Vận dụng sáng tạo các hệ tư tưởng
phương Đông, phương Tây, nhất là chủ nghĩa Mác- Lê nin về phụ nữ và con đường
giải phóng phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vị trí vai trò phụ nữ từ rất
sớm. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi việc giải phóng phụ nữ là một
trong những mục tiêu đấu tranh cơ bản của sự nghiệp cách mạng. Không ai biết
chính xác Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu nghĩ đến cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ
từ khi nào, song những bút tích mà Người để lại cho thấy, Người viết về đề tài
này từ rất sớm. Năm 1922, Người có bài viết” Phụ nữ An Nam và sự đô hộ của
Pháp”. Đăng trên báo Leparia: Bài báo đã bóc trần thực tế đối sử tàn bạo của chế
độ thực dân đối với phụ nữ nước ta dưới vỏ bọc “văn minh”, “tự do”, “công lý”.
Năm 1926, tại Quảng Châu, Trung Quốc, Người viết bài Mục dành cho phụ nữ: Về sự bất công của phụ nữ. Chỉ qua vài dòng ngắn
ngủi, Người đã lột tả được sự bất công về giới cao độ trong xã hội Việt Nam thời
đó và kết luận bằng một lời hiệu triệu kêu gọi phụ nữ đứng lên đòi các quyền
chính đáng của mình. Năm 1952, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
đang trong thời kỳ đầy khó khăn, thách thức, nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, Người
đã viết bài Nam nữ bình quyền, nêu rõ
thực chất cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ ở Việt Nam: “nhiều người lầm tưởng
đó là một việc dễ, chỉ: hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét
nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình đẳng, bình quyền. Lầm to! Đó là một cuộc cách
mạng khá to và khó. Vì sao. Vì trọng trai, khinh gái là một thói quen mấy nghìn
năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp
xã hội… Vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn
hóa, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân. Dù to
và khó nhưng nhất định thành công”.
Những tư tưởng cốt lõi về bình đẳng giới của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện
ở một số luận điểm sau:
Thứ nhất, phụ nữ là một
nửa xã hội, muốn xây dựng CNXH phải giải phóng phụ nữ
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định
vị trí, vai trò của phụ nữ đối với lịch sử dân tộc “Non song gấm vóc Việt Nam
do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”
Người có những luận điểm thể hiện
tầm nhìn chiến lược khi đặt vấn đề giải phóng phụ nữ, thực hiện quyền bình đẳng
nam nữ trong tương quan phát triển của xã hội mới, của chủ nghĩa xã hội “Nói phụ
nữ là nói phần nửa của xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng
một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng CNXH chỉ một nửa”.
Thứ hai, giải phóng phụ
nữ, thực hiện nam nữ bình quyền là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và bản thân chị
em phụ nữ.
Đối với Đảng, Nhà nước. Các cấp ủy
đảng và chính quyền “ phải có phương pháp đào tạo và giúp đỡ để nâng cao hơn nữa
địa vị của phụ nữ”. Người còn nói, nếu cán bộ lãnh đạo là nữ mà ít, đấy là một
thiếu sót của Đảng. Nguyên nhân của tình trạng phụ nữ ít được tham gia lãnh đạo,
quản lý, theo Người là vì “ Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ
nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai”. Người khẳng định giải phóng
phụ nữ phải bằng pháp luật, chính sách, biện pháp cụ thể “Từ nay các cấp Đảng,
chính quyền địa phương khi giao công tác cho phụ nữ, phải căn cứ vào trình độ của
từng người và cần phải tích cực giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi
công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân của phụ nữ thì phải cố gắng vươn
lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ”. Đối
với chị em phụ nữ “Phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu;
phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét