Tình đồng
chí, đồng đội là tình cảm đặc biệt, gắn bó những người tuy có hoàn cảnh khác
nhau, nhưng có cùng lý tưởng, mục tiêu, giai cấp, đến bên nhau bằng tình yêu
thương, sự sẻ chia, để phấn đấu, hi sinh, chiến đấu vì lý tưởng chung. Và đương
nhiên, sức mạnh của tập thể sẽ tăng gấp bội nếu tình đồng chí, đồng đội được
thắt chặt và ngược lại, sẽ rất nguy hiểm nếu mối quan hệ ấy bị xem nhẹ, áp đặt
tiêu cực theo lối “bằng mặt nhưng không bằng lòng”.
Từ khi ngồi trên ghế nhà trường, ai
trong mỗi chúng ta đều được học tập, thấu hiểu về tình đồng chí, đồng đội qua
bài thơ “Đồng chí” của Nhà thơ Chính Hữu. Bài thơ là sự đúc kết từ thực tế sinh
động của tình đồng chí, đồng đội nói chung, tình đồng chí, đồng đội trong Quân
đội nhân dân Việt Nam nói riêng. Trong thực tiễn sinh động ấy, những người có
chung chí hướng, mục đích, lý tưởng cùng kề vai sát cánh; tuy không cùng quê
quán, khác xa nhau về tập quán, vùng, miền, nhưng coi nhau như ruột thịt, sẵn
sàng chia sẻ buồn vui, gian khổ, thậm chí hi sinh cả mạng sống để bảo vệ nhau.
Chính điều đó đã góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh vô địch của dân tộc ta
trong lịch sử dựng nước và giữ nước; để người người một lòng sẵn sàng chiến
đấu, hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì sự phát
triển phồn vinh của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta.
Bên
cạnh tình đồng chí, đồng đội keo sơn, gắn bó mà không áng thơ văn, thước phim
nào có thể diễn tả hết, chúng ta lại chợt buồn và đau xót, vì ngày nay, vẫn có
tập thể, cá nhân cán bộ, chiến sĩ ta, nhất là cán bộ trẻ, hạ sĩ quan, binh sĩ
vì một lý do nào đó đã xem nhẹ tình đồng chí, đồng đội, để rồi không gìn giữ
trọn vẹn lời thề “Đoàn kết chặt chẽ với nhau như ruột thịt, trên tình thương
yêu giai cấp, hết lòng giúp đỡ lẫn nhau lúc thường cũng như lúc ra trận...”. Mà
câu chuyện lẻ tẻ của sự mất đoàn kết; sự xô sát từ lời nói đến hành động đã gây
ra những tổn thương về tâm hồn, thể xác vẫn còn xảy ra.
Sinh
thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy cán bộ các cấp trong Quân đội: “Đối với binh sĩ,
thì lời ăn tiếng nói, niềm vui, nỗi buồn, quần áo, nhất nhất phải biết rõ và
hết sức chăm nom. Có đồng cam cộng khổ với binh sĩ thì khi dẫn họ đi đâu, dù
nguy hiểm mấy họ cũng vui lòng đi, khi bảo họ đánh, họ sẽ hăng hái đánh”. Và
Người khẳng định: “Cán bộ có coi đội viên như chân tay, đội viên mới coi cán bộ
như đầu như óc”. Người chỉ rõ: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng Tư lệnh trở
xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội
viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ
đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ
không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt.
Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng”. Nói như vậy để chúng ta thấy
rằng, vai trò của lãnh đạo, chỉ huy, hay nói chung là cán bộ là rất quan trọng
trong xây dựng mối đoàn kết thống nhất và xây dựng mỗi gắn bó keo sơn của đồng
chí, đồng đội với nhau.
Để
xây dựng mối đoàn kết thống nhất trên tình thương yêu giai cấp, tình đồng chí,
đồng đội, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải có những biện pháp tích cực, phù hợp,
hiệu quả trong giáo dục, bồi đắp lý tưởng cách mạng, lý tưởng sống cho cán bộ,
chiến sĩ, thông qua giáo dục truyền thống, kết hợp với tập trung xây dựng môi
trường sống nhân văn, lành mạnh, có tính kỷ luật cao trong đơn vị. Trong đó,
việc thực hiện hiệu quả “3 cùng, 5 nắm” trong quản lý bộ đội và “5 chủ
động” trong quản lý tư tưởng bộ đội; duy trì nghiêm chế độ ngày, tuần là biện
pháp căn cốt, hàng đầu.
Đối
với cán bộ các cấp, ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải thực sự là hạt nhân
đoàn kết; phải thực sự là tấm gương trong phát huy truyền thống, sống có tình
thương, giữ vững kỷ cương, đề cao trách nhiệm để xây dựng tình đồng chí, đồng
đội. Song song với đó, cần giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tôn trọng
quyền và nghĩa vụ của quân nhân; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, chống mọi
biểu hiện độc đoán, gia trưởng, quy chụp, áp đặt ý kiến cá nhân, thành kiến,
trù dập hoặc e dè nể nang, thiếu trung thực, không dám đấu tranh với những nhận
thức và hành động sai trái không chỉ trong sinh hoạt đảng, đoàn và các tổ chức
quần chúng khác mà cả trong đời sống thường nhật.
Bên
cạnh việc không ngừng tăng cường các biện pháp dự báo, phân tích, đánh giá,
giải quyết để quản lý chặt chẽ tình hình tư tưởng của bộ đội, cũng cần phải
thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, nhạy bén phát hiện và kịp thời báo cáo
theo phân cấp, xử lý thỏa đáng, triệt để những nảy sinh về tư tưởng, tạo sự
chuyển biến mạnh mẽ ở từng đơn vị.
Tình
đồng chí, đồng đội không tự nhiên sinh ra, chẳng tự nhiên mất đi; vậy nên, để
xây dựng mối tình cảm thiêng liêng ngày càng keo sơn, gắn bó, mỗi cá nhân cần
xác định rõ, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mình để ứng xử,
giải quyết các mối quan hệ cho thấu đáo, có lý, hợp tình, góp phần tạo thành
lũy tư tưởng, mối đoàn kết thống nhất vững chắc; cùng nhau vượt qua khó khăn,
gian khổ, thách thức, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao./.
bài rất ý nghĩa
Trả lờiXóa