Từ một người yêu
nước trở thành một chiến sĩ cộng sản, Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc rằng:
Đạo đức là cái gốc của người cách mạng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì dù
tài giỏi mấy cũng không thể lãnh đạo được nhân dân, không thể hoàn thành được
nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt
đến vấn đề nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân của đội ngũ
cán bộ, đảng viên nói chung, những quân nhân cách mạng nói riêng. Bởi đây là
lực lượng chủ lực trên mặt trận xây dựng, củng cố quốc phòng, bảo vệ Đảng, Nhà
nước, bảo vệ nhân dân.
Nói chuyện trong
buổi lễ bế mạc lớp bổ túc cán bộ quân sự trung cấp của quân đội (10-1946), Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Người cán bộ muốn tốt phải có đạo đức cách mạng.
Quân sự giỏi song nếu không có đạo đức cách mạng thì khó thành công. Muốn có
đạo đức cách mạng phải có năm điều: Trí - Tín - Nhân - Dũng - Liêm. Ngoài ra,
phải biết tự phê bình và phê bình, phải thật thà đoàn kết và biết giữ kỷ luật”.
Người thường
xuyên cảnh báo những căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân - thứ giặc nội tâm, giặc
trong lòng, trong mỗi con người: Đó không chỉ là “tham ô hủ hóa... chỉ biết
mình, không biết đến quần chúng. Là chỉ lo cho mình được sung sướng mà không
nghĩ đến đội viên, nhân dân còn khổ sở”, “vô kỷ luật, thiếu kiên quyết chấp
hành mệnh lệnh. Do đó mà đáng lẽ thắng to thì chỉ giành được thắng nhỏ và thắng
rồi không phát triển được”, “thiếu tin tưởng, không quyết tâm khắc phục khó
khăn”, đó còn là “tư tưởng công thần,.. sinh ra kiêu ngạo, kèn cựa, địa vị”,
“lo lắng tiền đồ bản thân”, “đòi hỏi hưởng thụ, đãi ngộ”.
Không chỉ dừng ở
cảnh báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra những biện pháp để “gột rửa” những
thói hư, tật xấu này, để ngăn ngừa chủ nghĩa cá nhân nảy nở, sinh sôi trong mỗi
người quân nhân cách mạng. Đó là phải “học tập chính trị quân sự, phê bình và
tự phê bình để sửa chữa khuyết điểm, trau dồi đạo đức cho chóng tiến bộ”. Cả
cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn tột bậc là “làm sao cho nước
ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm
ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Thương yêu con người là mục đích, là lý tưởng của Chủ tịch Hồ
Chí Minh và đó cũng là điểm nổi bật trong văn hóa ứng xử qua các hành vi, hành
động cụ thể của Người. Đối với mỗi con người chúng ta, lòng nhân ái là một phẩm
chất không thể thiếu được./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét