Thứ Tư, 15 tháng 7, 2020

Phải được tôn trọng Luật biển, quy tắc ứng xử Biển Đông




Tháng 7/2020 này, câu chuyện Biển Đông chứng kiến nhiều diễn biến đáng chú ý. Trong đó, Trung Quốc thông báo về cuộc tập trận của hải quân nước này từ ngày 1/7 tới 5/7 tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa chiếm đóng phi pháp của Việt Nam.  Việc làm của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)... Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại hành vi tương tự trong tương lai.

Sau các thông điệp chỉ trích hành động tập trận nêu trên của Trung Quốc, ngày 14/07/2020 Mỹ cũng dã tuyên bố, mọi hành vi của Trung Quốc tại biển Đông là phi pháp. Mỹ cũng tiến hành một trong những cuộc tập trận hải quân lớn nhất ở Biển Đông trong nhiều năm qua với sự tham gia của 2 tàu sân bay, ít nhất 4 tàu chiến, trong đó có tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường.
Những diễn biến trên Biển Đông thời gian qua cho thấy tình hình Biển Đông đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp hơn, có nhiều dấu hiệu cho thấy có nguy cơ bị đẩy tới xung đột. Khi tập trận quân sự, bao giờ các nước cũng mang theo một mục tiêu chiến lược hoặc mục tiêu chiến dịch, chiến thuật nhất định. Với các nước lớn, những cuộc tập trận ấy đều nằm trong kế hoạch chiến lược toàn cầu của họ. Mỹ là một trong số ít nước đến nay vẫn chưa phê chuẩn phê Công ước của Liên hợp Quốc về Luật biển 1982 nên không chịu sự ràng buộc của Công ước. Do đó, họ vẫn theo quan niệm cũ (trước khi có Công ước Luật biển 1982) là các vùng biển là của chung nhân loại, tất cả các quốc gia đều có quyền tự do hàng hải và tiến hành các hoạt động hòa bình trên biển. Trong khi đó, Trung Quốc tiến hành tập trận là để thực hiện ý đồ của họ, với rất nhiều mục đích trong giai đoạn hiện nay. Đó là, Trung Quốc thử phản ứng của các nước lớn, đứng đầu là Mỹ trong lúc tất cả các nước đang phải bận tâm đối phó với đại dịch Covid-19 và kinh tế thế giới đang bị suy thoái. Trung Quốc tiếp tục thực hiện tham vọng biến Biển Đông thành cái ao riêng, thực thi tham vọng ấy bằng các hoạt động dân sự và quân sự. Trung Quốc mang ý đồ răn đe các nước xung quanh.
Hiện các nước ASEAN ngày càng nhận thấy bản chất thật của Trung Quốc đằng sau những lời nói hay sáng kiến như trỗi dậy hòa bình, Con đường tơ lụa... là âm mưu để từng bước hiện thực hóa đường 9 đoạn động chạm đến thềm lục địa và vùng biển của nhiều nước. Các nước đã và đang có động thái để nhận thức lại vấn đề, cảnh báo hoặc thận trọng hơn trong làm ăn với Trung Quốc.
Qua các hành vi thực tế, có thể nhận rõ ràng, chiến lược toàn cầu của Mỹ và Trung Quốc đụng chạm nhau. Theo quan điểm chính sách an ninh Mỹ, ở đâu có quyền lợi của Mỹ thì ở đó họ có quyền thực hiện các hành động hợp pháp để bảo vệ quyền lợi ấy. Trung Quốc ngang ngược ở Biển Đông làm ảnh hưởng đến quyền tự do hàng hải của Mỹ, quyền đi lại để kết nối, tiến hành các hoạt động thường xuyên hàng năm với các đồng minh của Mỹ nên Mỹ không thể nào chấp nhận được, phải tiến hành các hoạt động nắn gân Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc phải từ bỏ ý định muốn làm chủ cả vùng biển quốc tế.
Diễn biến hiện nay cũng đặt ra cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển những thách thức mới đòi hỏi Việt Nam phải hết sức cảnh giác, thận trọng. Việt Nam cần phải tận dụng tối đa được lợi thế khi giữ vai trò Chủ tịch ASEAN trong nhiệm kỳ này để đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển của mình. Các sự kiện hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra vào tháng 6 vừa qua có thể khẳng định, lần đầu tiên sau nhiều năm và chỉ đến khi Việt Nam giữ vai trò chủ tịch, ASEAN tuyên bố Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) "là cơ sở để xác định các quyền lợi hàng hải, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp đối với các khu vực hàng hải. Mọi hoạt động ở các vùng biển và đại dương phải được thực hiện theo các khuôn khổ pháp lý được vạch ra trong UNCLOS 1982".
Việc những dòng trên xuất hiện trong một văn bản có tính chất như tuyên bố chung đã cho thấy sự nhất trí của các nhà lãnh đạo ASEAN về tầm quan trọng của UNCLOS và thực thi nó. Đây là một bước tiến mới, một thắng lợi rất cần thiết và quan trọng lúc này đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên vùng Biển Đông khi tình hình đang diễn biến phức tạp. Song vấn đề Biển Đông vẫn phải trở thành chủ đề tiếp theo trong các hội nghị tới của ASEAN. Việt Nam phải căn cứ vào luật pháp quốc tế, trong đó quan trọng là Công ước Luật biển 1982, mà Trung Quốc cũng là thành viên, để đấu tranh.
Trước mắt, Việt Nam phải dựa trên cơ sở pháp lý, đấu tranh tích cực, tận dụng mọi diễn đàn đa phương khu vực, đa phương quốc tế, liên khu vực... Mặt khác, tiếp tục thông tin tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân để hiểu rõ tình hình biển Đông. Chúng ta là công dân của một quốc gia có chủ quyền biển thì đương nhiên vẫn tiến hành các hoạt động trên biển có chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam một cách bình thường, có tổ chức chặt chẽ, trên cơ sở đó hỗ trợ, thúc đẩy, hỗ trợ cho các chính sách và biện pháp của Nhà nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét