Thứ Hai, 13 tháng 1, 2020

Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng: Bình tĩnh phòng ngừa, chủ động ngăn chặn và kiên quyết tẩy trừ

Kinh nghiệm lịch sử của Đảng cho thấy, khi có một đường lối đúng, một đội ngũ cán bộ, đảng viên ngang tầm trọng trách và được nhân dân ủng hộ, không có lực lượng nào cản được thành công. Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới hiện nay, trong điều kiện hội nhập quốc tế, một trong ba việc đó khiếm khuyết hoặc yếu kém, nhất định Đảng không đảm đương được nhiệm vụ, khó có thể đứng vững và chế độ bị đe dọa. Vì vậy, việc phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp... là việc rất cấp bách và rất quan trọng, liên quan tới sự tồn vong của Đảng, của Nhà nước, của chế độ ta và vị thế đất nước ta trên trường quốc tế.

Công việc trọng tâm và hết sức khó khăn
Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, không chỉ là mục tiêu lý tưởng chính trị mà còn là nhu cầu phát triển của dân tộc và đất nước ta, là nguyện vọng của nhân dân ta. Nói cụ thể, độc lập dân tộc gắn chặt với chủ nghĩa xã hội là lý tưởng chính trị, là nguyên tắc chính trị, là cương lĩnh hành động chính trị và là đạo lý sống của Đảng ta, nhân dân ta, dân tộc ta và đất nước ta. Đó cũng là con đường chính trị, là đạo lý sống để phát triển mạnh mẽ và bền vững duy nhất đúng để đất nước ta tiến lên ngang tầm thời đại. Đó là một trong những vấn đề sinh tử quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng, sự tồn vong của Đảng, của Nhà nước và chế độ ta. Bị lôi kéo hay cố ý, trực tiếp hay gián tiếp, nếu suy nghĩ và hành động chệch, xa rời, trái hoặc cản trở những điều đó, dù xét dưới bất cứ góc độ nào, có thể nói đều gây tổn hại tới sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đó chính là những biểu hiện chính yếu của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống. 
Thực tế đã và đang cho thấy, sự suy thoái về chính trị, tư tưởng đạo đức và lối sống không chỉ tiềm tàng ở một nơi nào đó mà nó hiện diện tại không ít nơi, không chỉ ở một vài người hay nhóm người nào đó mà đáng lo ngại là, hiện diện khá rộng, sâu và phức tạp trong một bộ phận đáng kể đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ngay từ năm 1999, Đảng ta chỉ rõ: “...Trước yêu cầu mới ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, trong Đảng đang bộc lộ một số yếu kém: sự suy thoái về tư tưởng chính trị (tôi nhấn mạnh - NL)... của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn”(1). Tại Đại hội IX (2001), Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Trong công tác xây dựng Đảng... chưa ngăn chặn và đẩy lùi được sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống”(2); và Đại hội X (2006) chỉ rõ: “Thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi... Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ”(3). Tới Đại hội XI (2011), Đảng ta tiếp tục cảnh báo: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp... làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”(4). Năm năm sau, tại Đại hội XII, Đảng ta vẫn cảnh báo và đặt ra trọng trách: “Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”(5). Đây là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, ít nhất trong tầm nhìn tới năm 2021.
Tối thiểu như thế, hiện nay vấn đề này quan trọng và cấp bách, mang ý nghĩa thành bại, sinh tử đối với chúng ta tới mức nào.
Góp phần nhận diện và dự báo sự suy thoái mới và phức tạp về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống trong cán bộ, đảng viên
Những biểu hiện suy thoái chính trị trong Đảng hết sức phức tạp, tinh vi, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Song, có thể nói gọn lại, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức là sự tha hóa và thoái hóa về nhận thức chính trị và hành động chính trị của cán bộ, đảng viên trực tiếp gây tổn hại đến vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu và uy tín chính trị của Đảng, chức năng, vai trò và trọng trách quản lý, điều hành của Nhà nước và sức mạnh của hệ thống chính trị đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta.
Trước hết, đó là sự thờ ơ chính trị, thờ ơ lương tri hay lãnh đạm chính trị, lãnh đạm lương tri. Sự bàng quan với thời cuộc và tình hình đất nước; sự “thúc thủ”, “rũ áo xuôi tay”, “lạnh tanh máu cá, nhiệt tình độ âm” trước vận mệnh của Đảng, của dân tộc, sự lẩn tránh trách nhiệm của chính mình... đã và đang trở thành phương châm hành xử của không ít người. Đó chính là hành động “trùm chăn”, “án binh bất động”; là thái độ “sống chết mặc bay”, “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”... Nói chính xác, sự thờ ơ chính trị là đồng nghĩa với sự tê liệt về ý chí cách mạng chiến đấu, thụ động, tự hạ vũ khí chiến đấu, tự tước bỏ vị thế của người chiến sĩ tiên phong, tự làm mờ nhạt, “tan rữa” mình và vô hình cổ vũ cho cái xấu, cái ác ngóc đầu dậy và hoành hành. Đó là một điều nguy hiểm. Ngạn ngữ từng có câu và thực tiễn lịch sử cũng chứng minh: Không làm một điều gì có nghĩa là đã làm một điều xấu xa; và không có gì đáng hổ thẹn hơn về mặt đạo đức là sự thờ ơ với vận mệnh của Tổ quốc mình.
Ở góc độ khác, suy thoái tư tưởng chính trị là sự dao động chính trị, tha hóa đạo đức. Đó là sự mất thế ổn định vững chắc về tư tưởng, tinh thần và sự nao núng, ngả nghiêng trong hành động trước sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đó là sự giảm sút niềm tin xã hội chủ nghĩa, là sự “nhạt Đảng”, “nhạt lý tưởng xã hội chủ nghĩa”; nhận thức mơ hồ, lệch lạc về chủ nghĩa Mác - Lê-nin và chủ nghĩa xã hội, về đường lối, chủ trương của Đảng... Đặc biệt, trước những bước ngoặt của cách mạng, họ hồ nghi sự đúng đắn của mục tiêu chính trị và thậm chí ngả theo luận điệu cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã lỗi thời (!), họ “giữ thân”, “sống chết mặc bay”... không dám hoặc không dám công khai đấu tranh với các quan điểm, hành vi trái với quan điểm của Đảng, thậm chí a dua, cổ súy cho những tư tưởng đó, v.v.. rồi mất phương hướng tư tưởng, mất khả năng chủ động kiểm soát và điều chỉnh hành động của mình, từ đó rơi vào tình trạng hoặc “tả” khuynh hoặc hữu khuynh hoặc chiết trung chủ nghĩa, hoặc tự phát manh động, hoặc phiêu lưu chính trị... Đó là những con lắc đơn về tư tưởng chính trị, là tập hợp hỗn mang của thứ “đạo đức tùy thời”, “đạo đức con buôn”...
Sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức cũng được biểu hiện thành thói thực dụng chính trị, thực dụng đạo đức.Đó là tình trạng phân liệt cực tả về tư tưởng, hành động và lối sống. Nghĩa là, họ chỉ nhằm vào những gì mang lại lợi ích cho mình (và phe nhóm mình) một cách nhất thời, trước mắt mà không quan tâm tới lợi ích chung của cách mạng, của nhân dân, thậm chí chà đạp lên chúng, cốt mưu chiếm đoạt cho lợi ích riêng của mình, của phe nhóm mình. Từ đó tạo nên tình trạng cát cứ, phe nhóm, phường hội theo kiểu “trên có chính sách, dưới có đối sách”, hành xử theo lối “đạo đức cho người và đạo đức cho ta”... vô hình phá vỡ tính thống nhất và chỉnh thể của đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, “băm nhỏ” và “chia phần”, xâm hại lợi ích chung bằng “nhát dao của tên đao phủ”, như cách nói của H.Ban-dắc, hình thành và lũng đoạn xã hội bằng lợi ích nhóm và những nhóm lợi ích... làm phân liệt ý chí và rã rời sức mạnh của tổ chức, làm suy nhược sức mạnh đất nước. Và, V.I. Lê-nin gọi đó là một sự “man rợ”.
Ở mức độ trầm trọng và nguy hiểm là, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức được hiện diện bằng tình trạng cơ hội chính trị, cơ hội về đạo đức. Đó là thói tùy thời thỏa hiệp vô nguyên tắc, là hành động lợi dụng cơ hội nhằm chiếm đoạt lợi ích trước mắt và cục bộ, bất kể việc làm đó đúng hay sai, như kiểu “mượn gió bẻ măng”, “đục nước béo cò”, ngả nghiêng, xoay xở, “gió chiều nào che chiều ấy”, sống dua, tìm kiếm “ô, dù” trong các chuyến “buôn quyền lực”, kèn cựa, gây bè kéo cánh, thậm chí vu cáo, bôi nhọ đồng chí, gây rối nội bộ... V.I. Lê-nin chỉ rõ: Họ xác định thái độ của mình tùy theo hoàn cảnh, thích ứng với những sự biến trước mắt, với những biến đổi của những sự kiện chính trị nhỏ nhặt, quên mất lợi ích sống còn của giai cấp vô sản..., hy sinh những lợi ích sống còn ấy vì những lợi ích thực tế hay những lợi ích giả định tạm thời - đó là chính sách của bọn xét lại. Và từ chính thực chất của chính sách ấy nảy sự thật hiển nhiên là: chính sách ấy có thể mang những hình thức hết sức muôn hình muôn vẻ và mỗi vấn đề hơi “mới” một chút, mỗi sự thay đổi hơi bất ngờ và đột ngột một chút của những sự biến - dù sự thay đổi ấy chỉ làm thay đổi đường lối căn bản của sự phát triển trong một mức độ rất nhỏ và trong một thời gian ngắn nhất chăng nữa - nhất định bao giờ cũng đẻ ra biến tướng này hay biến tướng khác của chủ nghĩa xét lại. Đây là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm trong Đảng, đặc biệt là tình trạng “cơ hội giấu mặt”. Bằng “vỏ bọc cộng sản”, dưới danh nghĩa tiếp tục “đổi mới”, họ đòi xét lại cơ sở, nền tảng lý luận và tư tưởng của Đảng, đường lối chính trị của Đảng trên những phương diện cốt tử nhất; cổ súy cho tư tưởng và quan niệm đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập; gắn kết chủ nghĩa cơ hội với chủ nghĩa bè phái và cục bộ địa phương, hình thành các “ô, dù”, cánh hẩu trong Đảng, phân hóa một bộ phận đội ngũ đảng viên của Đảng, làm biến chất, phân rã và tê liệt không ít tổ chức đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức,v.v.. Ở họ chứa đựng thứ “đạo đức ba mặt”: cao đạo trong cuộc họp, trí trá ngoài hành lang và nịnh bợ trước cấp trên - hành xử cốt sao có lợi cho họ, dù hại đồng chí mình và tổ chức. Họ sợ sự thật và tìm cách bóp nghẹt, thậm chí chà đạp những người trung trinh. Đó là những con “kỳ nhông chính trị”, “con trùng biến hình đạo đức” trong Đảng. Một lần nữa, cần khắc sâu và cảnh báo: Sự suy thoái về đạo đức là con đường ngắn nhất dẫn tới sự băng hoại về chính trị; đến lượt nó, sự băng hoại về chính trị dẫn tới “cái chết về đạo đức”.
Biểu hiện tập trung nhất, cao nhất và nguy hiểm nhất của suy thoái tư tưởng chính trị là tham nhũng chính trị, phản bội chính trị, thối rữa tư tưởng và băng hoại đạo đức... tạo nên những “kẻ thù giấu mặt”, những “liên minh tội phạm”. Họ cho mình cái quyền sở hữu quyền lực chính trị mà nhân dân ủy thác cho họ thành “của riêng” để đổi chác, ban phát cho “nhóm”, thành hàng hóa mưu toan định giá bán mua... Tất cả “gieo” mầm họa trong cán bộ: tệ “chạy” (chức quyền, tuổi tác, luân chuyển, bằng cấp...); tệ gian dối (trước cấp trên, cấp dưới và nhân dân); tệ “đạo vị”, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, tức là “ăn trộm chức quyền”; v.v.. Đó cũng là sự quay quắt về tư tưởng chính trị và giả trá về đạo đức, sự ngả hẳn hành động về phía kẻ thù chống lại cách mạng, phá hoại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc của Đảng và nhân dân ta, mà trước hết là, phá vỡ Đảng một cách toàn diện công cuộc đổi mới, chống lại dân tộc và nhân dân. Có người kêu gào đòi lập đảng đối lập với Đảng ta... Nếu sự phản bội chính trị, sự tan rã đạo đức nằm trong những cán bộ cốt cán của Đảng, ở những phương diện và bộ phận quan trọng của Đảng thì hậu quả càng và khôn lường. Bài học về sự tan vỡ của một số đảng cộng sản gần đây đã cảnh báo điều đó. Đây là những giặc nội xâm nguy hiểm nhất, những “cục bướu ác tính” tích tụ và phát tác trong nội bộ làm Đảng rã rời, có nguy cơ đột quỵ, đội ngũ rối loạn, chế độ tan vỡ, hậu họa đối với dân tộc khôn lường.
Hậu họa cần lường trước và ngăn chặn; những nguyên nhân cần nắm bắt và chủ trị
Tất nhiên, những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức trên không diễn ra một cách độc lập, khép kín; mà trái lại, chúng vận động hết sức uyển chuyển, xuyên thấm vào nhau rất tinh vi và chuyển hóa rất phức tạp. Cái này là điều kiện, là tiền đề, là môi trường dung dưỡng của và cho cái kia; và ngược lại. Tất cả tích tụ, và cóp thể biến thành một thế lực có sức phá hoại ghê gớm và khôn lường.
Kinh nghiệm lịch sử chỉ rõ, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức của đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ cao cấp trong bộ máy của Đảng và Nhà nước là con đường ngắn nhất và trực tiếp hạ thấp, thậm chí thủ tiêu vai trò chính trị, thực lực chính trị và uy tín chính trị của Đảng và Nhà nước ở mức độ trầm trọng. Nghĩa là, từ sự suy thoái về đạo đức, về tư tưởng chính trị trong Đảng, tới mức nào đó, dẫn tới nguy cơ chệch hướng về chính trị và đẻ ra một nền chính trị suy thoái, một nền móng đạo đức chính trị suy đồi... chỉ là một bước chuyển ngắn. Và từ đó có thể dẫn tới nguy cơ về một nền chính trị, đạo đức suy thoái, dẫn tới chệch hướng xã hội chủ nghĩa, tới mức không thể kiểm soát.
Sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống đó trực tiếp làm cho Đảng đánh mất bản chất giai cấp công nhân, đánh mất vị trí và vai trò tiên phong của người lãnh đạo công cuộc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa; và tất nhiên sẽ không còn là đại biểu trung thành cho lợi ích của nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam. Đảng ta chỉ rõ: “... Khi nào xa rời bản chất giai cấp công nhân, bản chất cách mạng và niềm tin cộng sản thì khi đó mắc sai lầm, khuyết điểm, thậm chí dẫn đến sai lầm về đường lối”(6). Và nếu không kịp thời sửa chữa, tới một mức nào đó, Đảng sẽ bị biến chất, chế độ xã hội chủ nghĩa bị thay đổi, Nhà nước không còn là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân nữa.
Các biểu hiện trên là con đẻ của chủ nghĩa cá nhân (dưới mọi hình thức), chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa cơ hội với nhiều biến thể, nhất là trong điều kiện hiện nay. Đặc biệt, trước sự thoái trào tạm thời của phong trào xã hội chủ nghĩa, với âm mưu “diễn biến hòa bình” của kẻ thù, thậm chí “tự diễn biến” trong nội bộ càng làm cho tình hình càng phức tạp, nặng nề hơn. Nhưng điều cần nhấn mạnh là, các biểu hiện đó được dung dưỡng bởi cơ sở kinh tế - xã hội của nền sản xuất nhỏ, tâm lý tiểu tư sản, di họa tư tưởng đạo đức phong kiến và tư sản còn khá dai dẳng và thịnh hành ở một số nơi, một số người giữ trọng trách. Điều cảnh báo là, những biến tướng mới về chủ nghĩa thực dụng, tham nhũng quyền lực, chủ nghĩa con buôn... đang lây lan. Toàn bộ bối cảnh này diễn ra trong điều kiện nước ta từng bước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế với muôn mặt phức tạp của nó, nên sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống càng có cơ hội lan rộng.
Nhưng, có thể nói thực trạng trên cơ bản và trước hết bắt nguồn từ chỗ, các cán bộ, đảng viên này kém rèn luyện, tu dưỡng bản thân; thiếu bản lĩnh chính trị, bản lĩnh sống lại bị chi phối bởi những tác động tiêu cực bởi mặt trái nền kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập... nên họ trượt dài vào con đường suy thoái, biến chất. Trực tiếp nhất là, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức ở nhiều lúc, nhiều nơi bị coi nhẹ, thậm chí bị thả nổi; kỷ cương, kỷ luật trong Đảng chưa nghiêm; chưa có một cơ chế kiểm tra, giám sát minh bạch, nghiêm ngặt và triệt để đảng viên; công tác phát triển Đảng ở nhiều nơi bị “khúc xạ” đã mở lối cho các phần tử cơ hội, thậm chí cả những kẻ phản động chui vào Đảng; các nguyên tắc sinh hoạt đảng bị buông lỏng; chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát hữu hiệu nhất đối với cán bộ, đảng viên. Thực tiễn chứng minh, tất cả những hoạt động không có nguyên tắc đều dẫn tới sự đổ vỡ. Hơn nữa, trước sự tác động mặt trái của cơ chế thị trường, trở thành miếng đất dung dưỡng tư tưởng thực dụng, cơ hội giấu mặt, dối trên lừa dưới, lợi dụng chức quyền để mưu lợi cá nhân (và phường hội), “đầu cơ chính trị”, kéo bè kết cánh, sa đọa đạo đức... đã làm cho một bộ phận đảng viên sống “phân thân”, xa rời lý tưởng xã hội chủ nghĩa, sa sút đạo đức cách mạng. Điều cần cảnh báo là, sự suy thoái về đạo đức, nhân cách chắc chắn dẫn đến sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, thậm chí phản bội mục tiêu phấn đấu và trách nhiệm của người cộng sản.
Mặt khác, về phía Nhà nước, không ít trường hợp đã buông lỏng pháp luật, có trường hợp dung túng cho những việc làm sai trái của cán bộ, đảng viên, vô hình trung tiếp tay cho sự lộng hành cá nhân ngay trong bộ máy nhà nước, biến một số cơ quan nhà nước của nhân dân thành “của riêng”, thành “công cụ” của số ít người nào đó. Thực tiễn từ các nước xã hội chủ nghĩa bị tan vỡ cho thấy, bất cứ sự đặc quyền đặc lợi nào trong Đảng và Nhà nước cũng xâm phạm và chà đạp lên sự tự do, dân chủ của nhân dân; và thất bại là tất yếu. Kinh nghiệm lịch sử chết người ở đây là, ở đâu không có sự thống nhất về lợi ích chung thì ở đó không có sự thống nhất về mục đích và càng không thể có sự thống nhất về hành động. Đây là nguyên nhân của tệ tha hóa quyền lực, suy thoái quyền lực chính trị khi quyền lực nằm trong tay các đảng viên bắt đầu thoái hóa về lối sống, đồi bại về phẩm hạnh đạo đức... Và cố nhiên, ở những nơi đó vai trò lãnh đạo có tính nguyên tắc của Đảng đối với Nhà nước hoặc bị “khúc xạ” hoặc bị vô hiệu hóa, hoặc vai trò của Nhà nước bị biến thành “vật tượng trưng” phục vụ cho mưu toan biến quyền lực mà nhân dân giao cho thành vật “sở hữu” của riêng họ, của riêng phe nhóm, thậm chí gia tộc họ.
Từ suy thoái dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước chuyển ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm tới mức khôn lường.
Tiếp tục phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống gắn với phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên
Việc cấp bách phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là vấn đề mang tính quy luật xây dựng Đảng, Nhà nước nói riêng, toàn bộ hệ thống chính trị nói chung; là nhu cầu của sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc vừa là nguyện vọng của nhân dân.
Nguyên tắc chỉ đạo hiện nay là, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mà then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách toàn diện là phương sách tối ưu nhằm đề kháng, triệt tiêu cơ sở tồn tại của sự suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; đồng thời, đấu tranh liên tục, hiệu quả và triệt để với sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là một bộ phận hợp thành toàn bộ công tác xây dựng Đảng, chính quyền Nhà nước và làm lành mạnh các quan hệ xã hội.
Phương châm quán xuyến lúc này là: Chủ động và liên tục; dân chủ và bình đẳng; phá bỏ mọi vùng cấm; cấp trên làm gương; công khai và minh bạch; quyết liệt và nghiêm khắc; trên dưới phối hợp, trong ngoài đồng bộ, lấy sức mạnh tổng thể làm căn bản.
Tinh thần chỉ đạo hiện nay: Chọn đúng đột phá, chuẩn bị đầy đủ thực lực, giải quyết triệt để; không “bắt cóc bỏ đĩa”; không “đánh trống bỏ dùi”, không né tránh, đùn đẩy, nửa vời.
Trước mắt, tập trung thực thi tối thiểu bốn nhiệm vụ sau:
Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên gương mẫu tự giáo dục, tự chỉnh đốn mình. Đặc biệt là những người giữ trọng trách và đứng đầu bộ máy đảng, nhà nước và các thành viên hệ thống chính trị khác, không ngừng tự rèn luyện, tự khép mình vào kỷ luật một cách toàn diện và triệt để, tự biết xấu hổ khi không chấp hành kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không hoàn thành nhiệm vụ, khi sống trái đạo lý làm người. Vì, người xưa cũng nói: Con người không biết xấu hổ thì không thành người được! Đó là liêm sỉ, và cũng là lẽ tối thiểu. Không như vậy, không thể trở thành một cán bộ, đảng viên tốt và nhất định không lãnh đạo được ai; và, thượng sách là nên từ nhiệm, từ chức.
Nhưng trên thực tế, không ít người do cơ hội, chạy chọt, luồn lọt, nịnh bợ... đã “kiếm” được một chức vụ nào đó và lấy đó làm cái để huyênh hoang, hợm hĩnh, dọa nạt cấp dưới và nhân dân, gây nên bao nỗi oán thán, bất bình, làm tổn thương mối quan hệ máu thịt giữa Đảng - “đứa con nòi của giai cấp lao động”. Thậm chí biến nó thành “vật sở hữu” để kéo bè cánh, phe nhóm, mặc sức trục lợi, gây sự phân liệt, rã rời... trong bộ máy đảng và nhà nước. Phải cắt bỏ ngay những “cục bướu ác tính ấy”, những “liên minh ma quỷ”... trong cơ thể Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị. V. I. Lê-nin từng cảnh báo: Không một kẻ thù nào, cho dù nó nham hiểm và hung hãn nhất, có thể tiêu diệt được Đảng Cộng sản, ngoại trừ chính những người cộng sản tự tiêu diệt chính họ.
Mỗi cán bộ, đảng viên luôn thật xứng đáng với vị thế chính trị, nêu gương phát huy đạo lý dân tộc: Nhân nghĩa, trung thành, dũng cảm, trí tuệ, liêm sỉ, thân dân!
Thứ hai, Đảng đi tiên phong trong hành động thật kiên quyết, triệt để. Thực tiễn xử lý những bệnh tật tiêu cực ở một số người và một số tổ chức mới đây và giải quyết những vấn đề cấp bách đặt ra trong công tác xây dựng Đảng, và kinh nghiệm càng chỉ rõ, hơn lúc nào hết, lúc này một bước tiến trong hành động có giá trị hơn cả một tá lời hô hào sáo rỗng. Tiếp tục thực thi nghiêm các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng, trước hết thực hành dân chủ rộng rãi, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong Đảng gắn chặt với siết chặt kỷ luật tự giác của Đảng. Xây dựng và phát triển bầu không khí đạo đức chính trị lành mạnh trong Đảng, Nhà nước và xã hội.
Đội ngũ cán bộ, trước hết là những người đứng đầu phải thực sự là tấm gương về chính trị, về đạo đức và về hành động, theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Sự thành bại của Đảng một phần cơ bản nằm ở phương diện này. Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên thoái hóa biến chất, nhất là về đạo đức, những phần tử cơ hội, bất mãn, những người gây mất đoàn kết nội bộ Đảng, cố ý bội nhọ, phủ nhận (dưới mọi hình thức) Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng. Đặc biệt, thực hiện hiệu quả tự phê bình và phê bình, trước hết nhằm uốn nắn những lệch lạc về tư tưởng chính trị, nhất là những biểu hiện dao động dễ bị những phần tử xấu kích động, lôi kéo; phê phán, kỷ luật nghiêm khắc những đảng viên coi thường nghị quyết của Đảng, nói một đường làm một nẻo, coi thường nhân dân; những người vi phạm về đạo đức, lối sống, tham nhũng, mất đoàn kết, cục bộ bản vị, cá nhân chủ nghĩa...Sự suy thoái về đạo đức có nguy cơ dẫn tới sự thoái hóa về chính trị. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải xây dựng Đảng ngang tầm về mặt đạo đức. Đó chính là sự kết tinh phát triển trên bình diện chính trị. Vì Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”. Xử lý kịp thời, nghiêm khắc những người giữ chức vụ trong Đảng vi phạm kỷ luật, pháp luật, theo phương châm “quốc pháp vô thân” để làm răn đối với các cán bộ, đảng viên.
Điều cần tiếp tục làm là, tiếp tục đổi mới xây dựng và hoàn thiện cơ chế hoạt động trong Đảng và hệ thống chính trị là gốc. Đổi mới các nguyên tắc tổ chức, nguyên tắc hoạt động của Đảng, của Nhà nước; đổi mới cơ chế vận hành của mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước và các thành viên của hệ thống chính trị theo mô hình vòng tròn đồng tâm, mà Đảng là trung tâm, một cách tập trung dân chủ, minh bạch hóa, theo vị thế, chức năng và nhiệm vụ của mỗi thành viên; trọng tâm là đổi mới phương thức cầm quyền dân chủ, tổ chức bộ máy nhất thể hóa liên thông, gọn và đội ngũ cán bộ tinh nhuệ. Đổi mới cơ chế phát triển quyền lực và giám sát quyền lực một cách dân chủ và minh bạch đối với tất cả các tổ chức, các chức danh trong hệ thống chính trị.
Ở đây, trực tiếp là đổi mới cơ chế giám sát, kiểm tra nghiêm ngặt định kỳ và bất thường trong toàn hệ thống chính trị nhằm quản lý chặt chẽ từng cán bộ, mọi đảng viên ở nơi công tác, ở khu vực cư trú và nơi đảng viên đi công tác, nhất là đi công tác ngoài nước (thu nhập, tài khoản ngân hàng...). Chấn chỉnh, trao thêm trọng trách và trong sạch hóa các cơ quan và đội ngũ làm công tác kiểm tra, thanh tra. Không thể lấy tiêu cực để chống tiêu cực. Đổi mới cơ chế kiểm tra, kiểm soát: Không ai, không một tổ chức nào được nằm ngoài sự kiểm tra, giám sát, kỷ luật và pháp luật. Kỷ luật phải là tối thượng, pháp luật phải được thượng tôn; cả hai phải được toàn dụng một cách công minh, bình đẳng, kịp thời và đúng đắn. Công tác phát triển Đảng tiếp tục được chỉnh đốn, nhằm thu hút tinh hoa xã hội, thải loại nghiêm khắc những phần tử thoái hóa, thanh lọc “cặn bã” trong bộ máy Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị. Siết chặt công tác bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng. Không “đầu voi đuôi chuột”, không “mang thúng úp voi” hay “mùa vụ tùy hứng”, “gặp chăng hay chớ”... làm nhờn kỷ luật, “giỡn mặt pháp luật”.
Cố nhiên, chỉ có một thế giới quan khoa học và nhân sinh quan cách mạng mới tạo nền tảng tư tưởng chính trị vững chắc cho cán bộ, đảng viên kiên định lý tưởng xã hội chủ nghĩa, tự giác phấn đấu vì mục tiêu chủ nghĩa xã hội theo đường lối cách mạng của Đảng. Do vậy, bằng mọi hình thức nâng cao trình độ lý luận tư tưởng, tu dưỡng và tự tu dưỡng phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên nâng cao đạo đức cách mạng, năng lực hành động độc lập và tự giác trên những cương vị mà họ được giao phó theo Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, Về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự mình nêu gương là một công dân gương mẫu, sống trong nhân dân, thu phục uy tín của nhân dân... Mất niềm tin của nhân dân là có nguy cơ tan rã và mất hết.
Thứ ba, phát huy vai trò của Nhà nước và sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội. Đảng ta là Đảng cầm quyền. Đảng viên chiếm một bộ phận lớn và quan trọng trong bộ máy nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội. Sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức của đội ngũ đảng viên là nguyên nhân căn bản và trực tiếp làm cho Nhà nước suy thoái, các đoàn thể chính trị suy giảm sức mạnh.
