Thứ Năm, 23 tháng 5, 2024

Vị trí vai trò đặc biệt quan trọng của Quốc phòng, an ninh

 

Quốc phòng, an ninh luôn giữ vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng đối với mọi quốc gia, dân tộc độc lập, có chủ quyền; có quan hệ mật thiết đến sự tồn tại và phát triển của mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới.

V.I.Lênin đã đặt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN đi đôi với nhiệm vụ xây dựng CNXH. Người khẳng định: “Một khi chúng ta bắt tay vào công cuộc hòa bình kiến thiết của chúng ta, thì chúng ta sẽ đem hết sức mình để tiến hành công cuộc đó không ngừng. Đồng thời hãy chăm lo đến khả năng quốc phòng của nước ta và của Hồng quân ta như chăm lo con ngươi của mắt mình”[1].

V.I.Lênin đã đề cập đến khả năng phòng thủ đất nước, đặc biệt là vấn đề xây dựng và củng cố quốc phòng: “Chính vì chúng ta chủ trương bảo vệ Tổ quốc, nên chúng ta đòi hỏi phải có một thái độ nghiêm túc đối với vấn đề khả năng quốc phòng và đối với vấn đề chuẩn bị chiến đấu của nước nhà”[2] và “Nghĩa vụ tuyệt đối của toàn thể quần chúng lao động là đem hết sức mình ra để khôi phục và tăng cường khả năng quốc phòng của đất nước”[3].

Vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng; kế thừa, phát triển truyền thống “dựng nước đi đôi với giữ nước”, kinh nghiệm đánh giặc và nghệ thuật quân sự độc đáo của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc là một tất yếu khách quan. Trong Bản Tuyên ngôn độc lập, ngày 02/9/1945, Người chỉ rõ: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”[4]. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược giành thắng lợi, trong Diễn văn mừng Trung ương Đảng, Chính phủ về Thủ đô ngày 1/1/1955, Người nêu rõ: “Chúng ta phải ra sức bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, cho nên chúng ta phải củng cố quốc phòng”[5]. Người viết: “Trong khi ra sức sản xuất, nhân dân ta phải luôn luôn sẵn sàng đập tan âm mưu địch phá hoại thành quả lao động của chúng ta. Quân đội, Công an, dân quân cần tiếptục phát huy truyền thống chiến đấu dũng cảm, củng cố quốc phòng, trật tự, an ninh”[6].

Kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong các văn kiện của Đảng, Đảng ta luôn xác định củng cố, tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ “trọng yếu, thường xuyên”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt[7]. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng ta, tạo cơ sở quan trọng cho Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội xác định và thực hiện có hiệu quả trách nhiệm củng cố, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc theo chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời Đảng ta cũng chỉ rõ vị trí, vai trò của từng lĩnh vực “Gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên”[8]. Đây là cơ sở để xác định mối quan hệ và mức độ ưu tiên đối với từng lĩnh vực. Theo đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, được ưu tiên, nhưng không coi nhẹ nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc. Bởi lẽ, quốc phòng, an ninh là nền tảng của sự ổn định, phát triển bền vững mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, là sức mạnh của đất nước trong hội nhập quốc tế hiện nay. Quốc phòng, an ninh giữ vai trò quyết định bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hoá và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Quốc phòng, an ninh không những góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ngăn ngừa nguy cơ xung đột, chiến tranh từ sớm, từ xa và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược, xung đột vũ trang dưới mọi hình thức, quy mô khác nhau, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống; mà còn phải đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe doạ an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; ngược lại, kinh tế - xã hội phát triển, tiềm lực đất nước ngày càng vững mạnh sẽ là “phương thức hữu hiệu” để tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, an ninh để bảo vệ Tổ quốc.

phao

[1] V.I. Lê-nin toàn tập, Tập 44, Nxb Tiến bộ M. 1981, tr.368.

[2] V.I. Lê-nin toàn tập, Tập 35, Nxb Tiến bộ M.1981, tr.480 - 481.

[3] V.I. Lê-nin toàn tập, Tập 36, Nxb Tiến bộ M.1981, tr.153.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 15, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 131.

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2011, tr.429.

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 11, Nxb Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 22.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.151.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.110.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét