Có thể nhận diện, thống kê rất dễ dàng rằng, các phần tử thù địch,
cơ hội chính trị luôn tìm mọi cách để tạo dựng những thứ gọi là “tự do ngôn
luận” theo cách hiểu ấu trĩ, hạn hẹp, đầy hằn học với mưu đồ xấu xa. Chúng dã
tâm, chủ đích lựa chọn, lợi dụng những vấn đề nhiều người dân quan tâm, dễ gây
bức xúc, dễ lan truyền rộng rãi trong xã hội để tạo dựng những kịch bản đen
tối, chống phá bằng các bài viết, hình ảnh, video clip,... liên quan đến các vụ
khiếu kiện đất đai, ô nhiễm môi trường, phản đối trạm thu phí BOT (xây dựng -
vận hành - chuyển giao) giao thông, tụ tập đông người núp dưới cái gọi là “hành
động yêu nước”,... nhằm gây rối an ninh, trật tự, “bất tuân dân sự”, phá hoại
các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của
Nhà nước ta; kích động, kêu gọi bạo động, lật đổ...
Lấy ví dụ cụ thể từ
các vụ tụ tập phản đối tại các trạm thu phí BOT giao thông trong quý I-2019 tại
nhiều địa phương trên cả nước. Trong các vụ này, rất nhiều người, trong đó có
những người cầm đầu, cố tình liên tục “tường thuật trực tiếp”, thông qua tính
năng livestream của mạng xã hội Facebook và xuyên tạc, nói xấu về hình thức đầu
tư BOT, thậm chí cả về những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà
nước... Điều này gây ra sự phản ứng lan truyền mạnh mẽ trên cộng đồng mạng,
khiến nhiều trạm thu phí BOT phải “xả trạm” trong nhiều giờ để bảo đảm giao
thông được thông suốt, an ninh, trật tự xã hội không bị rối loạn. Hùa vào góp
sức, một số báo mạng nước ngoài, những phần tử chống đối ở hải ngoại, cũng như
trong nước dưới vỏ bọc mỹ miều là “chống BOT bẩn” liên tục đăng tải những thông
tin xuyên tạc, lệch lạc, sai trái,... nhằm mục đích phá hoại. Khi những đối
tượng vi phạm pháp luật bị bắt tạm giam, một số báo mạng điện tử nước ngoài
thiếu thiện chí, nhất là những báo có phiên bản tiếng Việt và nhiều trang cá
nhân trên mạng xã hội Facebook, YouTube,... đã chớp lấy để bình luận đầy hằn
học, ác ý, cố tình hướng lái, lật ngược bản chất vấn đề, vu khống, kích động
cộng đồng mạng phá hoại, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, cản trở giao
thông cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân...
Nhìn rộng hơn, thử
điểm lại một số vụ tụ tập đông người kích động, chống đối ở Thành phố Hồ Chí
Minh, Bình Dương, Bình Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh,... trong những năm gần đây,
nhất là liên quan đến sự cố môi trường biển ở bốn tỉnh miền Trung để kêu gọi tụ
tập đông người, biểu tình, gây mất an ninh, trật tự, chống đối, phá hoại,...
thì thấy càng rõ bộ mặt của tổ chức phản động Việt Tân và những mưu đồ đen tối
của chúng. Chúng tuyển mộ, đào tạo, lợi dụng những người thiếu hiểu biết, cả
tin, bất mãn, có những khúc mắc trong cuộc sống,... để làm thuê cho chúng, thông
qua các việc, như tuyên truyền, lôi kéo, kích động các vụ tụ tập đông người và
giăng khẩu hiệu phản đối, dùng loa các loại để gào thét vô lối, gây rối, đập
phá trụ sở các cơ quan công quyền, nhà máy,... làm mất an ninh, trật tự, an
toàn xã hội... Tại các vụ, việc, nhiều phần tử cực đoan, chống đối, vi phạm
pháp luật đã bị bắt để giáo dục, nhiều trường hợp bị khởi tố và tạm giam, bị
kết án nghiêm minh, thích đáng...
Nhân dịp này, những
phần tử chống đối, phá hoại, các thế lực thù địch, vu khống, bịa đặt trắng
trợn, rằng “Việt Nam đàn
áp tự do ngôn luận”, “Bắt người nói xấu Đảng và tự do ngôn luận”, “Dân oan bị
khước từ quyền tự do ngôn luận”, “Chuyện gì đang xảy ra với tự do ngôn luận ở
Việt Nam”, “Việt Nam vẫn là quốc gia toàn trị, không có tự do ngôn luận”...
Rõ ràng, chỉ thoạt nhìn vào tiêu đề các bài viết đó cũng thấy rõ sự bóp méo,
xuyên tạc về quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam - một quyền mà ngay sau Cách
mạng Tháng Tám thành công đã được chế định trong Hiến pháp năm 1946 và được
pháp luật cụ thể hóa kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước ta
qua các thời kỳ, bắt nhịp với các bước tiến mang giá trị phổ quát của luật pháp
quốc tế, đáp ứng yêu cầu chính đáng của đông đảo nhân dân...
Để bảo đảm tự do
cho người này mà không phương hại đến tự do người khác, tất yếu phải có quy
định của pháp luật. Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng, bắt đầu có hiệu
lực từ ngày 1-1-2019, nhưng các thế lực thù địch lại rêu rao rằng Luật này
“chống lại loài người”, “triệt tiêu dân chủ”, “đàn áp bất đồng chính kiến”,
“mất quyền tự do ngôn luận”. Chúng cố tình không hiểu rằng “tự do được thừa
nhận về mặt pháp lý tồn tại trong nhà nước dưới hình thức luật pháp. Luật pháp
không phải là những biện pháp đàn áp chống lại tự do... Ngược lại, luật pháp là
những tiêu chuẩn khẳng định rõ ràng, phổ biến, trong đó tự do có một số sự tồn
tại vô ngã, có tính chất lý luận, không phụ thuộc vào sự tùy tiện của cá nhân
riêng lẻ. Bộ luật là kinh thánh của tự do của nhân dân”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét