Sóc Sơn, mảnh đất của những câu chuyện mang đầy chất huyền thoại nhưng rất “tình đất, tình người”. Cũng chính nơi này, câu chuyện về một nữ du kích gan dạ đã được nhà thơ Vũ Cao khắc họa thành hình tượng nghệ thuật, đã làm rung động hàng triệu con tim. Người con gái đó chính là nữ Liệt sĩ Trần Thị Bắc (nhân vật nguyên mẫu trong bài thơ “Núi Đôi” của Vũ Cao) mà dòng tên em đã khắc vào vách núi…
Trần Thị Bắc sinh năm 1932 tại thôn Xuân Dục Đoài, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn – TP. Hà Nội (sau hòa bình, Xuân Dục Đoài thuộc xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn). Từ đỉnh núi Sóc, nhìn về quê hương cô đẹp như bức tranh họa đồ với những con ngòi nhỏ uốn lượn chảy qua, ở giữa cánh đồng lúa chín vàng óng ả mọc lên hai ngọn núi xanh biếc, có hình thù kích thước giống hệt nhau, khiến cho mọi người đều có chung cảm nhận, đó là một cặp núi sinh đôi.
Núi Đôi vốn là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, do địa hình nằm ở giữa hai vùng có những con đường huyết mạch chạy qua như quốc lộ 3 (Hà Nội – Thái Nguyên), đường 131, nối liền tỉnh Vĩnh Phúc qua sông Cầu tới Bắc Giang… nên khu vực Núi Đôi bao gồm các xã: Phù Linh, Tiên Dược, Tân Minh của huyện Sóc Sơn đã trở thành một đầu mối rất quan trọng, ví như một “mắt xích” nối liền giữa Chiến khu Việt Bắc với Thủ đô Hà Nội; giữa các tỉnh đồng bằng, trung du và miền ngược… Vì thế, nơi đây thường diễn ra các cuộc giằng co hết sức quyết liệt giữa ta và địch. Cũng tại nơi đây, nhiều cơ sở cách mạng đã được nhen lên từ phong trào quần chúng và là nơi nuôi giấu cán bộ Việt minh hoạt động trong vùng địch hậu. Chỉ trong phạm vi bán kính chưa đầy 3 cây số, bọn lính Pháp và ngụy quyền đã dựng lên gần 20 đồn, bốt kiên cố, riêng ở Núi Đôi có tới hàng chục bốt lớn, nhỏ. Và ngay trên mảnh đất Phù Linh, quân địch đã lập ra “vành đai trắng” nhằm bao vây, chia cắt, cô lập và tiêu diệt các cơ sở cách mạng của ta.
Vốn sinh trưởng trong một gia đình có bố làm xã đội phó, cậu là xã đội trưởng, các bác, các chú đều là cán bộ Việt minh và bộ đội nên Trần Thị Bắc đã sớm có ý thức giác ngộ cách mạng, nhất là cô được tận mắt chứng kiến bao cảnh càn quét, cướp bóc, đốt phá, bắn giết hết sức dã man của bọn lính Pháp và ngụy quân ngay ở tại quê mình. Năm 1947, lúc đó mới 15 tuổi, nhưng Trần Thị Bắc đã rất tích cực tham gia hoạt động trong các phong trào đoàn thể thanh, thiếu niên. Cuối năm 1949, cô xin gia nhập đội du kích, làm nhiệm vụ giao thông liên lạc, tiếp tế và trực tiếp tham gia chống càn, bảo vệ nhân dân trong lúc tản cư. Sau đó cô được cử ra vùng tự do để theo học lớp y tá. Cũng trong thời gian này, Trần Thị Bắc gặp anh bộ đội Trịnh Khanh, thuộc đại đội Trần Văn Tuấn (là nhân vật “anh đi bộ đội sao trên mũ…” trong bài thơ “Núi Đôi” của Vũ Cao). Sau vài lần gặp gỡ, hẹn hò, họ mới biết rằng cả hai đều là người cùng xã. Chàng trai ở thôn Vệ Linh (dưới chân Núi Sóc), còn cô gái ở thôn Xuân Dục Đoài (dưới chân Núi Đôi). Tình yêu quê hương, đất nước và lòng căm thù giặc sâu sắc đã giúp họ cùng chung một chí hướng cách mạng, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà đơn vị và đoàn thể giao phó .
Cụ Nguyễn Thị Thân, trên 90 tuổi, là thím ruột của Trần Thị Bắc ở thôn Xuân Dục Đoài kể lại: Cô Bắc là con gái cả trong gia đình, nên sớm biết lo toan công việc, giúp đỡ bố mẹ. Cô vừa nhanh nhẹn tháo vát, lại đẹp người, đẹp nết nên đi đâu hay làm việc gì cũng đều trót lọt. Có một lần, bà Nguyễn Thị Tèo (mẹ của Bắc) bỗng dưng thấy cô sắm đôi quang mới, bà hỏi: “Thế con sắm quang thúng để làm gì…?”. Bắc tươi cười hồn nhiên và nói với mẹ: “Con tập đi buôn đấy mẹ ạ!”. Ai ngờ, chính đôi quang gánh đi buôn ấy vừa là để che mắt địch và cũng là nơi cất giấu tài liệu của cô du kích.
Cũng từ năm 1951, người ta thường thấy ở thôn Đoài có một cô gái trẻ hòa lẫn vào dòng người đi buôn bán ở khắp mọi nơi. Với đôi quang thúng trên vai, cô đi khắp các hang cùng ngõ hẻm. Lúc thì ở trong vùng địch tạm chiếm, khi lại ra vùng tự do. Lúc bán muối, khi bán vải, bán rau… những lần mua bán hàng hóa ấy, chính là lúc cô đang dò la, thu thập tình hình một cách có hiệu quả nhất để kịp thời chuyển những tin tức quan trọng ra vùng tự do. Bọn lính Tây và lính ngụy trong đồn đều quá quen thuộc cô, nên không hề có chút nghi ngờ, ngược lại chúng còn rất quý mến cô. Có những tên chỉ huy khi vào làng càn quét đã tìm đến nhà Trần Thị Bắc và có ý ngỏ lời muốn lấy cô làm vợ bé. Lợi dụng tình thế và cơ hội “ngàn năm có một” ấy, Trần Thị Bắc đã rất linh hoạt, chuyển ngay sang hình thức làm công tác binh, địch vận đối với những tên này. Bằng những lời lẽ khôn khéo đầy tính thuyết phục của mình, Trần Thị Bắc đã thành công trong việc vận động một người cai trong hàng ngũ lính ngụy và một lính Pháp tự động mang súng ra đầu hàng cách mạng. Nhờ có những thông tin rất quan trọng do Trần Thị Bắc cung cấp, mà một số cơ sở của ta không bị lộ. Đặc biệt là tránh được những tổn thất to lớn đối với số cán bộ của ta đang hoạt động ở trong vùng địch hậu.
Đầu năm 1954, thực dân Pháp tăng cường phòng thủ ở Điện Biên Phủ, đồng thời đánh phá quyết liệt, nhằm ngăn chặn chi viện của ta cho chiến trường Điện Biên. Để trấn an tinh thần cho bọn lính Pháp và ngụy quân ở phía sau, chúng ráo riết tổ chức các cuộc vây bắt, lùng sục ở khắp mọi nơi. Vào thời điểm này, Trần Thị Bắc cùng một lúc nhận được hai quyết định của trên: một là về tỉnh để tiếp tục đi học lớp y tá; hai là về làm công tác quân báo tại Huyện đội Đa Phúc (nay là Sóc Sơn) với lý do, khả năng cô đã bị lộ, nên cấp trên có ý định chuyển vị trí công tác của cô. Ông Lê Văn Túc, cán bộ cách mạng thôn Xuân Dục Đoài, xã Phù Linh và là tổ trưởng quân báo của huyện Đa Phúc lúc đó kể lại trận chiến đấu cuối cùng của nữ du kích Trần Thị Bắc:
… Hôm đó là ngày 16-3-1954 (sau 3 ngày quân ta mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ). Vào lúc 10 giờ đêm, sau khi đã bố trí xong lực lượng chuẩn bị cho trận mai phục quân địch ở chùa Táo, Trần Thị Bắc nhận nhiệm vụ đưa đoàn cán bộ khoảng 30 người từ vùng địch hậu Lương Châu ra “vành đai trắng” Phù Linh. Cô đi trước thăm dò, vừa đến chân Núi Đôi, không may rơi vào ổ phục kích của địch. Chúng bắt và bịt miệng cô lại với mưu đồ phục, chờ để bắt sống toàn bộ số người đi sau. Quyết không để cán bộ của ta rơi vào tay giặc. Biết được âm mưu nham hiểm của địch, Bắc đã chống cự quyết liệt. Bất thình lình cô lao vào tên quan Pháp và túm ngay vào chỗ hiểm, dùng hết sức mình bóp chặt lấy hạ bộ của hắn. Bị đòn đau bất ngờ, quên cả việc lớn, tên quan Pháp kêu rống lên như con bò bị chọc tiết. Một tên lính lê dương đứng cạnh đó vội lôi Bắc ra và dùng súng xả trọn một băng vào ngực cô. Thấy động, đoàn cán bộ của ta đã rút lui an toàn tuyệt đối. Còn Trần Thị Bắc đã anh dũng hy sinh, máu chảy loang đỏ và se đọng lại trên vầng ngực tròn căng của cô. Những viên đạn tàn ác của kẻ thù vẫn còn găm nguyên ở đó. Từ trên Núi Đôi, quân địch dùng súng moóc-chi-ê bắn vòng quanh xác Trần Thị Bắc; bất chấp nguy hiểm, anh em trong đội du kích đã vượt qua vòng vây lửa đạn của địch vào đưa thi thể của cô tới nơi Cầu Cốn – Vệ Sơn để làm lễ truy điệu và mai táng cô tại đó trong lòng tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng đội và bà con xã Phù Linh.
Chuyện về người con gái Núi Đôi cách đây đã hơn một nửa thế kỷ, nhưng giờ đây vẫn luôn tỏa sáng về phẩm chất “Anh hùng – bất khuất – trung hậu – đảm đang” của người phụ nữ Việt Nam. Trần Thị Bắc là một trong những tấm gương tiêu biểu biết hy sinh quên mình vì nền độc lập, tự do của dân tộc khi cô vừa mới bước vào độ tuổi 20.
(Chân dung Liệt sỹ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Bắc (1932-1954)
phụ nữ Việt Nam rất anh hùng
Trả lờiXóa