Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

Truyền thông chính sách dễ bị thao túng bởi các thế lực chính trị đối lập


Các nghiên cứu cho rằng, trong xã hội thiếu dân chủ, các chính sách dễ bị thao túng bởi các thế lực chi phối hệ thống chính trị. Mối quan hệ giữa quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế rất phức tạp. Trong lĩnh vực kinh tế, khi truyền thông rơi vào tay một số tập đoàn, các phương tiện truyền thông hoạt động như một “diễn viên” chính trị mạnh mẽ, lợi ích của nó gắn chặt với doanh nghiệp - chủ thể chịu tác động của chính sách thay vì công chúng nói chung. Các nhà truyền thông định hình các chương trình nghị sự chính sách bằng cách chủ động chọn lọc các vấn đề phù hợp với lợi ích của họ. Theo đó, vấn đề chính sách nào được đề cập và nguồn lực nào được sử dụng để thực hiện chính sách là tùy thuộc vào họ. Trên góc độ chính trị, nếu truyền thông bị đảng chính trị thao túng sẽ dẫn đến tình trạng các cuộc thảo luận chính sách chỉ giới hạn trong các ranh giới được thiết lập bởi các đảng chính trị chi phối truyền thông, hoặc đảng cầm quyền và các nhà hoạch định chính sách của đảng đó quyết định. Những nghiên cứu truyền thông chính sách ở các nước tư bản cho thấy bản chất bảo thủ của những kiểu tranh luận chính sách như vậy được củng cố bởi giới truyền thông, đặc biệt là truyền hình, truyền thanh và mạng xã hội nhằm phục vụ lợi ích của các thế lực chính trị đứng đằng sau. Nguy hiểm hơn là đảng chính trị và doanh nghiệp truyền thông cấu kết với nhau để định hướng chính sách có lợi cho doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, ngay cả khi truyền thông có thể chủ động thiết lập chương trình nghị sự chính sách, không có nghĩa là chúng ảnh hưởng đến kết quả chính sách. Truyền thông chính sách khó bảo đảm đối với các quyết định chính sách ngay cả khi chương trình nghị sự chính sách và thảo luận chính trị bị ảnh hưởng bởi truyền thông. Truyền thông chính sách đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp công chúng hiểu chương trình nghị chính sách và đóng khung các quyết định về các vấn đề “giật gân” để định hướng và thu hút sự quan tâm của xã hội. Tuy nhiên, các vấn đề chính sách phần lớn không bị ảnh hưởng khi đảng cầm quyền mạnh và được công chúng tín nhiệm.

Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đối với quy trình chính sách là lôi cuốn hoặc khởi xướng tình cảm công chúng nhằm thúc đẩy những thay đổi rộng rãi trong dư luận, sau đó tổ chức và gây sức ép với chính phủ để đưa ra những cải cách chính sách phù hợp. Khi truyền thông chính sách bị thao túng, các nhóm lợi ích, đặc biệt và giới tinh hoa chính trị chi phối các quá trình hoạch định chính sách, không công khai trong thay đổi chính sách sẽ gây ra phản ứng của công chúng. Trong trường hợp này, chính sự liên kết giữa các nhà báo và nhà hoạch định chính sách là động lực thực sự của chương trình nghị sự chính sách chứ không phải là từ công chúng.         

 


 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét