung, yếu tố tích cực. Dân chủ trong phát biểu, trình
bày quan điểm cá nhân nhưng phải bảo đảm tính nguyên tắc, xây dựng, hướng đến
làm rõ vấn đề quan tâm, chứ không phải dựa vào thảo luận để phê bình, xoáy vào
thực trạng mà không bàn giải pháp, chỉ ra khó khăn, vướng mắc mà thiếu đề xuất,
hiến kế...
Một khi thực hiện tốt các phần việc nêu trên thì chắc chắn chất lượng
hội thảo sẽ có bước chuyển biến tích cực. Đồng thời, khi kết thúc hội thảo,
phải làm tốt việc rút kinh nghiệm, phê bình, chỉ rõ mặt tồn tại, hạn chế trong
công tác tổ chức; nhất là phải đấu tranh, khắc phục tình trạng “khai hội”, “tan
hội” trong tiếng vỗ tay, rồi “khi xong xuôi tất cả lại về”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét