Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

ĐẨY MẠNH THƯƠNG MẠI HÓA KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

 Xác định việc đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu là đòn bẩy để nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thời gian qua, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Việt Nam đã chủ động khuyến khích và hỗ trợ các đơn vị, nhà khoa học tiến hành nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có khả năng áp dụng vào thực tiễn và có bảo hộ sở hữu trí tuệ đã được doanh nghiệp quan tâm đón nhận.

PGS, TS Phan Tiến Dũng, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, cho biết: Hiện nay, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam là một trong những đơn vị có số lượng đăng ký sáng chế và trở thành chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích nhiều nhất cả nước.
Tính riêng năm 2021, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam đã được cấp 63 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích, chiếm 1/3 tổng số bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích của người Việt Nam, khoảng 60% tổng số bằng độc quyền sáng chế của các trường đại học và viện nghiên cứu trong cả nước. Với số lượng bằng độc quyền sáng chế nhiều như vậy, những năm vừa qua, Viện đã tích cực hợp tác với các doanh nghiệp nhằm đưa nhanh các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn.
Đơn cử như mới đây, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam đã tổ chức Lễ ký kết chuyển giao Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2558 “Quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh tạo màng sinh học trên than sinh học để xử lý ô nhiễm xăng, dầu” giữa Viện Công nghệ sinh học (thuộc Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) và Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Mặt trời đỏ.
TS Lê Thị Nhi Công, Viện Công nghệ sinh học, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, chia sẻ: Từ năm 2018, Viện Công nghệ sinh học đã bắt đầu nghiên cứu chế phẩm sinh học xử lý ô nhiễm xăng, dầu từ ứng dụng vi sinh vật tạo màng sinh học trên than sinh học. Than sinh học được tận dụng từ phế, phụ phẩm nông nghiệp, như: Rơm rạ, vỏ trấu, thân cây ngô, bã mía... Thay vì đem đốt gây ô nhiễm khói bụi và hiệu ứng khí nhà kính thì các phế, phụ phẩm này được tận dụng làm than sinh học kết hợp với vi sinh vật để tạo ra chế phẩm xử lý ô nhiễm xăng, dầu. Chế phẩm này có ưu điểm là dễ sử dụng, hiệu quả xử lý dầu tốt, giá thành thấp, bảo quản được lâu và thân thiện với môi trường. Đến năm 2020, chế phẩm sinh học đã hoàn thiện và được thử nghiệm tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như: Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa...
PGS, TS Phí Quyết Tiến, Phó viện trưởng Viện Công nghệ sinh học cho biết, lễ ký kết là một sự kiện ý nghĩa, đáng khích lệ, giúp thúc đẩy việc hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp. Sự kiện này khẳng định kết quả nghiên cứu khoa học phù hợp với nhu cầu thực tiễn, sau khi chuyển giao cho doanh nghiệp sẽ tiếp tục được đầu tư để đưa vào ứng dụng trong thực tế mang lại lợi ích cho các bên và xã hội, tạo động lực cho các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu.
Thời gian tới, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam sẽ tiếp tục khuyến khích và tạo lập một môi trường làm việc tốt hơn cho các nhà khoa học. Trong đó, nhà khoa học có thể sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để bảo đảm kết quả nghiên cứu của mình một cách tốt nhất, đồng thời nâng cao giá trị lao động, tạo tiền đề thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, hỗ trợ phát triển kinh tế. Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam cũng đề nghị Nhà nước đơn giản hóa các thủ tục về chuyển giao công nghệ để đẩy nhanh hơn việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học từ viện, trường cho doanh nghiệp./.
Báo QĐND

1 nhận xét: