Thứ Ba, 18 tháng 7, 2023

Đấu tranh với âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La

Sơn La là một tỉnh miền núi, nằm ở phía Tây Bắc Tổ quốc, là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống hoà hợp với nhau như Thái, Mông, Kinh, Dao, Khơ Mú, Xinh Mun… Cũng như các dân tộc khác ở Tây Bắc, phần lớn các dân tộc ở Sơn La theo tín ngưỡng dân gian thờ cúng tổ tiên, tôn thờ thần sông, thần núi, thần mặt trời, thần mưa… mang đậm sắc thái văn hoá người Việt. Các đặc điểm về tự nhiên, điều kiện kinh tế xã hội, đặc điểm dân cư, dân tộc và tôn giáo,… ở Sơn La có những yếu tố thuận lợi đan xen khó khăn đã tác động trực tiếp tới quá trình xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc ở Sơn La hiện nay, đặc biệt nhiều yếu tố bên ngoài đã tác động hai mặt đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa bàn. Ở Sơn La có 03 tôn giáo lớn đang hoạt động song song với nhau và được chính quyền công nhận gồm Công giáo, Phật giáo và Tin lành. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động chống phá trong và ngoài nước thường lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Sơn La. Một số thủ đoạn chúng thường che đậy, bao bọc một cách tinh vi, làm cho người ta tin và nghe theo có thể kể đến như sau: – Sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do”, nhất là tự do tín ngưỡng tôn giáo, dân tộc: Với sự hậu thuẫn, tài trợ từ bên ngoài, lực lượng phản động, chống phá trong nước được cài cắm vào vùng đồng bào DTTS, hoạt động theo hướng tăng cường tuyên truyền, kích động tư tưởng ly khai, tự trị, thành lập “Vương quốc Mông”, lợi dụng đạo Tin lành nhằm lôi kéo, khống chế quần chúng, tín đồ cuồng tín, mê tín dị đoan thực hiện ý đồ xấu. Mục đích chính của chúng là làm mơ hồ về nhận thức, trí tuệ của đồng bào dân tộc về tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, thúc đẩy sự biến động xã hội dẫn đến bạo loạn, lật độ tại các vùng đồng bào DTTS trước tiên. – Xoáy sâu vào những khó khăn trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc ở Sơn La hoặc thiếu sót trong việc thực hiện đường lối, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước: Trong những năm qua, Nhà nước ta đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống đối với các vùng DTTS và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, sự khó khăn, phát triển chậm và thoát nghèo không bền vững, gia tăng khoảng cách giàu nghèo đã tạo cớ cho các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị nhảy vào chê bai, xuyên tạc, bóp méo chủ trương, chính sách của Đảng đối với vùng đồng bào DTTS. Chúng cho rằng, Nhà nước không tạo điều kiện cho đồng bào DTTS được tham gia vào hoạt động chính trị, có sự ưu tiên trong đầu tư phát triển kinh tế – xã hội và chăm lo cho đời sống đồng bào người Kinh và đồng bào DTTS… nhằm gây hoang mang, khơi dậy sự hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Bên cạnh đó, lợi dụng sự khó khăn trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân, các thế lực thù địch, phản động, đối tượng xấu truyền bá các tà đạo nhằm “ru ngủ” đồng bào với những giáo lý, luận điệu xảo trá như đạo “Bà cô Dợ”, “Hội thánh đức chúa trời mẹ”, “Dương Văn Mình”, “Giê Sùa”, “Thanh Hải Vô thượng sư”… – Tập trung tuyên truyền, móc nối với số là người có uy tín, già làng, trưởng bản trong DTTS: Nhằm tạo dựng “ngọn cờ” tập hợp lực lượng, lôi kéo, phát triển lực lượng trong giới trẻ đặc biệt là số học sinh sinh viên người DTTS, số cốt cán, cầm đầu các tà đạo, đặc biệt là số biết sử dụng công nghệ thông tin… nhằm hỗ trợ đắc lực cho việc trao đổi thông tin, phát tán tài liệu, tập hợp lực lượng trên không gian mạng nhằm phục vụ âm mưu, hoạt động chống phá khối đại đoàn kết dân tộc. Để giữ vững và phát huy các thành quả đã đạt được, đấu tranh tích cực, có hiệu quả với các âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động, chống đối; bảo vệ thành quả cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc tỉnh Sơn La, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trong thời gian tới, cần triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Một là, củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở trong vùng đồng bào dân tộc. Tăng cường xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị trong sách, vững mạnh từ tỉnh xuống cơ sở. Chú trọng công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ người dân tộc, cán bộ công tác tại vùng sâu, vùng xa. Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính quyền các cấp; đổi mới công tác dân vận, đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ thiết thực, hiệu quả gắn với phong trào thi đua yêu nước. Hai là, phát triển kinh tế – xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030[1]. Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, phát triển đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân tại các điểm tái định cư thuỷ điện Sơn La trên địa bàn tỉnh. Phát triển hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, năng lượng, viễn thông, giáo dục, y tế… Tiếp tục xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá các dân tộc Sơn La và vùng Tây Bắc, xây dựng con người phát triển toàn diện. Nâng cao đời sống văn hoá, thực hiện chính sách dân tộc đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, tôn trọn, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc để cùng tiến bộ, chống lại âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch. Ba là, cần tập trung giải quyết dứt điểm các tranh chấp, mâu thuẫn, khiếu kiện kéo dài, đặc biệt là khiếu kiện liên quan đến các khu tái định cư thuỷ điện, khiếu kiện đất đai trong đồng bào DTTS, không để mâu thuẫn kéo dài, hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự. Tôn trọng nhu cầu hoạt động tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào các dân tộc và chống lại âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch. Thường xuyên nắm chắc tình hình hoạt động của các tôn giáo, tạo điều kiện cho các chức sắc, tín đồ hoạt động tôn giáo bình thường theo khuôn khổ pháp luật. Đối với các đạo mới, đạo lạ, “tín ngưỡng, tôn giáo mới” hình thành và phát triển cần tập trung làm rõ bản chất, cơ cấu tổ chức, mối liên hệ kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các tà đạo, hiện tượng tín ngưỡng tôn giáo tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự… Để xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc tỉnh Sơn La, cần quán triệt, thực hiện có hiệu quả, đồng bộ nhiều biện pháp cụ thể. Thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ góp phần củng cố hơn nữa tình đoàn kết giữa các DTTS ở Sơn La, góp phần tạo nên sức mạnh của tỉnh nói riêng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung trong thực hiện nhiệm vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới./.

1 nhận xét:

  1. Chúng ta phải nhận diện được âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, chỉ rõ những phương thức chống phá của chúng; đồng thời nâng cao sức đề kháng cho cán bộ đảng viên và người dân để chống lại luận điệu xuyên tạc của chúng.

    Trả lờiXóa