Bởi vậy, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, ban cán sự đảng (hoặc đảng đoàn) với ban lãnh đạo cơ quan chức năng trong việc phát huy dân chủ và công khai các vấn đề liên quan tới bộ máy, cán bộ và đảng viên, trong phạm vi cho phép và khả năng có thể; trước mắt, trên từng phương diện, đối với từng loại cán bộ, từng bước tổng kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc bổ nhiệm và hoạt động của cán bộ, đảng viên gắn chặt với hoạt động của bộ máy. Vừa qua, chúng ta đối mặt không ít hậu họa trên phương diện này. Những đảng viên là cán bộ lãnh đạo hư hỏng, thoái hóa, biến chất thì một mặt, phải bị khai trừ ra khỏi Đảng; mặt khác, nhất định phải bị sa thải ra khỏi bộ máy của Đảng, Nhà nước và đoàn thể chính trị - xã hội, trừng trị nghiêm khắc theo kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đạo lý chưa đủ thức tỉnh thì pháp lý phải được toàn dụng. Phối hợp thống nhất và đồng bộ chống “diễn biến hòa bình” - giặc ngoại xâm với cô lập và tẩy trừ giặc nội xâm hoặc đồng lõa với giặc nội xâm - “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Các cơ quan nhà nước và đoàn thể chính trị - xã hội có quyền chất vấn và khi cần thiết bảo lưu ý kiến và đề nghị lên cấp trên về các cán bộ, đảng viên khi được Đảng giới thiệu để ứng cử hoặc bổ nhiệm vào các cơ quan này. Định kỳ bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do nhân dân bầu cử. Các đảng viên vi phạm pháp luật phải bị xử lý nặng hơn những viên chức không phải là đảng viên vi phạm pháp luật cùng mức độ. Trừng trị thật nghiêm khắc những phần tử chống đối và kêu gọi lật đổ chế độ, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các tổ chức chống đối Đảng, Nhà nước và chế độ. Các tổ chức đảng trong các cơ quan bộ máy nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội phải thực sự xứng đáng là người lãnh đạo thật trong sạch và gương mẫu, ngang tầm nhiệm vụ tại các cơ quan đó.
Thứ tư, bảo đảm sức mạnh của nhân dân và công luận. Kinh nghiệm vừa qua càng cho thấy: Không có sự giám sát công khai và minh bạch của nhân dân, sự ủng hộ và phản biện của công luận trên nền tảng sự giúp đỡ của nhân dân sẽ không có dân chủ đầy đủ và càng không có sức mạnh tổng thể trong công việc mệnh hệ này. Đặc biệt, những năm gần đây, vai trò của công luận được thể hiện mạnh mẽ trong phát hiện cái xấu, vun đắp cái tốt... được nhân dân ủng hộ... càng chứng tỏ điều đó. Các cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị dựa vào nhân dân, sống trong nhân dân để thực thi trọng trách của mình. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân và báo chí tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và đoàn thể mình, trước hết trong việc giám sát đảng viên, cán bộ ở mọi lúc, mọi nơi. Xây dựng bầu không khí đạo đức xã hội, cộng đồng dân chủ, kỷ cương và nhân văn... để kiểm soát, cô lập những thói xấu, đẩy lùi tiêu cực; bảo vệ và nâng cao vai trò, sức mạnh của nhân dân và công luận theo pháp luật.
Đổi mới cơ chế bảo vệ chặt chẽ những ý kiến của nhân dân phát hiện, tố cáo cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống trên tất cả các mặt khác, ở tất cả các nơi liên quan tới cán bộ, đảng viên. Cổ vũ và bảo vệ đội ngũ báo chí tham gia kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, nhằm xây dựng và bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và đoàn thể trong hệ thống chính trị. Buông lơi điều này, công việc rất khó thành công, nếu không nói là cầm chắc thất bại. Nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng của toàn dân trước âm mưu chống phá của những phần tử suy thoái, của các thế lực phản động và thù địch từ bên ngoài.
Một lần nữa, cần nhắc lại lời cảnh báo của V. I. Lê-nin, trong quá trình giải quyết công việc cấp bách này: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta. Toàn bộ vấn đề là ở chữ “nếu” này. Nếu chúng ta do sai lầm mà gây ra sự chia rẽ thì tất cả sẽ sụp đổ”(7) ./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét