Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2023

CHẾ ĐỘ MỘT ĐẢNG LÃNH ĐẠO KHÔNG CẢN TRỞ DÂN CHỦ VÀ PHÁT TRIỂN, LỊCH SỬ ĐÃ CHỌN ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM GIỮ VAI TRÒ LÃNH ĐẠO



Thời gian qua, lợi dụng môi trường internet và truyền thông xã hội, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cho rằng, “Đảng Cộng sản Việt Nam chiếm quyền của dân, vi phạm dân chủ, nhân quyền”; “Đảng không nên giữ vai trò lãnh đạo, không nên và không thể lãnh đạo tuyệt đối”; “phải đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập thì đất nước mới phát triển”...

Thông qua những quan điểm, luận điểm này, chúng đã bộc lộ dã tâm, mưu đồ đen tối là xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi Đảng ta phải thoái lui, thực hiện “đa nguyên, đa đảng”, từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội để đưa đất nước theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản; từ đó gây tâm lý hoài nghi, dao động, giảm sút niềm tin trong nhân dân, đặc biệt là niềm tin vào vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đây là những quan điểm, luận điểm hết sức phản động, sai lầm, phi khoa học, không có cơ sở cả về lý luận và thực tiễn, chứa đựng nhiều mâu thuẫn trong phân tích, đánh giá; nhiều nhận xét là chủ quan, vô căn cứ.

Đây là một loại luận điệu hết sức nguy hiểm bởi nó cố tình đánh đồng giữa vấn đề đa nguyên, đa đảng với dân chủ và phát triển. Thực chất những luận điệu này là gì nếu không phải là muốn đa nguyên, đa đảng, chia quyền lãnh đạo dẫn tới tiếm quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Mục đích của chúng là phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam.

Đảng là tổ chức chính trị của giai cấp, mang tính chất giai cấp, là sự liên kết tự nguyện của những người cùng chí hướng và cùng quyền lợi. Bản chất của đảng chính trị chính là bản chất giai cấp mà nó đại diện.

Trong xã hội có phân chia giai cấp, mỗi giai cấp khác nhau có đảng khác nhau, thậm chí trong cùng một giai cấp cũng có thể có nhiều đảng khác nhau. Những đảng của cùng một giai cấp sẽ có cùng bản chất của giai cấp, có lợi ích gắn liền với giai cấp sinh ra nó, chúng chỉ khác nhau về hình thức tổ chức, phương thức hoạt động và những mục tiêu cụ thể mà không đối lập về bản chất. Những đảng của các giai cấp khác nhau hoặc đối lập nhau thì không chỉ khác nhau về tôn chỉ, mục đích, phương cách hoạt động, nguyên tắc tổ chức mà còn đối lập về bản chất của đảng. Như vậy, sự đa đảng cũng có nhiều sắc thái khác nhau. Có hiện tượng đa đảng nhưng vẫn nhất nguyên chính trị, có hiện tượng đa đảng đồng thời là đa nguyên chính trị.

Về vấn đề một đảng thì mất dân chủ, cản trở sự phát triển, còn đa đảng đồng nghĩa với dân chủ, phát triển, cho đến hiện nay, vẫn chưa có cơ sở khoa học nào chứng tỏ được điều này. Thực tiễn cho thấy, dân chủ và sự phát triển của một nước không tỷ lệ thuận với số lượng các đảng mà nước đó có. Có nước một đảng vẫn bảo đảm dân chủ và phát triển; có nước nhiều đảng vẫn kém phát triển, vẫn mất dân chủ. Vấn đề thuộc về bản chất của các đảng, lợi ích xã hội mà nó đại diện, bảo vệ; uy tín và năng lực tập hợp, liên kết, lãnh đạo các lực lượng xã hội cùng thực hiện mục tiêu chung của quốc gia-dân tộc. Nếu một đảng chỉ phục vụ cho lợi ích riêng của đảng mình, giai cấp mình thì đảng đó khó có thể được các giai tầng khác chấp thuận làm lực lượng lãnh đạo xã hội, lãnh đạo đất nước. Một đảng đại diện cho lợi ích của giai cấp, của nhân dân và dân tộc, vì dân, vì nước mà hành động, chắc chắn sẽ được nhân dân suy tôn, ủy thác làm lãnh đạo.

Trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, có hai khả năng phải tính đến: Thứ nhất, một đảng cầm quyền có lợi ích riêng thì đa đảng trong hệ thống chính trị là cần thiết. Trong trường hợp này, nếu chỉ có một đảng là độc tài. Thứ hai, một đảng không có lợi ích riêng khi cầm quyền, cầm quyền vì lợi ích chung thì đa đảng dễ gây bè phái, phân tán.

Những thành tựu của gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo. Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam./.

 

1 nhận xét:

  1. Người dân Việt Nam cần nâng cao cảnh giác với các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch; đồng thời tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn hiểm độc, tinh vi của chúng.

    Trả lờiXóa