Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2023

Tái diễn luận điệu xuyên tạc nền báo chí cách mạng Việt Nam

 


Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ về tính cách mạng của báo chí Việt Nam: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ”. 98 năm qua, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, có những đóng góp lớn vào sự phát triển của đất nước.

 Lợi dụng dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị đã tung ra nhiều luận điệu sai trái, xuyên tạc đời sống báo chí tại Việt Nam. Vẫn những luận điệu cũ được rêu rao từ năm này qua năm khác, chúng “nhắm mắt nói liều” rằng “tự do báo chí tại Việt Nam bị chính quyền cấm cản”, “báo chí Việt Nam bị kiểm soát chặt”, “Việt Nam không có tự do báo chí”… Từ những thông tin sai lệch này, các đối tượng tự xưng “nhà dân chủ” đòi chính quyền phải thay đổi quy định về quản lý báo chí, “trả tự do cho báo chí”

Tại Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 nêu rõ quan điểm: “Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Những năm qua, cùng với sự bùng nổ của công nghệ truyền thông, nền báo chí nước ta cũng có sự phát triển nhanh chóng, góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam.

Tự do báo chí, tự do ngôn luận là quyền cơ bản của mỗi công dân. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 của nước ta ghi nhận rõ: “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Đồng thời, Luật Báo chí cũng nghiêm cấm các hành vi cản trở việc in, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí hợp pháp tới công chúng; đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Với hành lang pháp lý như trên, hoạt động báo chí ở nước ta đã có sự phát triển toàn diện.

Đặc biệt, trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, báo chí đã có những đóng góp vô cùng quan trọng, vừa góp phần phát hiện các vụ việc vi phạm, vừa đóng góp những ý kiến, giải pháp để hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng. Cùng các cơ quan báo chí trong nước, trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều cơ quan báo chí nước ngoài đã đặt văn phòng đại diện hoặc cử phóng viên thường trú tại Việt Nam. Ngoài ra, hiện có khoảng 57 kênh truyền hình nước ngoài được cung cấp trên dịch vụ truyền hình của Việt Nam. Rõ ràng, đời sống báo chí ở Việt Nam đang diễn ra hết sức sôi nổi.

Ở nước ta đang tồn tại, phát triển đầy đủ các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Về cơ bản, các cơ quan báo chí đã thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ XHCN, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong dòng chảy phát triển của khoa học, công nghệ, hoạt động báo chí ở nước ta cũng đang chuyển đổi theo hướng tích cực.

Với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí ngày càng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, làm tốt sứ mệnh thông tin, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả, ngày 06/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Điều này cho thấy rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với sự phát triển của báo chí.

Cùng với các cơ quan báo chí, mạng xã hội tại Việt Nam cũng phát triển vô cùng mạnh mẽ. Theo Báo cáo Digital tại Việt Nam 2023 được We are social đưa ra, tính đến đầu năm 2023, nước ta có 77.93 triệu người sử dụng Internet, chiếm khoảng 79.1% tổng dân số, tăng thêm 5.3 triệu người so với năm 2022. Số lượng người đang dùng mạng xã hội là khoảng 70 triệu người. Trong đó, 5 ứng dụng mạng xã hội phổ biến là Facebook (91.6%), Zalo (90.1%), TikTok (77.5%), Facebook Messenger (77%) và Instagram (55.4%). Thông qua mạng xã hội, mỗi người dùng đều dễ dàng đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội.

Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn được Đảng, Nhà nước tôn trọng vào bảo đảm. Đồng thời, việc thực hiện các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí phải tuân thủ nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Mọi trường hợp lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để tiến hành các hoạt động chống phá chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, xuyên tạc lịch sử, xúc phạm dân tộc, đe doạ đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; lợi dụng tự do báo chí để xúc phạm quyền, lợi ích  hợp pháp của cá nhân, tổ chức là vi phạm pháp luật và tùy mức độ, tính chất vi phạm mà bị xử lý chế tài tương ứng. Mọi hoạt động lợi dụng vỏ bọc báo chí để “bán nước cầu vinh”, chống phá nền hoà bình, ổn định của dân tộc đều phải bị lên án và xử lý nghiêm khắc.

Những thông tin sai trái về tình hình báo chí của Việt Nam được các đối tượng xấu đưa ra đang đi ngược lại thực tế, nằm trong mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam.


1 nhận xét:

  1. Phải xử thật nghiêm bọn phản động, nhất là những tên cầm đầu để răn đe kẻ khác

    Trả lờiXóa