Thứ Năm, 16 tháng 7, 2020

Sự nham hiểm của kiến nghị “xây dựng quân đội chuyên nghiệp”

Mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam đã được Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Hiến pháp năm 2013 xác định là “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Nhưng gần đây, có một vài “nhà dân chủ” kiến nghị nên viết gọn lại thành “chuyên nghiệp, tinh nhuệ, hiện đại”. Kiến nghị này rất nham hiểm, vì thực chất họ muốn “phi chính trị hóa Quân đội”, tách Quân đội khỏi sự lãnh đạo của Đảng.

Nội hàm của khái niệm “cách mạng” đòi hỏi quân đội phải “trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân”. Những người nhẹ dạ, ít am hiểu lý luận sẽ thấy mục tiêu xây dựng Quân đội “chuyên nghiệp, tinh nhuệ, hiện đại” nghe có vẻ hợp thời và ngắn gọn hơn, cắt bớt yếu tố “cách mạng” và chuyển từ “từng bước hiện đại” sang “hiện đại” nghe thích hơn, oai hơn. Nhưng sự kiến nghị thêm bớt câu từ này lại nhằm phục vụ một mục đích không thay đổi của các thế lực thù địch, đó là bỏ yếu tố “cách mạng” thì đồng nghĩa với việc xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Đó là sai lầm khủng khiếp mà Đảng Cộng sản Liên Xô đã từng làm dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991.
Bài học xương máu rút ra từ sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu là bất luận trong điều kiện hoàn cảnh nào, Đảng Cộng sản cũng không được rời bỏ nguyên tắc xây dựng quân đội về chính trị của chủ nghĩa Mác-Lênin; tuyệt đối không được mắc sai lầm trong việc xóa bỏ cơ chế lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội; không được để quân đội bị “phi chính trị hóa” và bị vô hiệu hóa.
Các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền “quân đội chuyên nghiệp”, nhằm ru ngủ quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam về mục tiêu kinh tế, coi việc nhập ngũ, thi hành nhiệm vụ của người quân nhân như một nghề nghiệp thông thường để mưu sinh chứ không phải là nghĩa vụ thiêng liêng của người công dân trong bảo vệ Tổ quốc. Nhấn mạnh “quân đội chuyên nghiệp”, “bộ đội cũng là một nghề” sẽ làm cho quân đội bị tha hóa, biến chất về chính trị và bị vô hiệu hóa; làm cho Đảng Cộng sản, Nhà nước và nhân dân mất chỗ dựa vững chắc để bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Lời kêu gọi “quân đội chuyên nghiệp” đưa ra xuất phát từ những toan tính cơ hội, thực dụng, ngộ nhận của những người tự nhận mình là trí thức am hiểu thời thế, đã “tự chuyển hóa” và tuyên truyền không công cho các thế lực thù địch của đất nước, dân tộc. Nhân dân ta và cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam không chấp nhận quan điểm lập lờ, mị dân đó, bởi đó sẽ là nguyên nhân làm suy yếu sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, dẫn đến mất ổn định chính trị - xã hội.
Cho nên, trong 4 nội dung mục tiêu xây dựng quân đội hiện nay, nội dung “cách mạng” đã được đặt lên trên hết, rồi mới đến các nội dung “chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. “Cách mạng” cũng có nghĩa là yêu nước, người Việt Nam không chỉ có tinh thần yêu nước mà đã nâng tinh thần ấy lên thành “chủ nghĩa yêu nước”. Vì thế, xây dựng quân đội phải lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở.
Để phòng, chống khuynh hướng “phi chính trị hóa quân đội”, giúp nhân dân và cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam cứ sức đề kháng, đứng vững trước luận điệu nham hiểm về “quân đội chuyên nghiệp”, chúng ta cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây vừa là nguyên tắc, vừa là quy luật cơ bản trong việc xây dựng quân đội “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”.
Thứ hai, tăng cường đấu tranh phòng chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng làm Quân đội nhân dân Việt Nam “tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa” theo khuynh hướng “phi chính trị hóa”; đẩy mạnh hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại như Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đặt ra.
Thứ ba, tăng cường xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, củng cố và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội, chăm lo xây dựng quân đội, củng cố và tăng cường sức mạnh đoàn kết quân dân, góp phần giữ gìn và phát huy hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong xã hội, trong nhân dân.
Thứ tư, thường xuyên đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam, tạo những chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa tinh thần, khắc phục các biểu hiện tiêu cực trong đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ, góp phần phát huy những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới./.
THỦY ĐỖ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét