Tình trạng người dùng mạng xã hội để nói xấu, công khai công kích lẫn nhau đang diễn ra tràn lan trên mạng xã hội. Vì mâu thuẫn, xung đột cá nhân, nhiều người chọn cách tung các thông tin không hay, việc làm được cho là sai trái liên quan đến người mà mình nhắm tới lên mạng xã hội, từ đó lôi kéo nhiều người tham gia sỉ nhục, lăng mạ nạn nhân dẫn đến nhiều hành vi có tính chất bạo lực tinh thần, bôi nhọ, bịa đặt thông tin, xâm hại quyền riêng tư của mỗi người. Đáng nói điều này xảy ra tràn lan, đến mức nhiều người coi đó là chuyện bình thường. Thậm chí, việc theo dõi những câu chuyện kịch tính này trở thành sở thích của một bộ phận người dùng mạng xã hội hiện nay.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến
việc người ta đưa nhau lên mạng xã hội để nói xấu, thóa mạ nhau, như mâu thuẫn,
bất đồng quan điểm trong xử lý các vấn đề, mâu thuẫn tình ái… Do không thể hoặc
chưa thể giải quyết thỏa đáng, chủ thể đã thu thập thông tin, hình ảnh, video
để đăng lên mạng xã hội, lôi kéo cộng đồng mạng bình luận và chia sẻ. Đáng nói,
các bài viết công kích cá nhân này thường nhận được lượt xem và bình luận rất
cao, thậm chí có những trang nhóm mạng xã hội để tập trung các bài viết nhằm
thu hút những người tò mò, hiếu kỳ.
Trong bối cảnh đó, các nền tảng
mạng xã hội chưa có nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng này. Dù quyền quyết
định giữ hay xóa bỏ các nội dung mang tính nhục mạ, xúc phạm và thù địch này
nằm trong tầm kiểm soát của họ.
Những người công kích, đấu tố trên mạng xã hội thường nhân danh chính
nghĩa với ly do để phản biện, đấu tranh với cái xấu, cái sai, sự bất công. Thế
nhưng, đâu là đúng, đâu là sai khó có thể phân định rõ ràng nếu chỉ căn cứ vào
câu từ, hình ảnh được cắt ghép không đầy đủ câu chuyện trên không gian mạng.
Chưa kể đến, câu chuyện chỉ hoàn toàn xuất phát từ những hiểu lầm, từ những
dòng chữ vô tình đến bình luận ác ý đã hủy hoại tinh thần, tâm lý của nạn nhân,
thậm chí khiến họ mất đi danh dự.
Nhìn từ góc độ cộng đồng, việc
tràn lan những bài viết theo hướng bôi nhọ, hạ nhục người khác trên không gian
mạng đang tạo ra tâm lý nguy hiểm. Đó là thay vì đối thoại, cùng tìm cách giải
quyết vấn đề, nhiều người sẽ ngay lập tức chọn cách tung mọi thứ lên mạng. Với
cách ứng xử đó, chúng ta sẽ cảnh giác, hoài nghi và phán xét mọi sự khác biệt,
không có môi trường cho sự khoan dung, nhường nhịn – yếu tố tạo nên một xã hội
nhân văn.
"Việc bóc phốt, lên án, bày
tỏ cáu giận trên mạng không phải cách giải quyết vấn đề, bởi cách giải quyết
hay nhất vẫn là đối thoại trực tiếp với nhau" – nhà văn Hoàng Anh Tú chia
sẻ - "Người Việt có câu hòn bấc ném qua, hòn chì ném lại. Những người đọc
câu chuyện không bao giờ hiểu được câu chuyện đó. Họ chỉ coi câu chuyện ấy như
mồi nhắm cho mình. Nó có thể bị bóp méo, được hiểu theo nhiều cách khác nhau và
gây tổn thương sâu sắc. Điều đó đương nhiên là cách giải quyết sai, đặc biệt
với người thân…".
Ở góc độ quản lý, có ba chủ thể
cần chung tay để nâng cao năng lực sử dụng mạng xã hội. Đó là nhà cung cấp nền
tảng mạng xã hội, hành lang pháp lý toàn diện, mạnh mẽ, có đủ tính răn đe và ý
thức của người dùng mạng. Tuy nhiên, cả ba trụ cột này chỉ phát huy được sức
mạnh nếu đối tượng chịu tác động trên mạng gắn với con người thật ngoài đời.
Nói cách khác, phải định danh chính xác được người dùng mạng xã hội. Bộ Thông
tin và Truyền thông đã đưa ra Dự thảo về việc định danh người dùng mạng xã hội,
để từng bước xây dựng môi trường mạng văn minh.
Còn về khía cạnh văn hóa, truyền
thống văn hóa ứng xử của người Việt là khoan dung. Không ai muốn sống trong một
xã hội mà luôn phải lo sợ một ngày nào đó, mình sẽ là đối tượng bị công kích,
mạt sát chỉ vì một hiểu lầm. Bởi không ai sống cả đời mà không mắc sai lầm./
Không ai muốn sống trong một xã hội mà luôn phải lo sợ một ngày nào đó, mình sẽ là đối tượng bị công kích, mạt sát chỉ vì một hiểu lầm
Trả lờiXóa