Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2020

LÒNG DÂN, Ý ĐẢNG VÀ VẬN NƯỚC



Lòng dân với ý Đảng đã giao hòa, mang lại niềm tin mới. Xưa nay, cho dù phương Đông hay phương Tây, phương Nam hay phương Bắc, ở đâu cũng vậy, dân là gốc của nước. Dân làm nên nước bởi nước là do dân khai thác lãnh thổ, bảo vệ bờ cõi, giữ gìn phên dậu, đánh đuổi ngoại xâm mà thành. Dân làm nên nước bởi dân lao động sản xuất tạo ra của cải vật chất, dựng xây nên làng mạc, thành phố, sáng tạo nên nền văn hóa dân tộc, tạo nên hình hài và hồn cốt của nước. Dân có yên thì nước mới vững, dân có giàu thì nước mới mạnh, dân có trí thì nước mới thịnh. Bởi thế, lấy dân làm gốc là kế sách sâu rễ, bền gốc, giúp cho thái bình thịnh trị. Nên sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm nhà Minh, Nguyễn Trãi mới nói lời gan ruột rằng “Phúc do thủy tín dân do thủy” (Lật thuyền mới biết sức dân là sức nước).
Nước ta xưa, trong đêm trường nô lệ 80 năm dưới sự áp bức của thực dân Pháp, biết bao nhiêu cuộc khởi nghĩa đều bị dìm trong bể máu, bao nhiêu phong trào đấu tranh đều bị thất bại, nhân dân vẫn chịu kiếp tôi đòi, đất nước vẫn chưa có tên trên bản đồ thế giới. Các cuộc khởi nghĩa hay các phong trào vận động đều thất bại chính bởi không tạo được niềm tin của dân, không tập hợp được lực lượng của nhân dân. Chỉ đến khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp nhận học thuyết cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Đảng Cộng sản ra đời, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mới thật sự trở thành một phong trào cách mạng sục sôi trong cả nước, lôi cuốn nhân dân các dân tộc khắp mọi miền đứng lên. Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhân lên sức mạnh của nhân dân vĩ đại, tạo thành dòng thác lũ, băng qua mọi thác ghềnh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác đến bến bờ thắng lợi cuối cùng, làm nên một Đại thắng mùa xuân 1975, quét sạch bóng quân thù trên toàn cõi, thu giang sơn về một mối, đưa cả nước đi lên con đường xây dựng CNXH.
Hơn 90 năm trước, khi chỉ ra “Đường cách mệnh” cho dân tộc, Bác Hồ đã nhấn mạnh: “muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền”. Chính là thấm nhuần bài học lấy dân làm gốc, lấy lợi ích của dân làm mục tiêu đấu tranh, lấy hạnh phúc của dân làm mục đích phấn đấu, nên Đảng đã trở thành Đảng ta, Đảng của dân, nhất hô vạn ứng, đưa đường, dẫn lối nhân dân trong đấu tranh cách mạng. Dân tin và theo Đảng đến cùng bởi ý Đảng hợp với lòng dân. Cho dù khó khăn hay gian khổ, tù đày hay hy sinh, lớp lớp người vẫn nối bước chân nhau, người trước ngã, người sau tiến lên, chiến đấu vì lý tưởng Đảng đã vạch ra. Đó cũng chính là ta đã có một đảng vững bền để “xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
Nước ta nay, đường lối Đổi mới của Đảng đã mở ra một thời kỳ phát triển mới, mang lại những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Từ một đất nước bị tàn phá kiệt quệ bởi 30 năm chiến tranh khốc liệt, ta đã vượt qua nghèo đói, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng đất nước ngày càng to đẹp, đàng hoàng. Từ một quốc gia bị bao vây cấm vận, tưởng như không có đường ra, ta đã mở rộng vòng tay, kết nối bạn bè, làm ăn với các đối tác, giao lưu với các dân tộc, quốc gia, các nền văn hóa trên khắp năm châu, bốn biển, nâng cao vị thế dân tộc trên trường quốc tế. Đất nước đang từng ngày, từng giờ thay da, đổi thịt. Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn xưa. Bạn bè thế giới ngày càng trân trọng, đối tác quốc tế ngày càng tin cậy. Những thành tựu ấy đáng tự hào lắm chứ! Đó chính là kết quả của sự gặp gỡ giữa lòng dân với ý Đảng, là biểu hiện sức mạnh, trí sáng tạo của nhân dân được Đảng khai mở, phát huy trong xây dựng, phát triển!
Trong lúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang phấn khởi, hồ hởi trước những thành tựu của công cuộc Đổi mới, mang sức lực và trí tuệ thi đua lao động sáng tạo tiếp tục phấn đấu xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu, thì ở đâu đó, trong bóng tối của chủ nghĩa cá nhân, không ít kẻ đã lợi dụng quyền lực của Đảng và dân trao cho để mưu cầu thăng quan, phát tài, lách luật, vơ vét của dân, làm giàu hưởng lợi. Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã trở thành “giặc bên trong”, không chỉ làm suy kiệt nguồn lực, làm trầm trọng thêm những khó khăn của đất nước, mà nguy hại hơn, nó còn phá vỡ niềm tin của dân với Đảng. Lòng dân không tin, sức Đảng không vững, ấy là nguy cơ cho sự tồn vong của chế độ.
Nhưng, trong cái khó, ló cái khôn, trong tình huống thử thách phức tạp, Đảng càng thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, càng lắng nghe, thấu hiểu lòng dân. Đại hội XII của Đảng đã đặt một dấu mốc lịch sử trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chặn đứng nguy cơ làm suy yếu Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào sự nghiệp Đổi mới. Đảng khẳng định quyết tâm sắt đá thực hiện triệt để Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, về một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, trong đó cấp bách nhất là tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Trên diễn đàn Hội nghị T.Ư 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định một quy luật tồn tại của Đảng, một bài học lịch sử của cách mạng Việt Nam: “ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.
Các nghị quyết của Đảng nói tiếng nói của dân, thể hiện mong muốn của dân, vì lợi ích của dân. Lòng dân với ý Đảng đã giao hòa, mang lại niềm tin mới, khí thế mới. Niềm tin và khí thế mới của dân được nhân lên gấp bội khi Đảng thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ, “lời nói đi đôi với việc làm”.
Kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước được thực thi nghiêm khắc, không chừa bất cứ một vùng cấm nào, cho dù là đối với những người đã chui sâu, leo cao, giữ những vị trí quyền lực lớn hay đã về hưu, tưởng như theo lối nghĩ cũ đã “hạ cánh an toàn”.
Tại Hội nghị T.Ư 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt câu hỏi: “Vì sao việc xử lý một số vụ án, xử lý kỷ luật một số cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp trong thời gian gần đây lại được đông đảo cán bộ, đảng viên, các đồng chí lão thành, cán bộ hưu trí và nhân dân đồng tình, ủng hộ đến như thế?”.
Câu hỏi đó cũng chính là sự khẳng định: Ý Đảng đang hợp lòng dân và lòng dân đã thể hiện niềm tin sắt son với Đảng. Ý Đảng với lòng dân gặp nhau và giao hòa ấy là vận nước đang lên, là nền tảng vững bền cho chế độ được củng cố, là cơ sở chắc chắn cho thắng lợi của sự nghiệp “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
 HA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét