Thứ Tư, 5 tháng 7, 2023

CÙNG ĐỌC VÀ SUY NGẪM: CÂU CHUYỆN "ĐỒNG HƯƠNG TRONG SÁNG, ĐỒNG CHÍ BỀN LÂU"!

         Tôi một cựu binh 60 tuổi, 40 năm quân ngũ mới về hưu xin được kể với các bạn lính trẻ một vài kỷ niệm thời mới nhập ngũ chung quanh chuyện đồng hương!

Năm 1981, vừa tốt nghiệp phổ thông, như bao chàng trai khác, tôi vào bộ đội. Sau 3 tháng huấn luyện, tôi và một bạn cùng làng được điều về đơn vị trực tiếp chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Đúng vào thời kỳ đất nước đang ở giai đoạn khó khăn nhất, chiến tranh lại căng thẳng nên cuộc sống của những người lính chúng tôi gặp muôn vàn gian nan, vất vả. Không sợ hy sinh. Nhưng đang là thanh niên tuổi ăn tuổi ngủ, vừa là học sinh nay phải gác chốt dưới trời nắng như đổ lửa, rét thì thấu xương. Mỗi khi vận động lên tới chốt đã vã mồ hôi, còn phải làm nhiệm vụ... Đói và khát. Và nhớ nhà, nhớ quê. Cồn cào!!!

Rất may, trong tiểu đội, tôi có bạn đồng hương, đồng niên, đồng môn nay là đồng ngũ. Càng xa quê tình đồng hương càng quý. Càng lúc gian nan, tình làng nghĩa xóm càng vô ngần yêu mến. Hai đứa tôi, chuyện gì cũng kể với nhau, ăn gì cũng nhường nhau, kể cả ngụm nước uống, tất nhiên việc gì cũng giúp nhau. Trong tiểu đội tránh sao khỏi những cuộc tranh cãi, hai đứa tôi ủng hộ và bênh nhau ra mặt. Thật đúng là hơn anh em ruột! Một lần, nhờ giành thành tích cao, bạn tôi được thưởng phép. Khỏi phải nói hai đứa vui mừng như thế nào. Nó về cũng chẳng khác gì tôi về. Tôi còn bảo nó sang nhà lấy bản chính giấy khai sinh để bên quân lực đối chiếu (chắc có sai sót, nhầm lẫn gì đó!). Khi nó lên kể chuyện quê, nhận quà bố mẹ, anh em gửi, tôi cảm thấy ấm lòng như vừa được về nhà vậy!

Nhưng chúng tôi càng thân thiết thì càng cảm thấy sự xa lánh của các anh em khác trong đơn vị. Hình như họ ghen với chúng tôi (?!). Hình như có sự kỳ thị... Một tối, tiểu đội trưởng gọi riêng hai đứa ra nói chuyện, đại ý anh nói tình đồng hương là thiêng liêng, rất quý nhưng hai em nên nhớ trong tiểu đội cũng như trong một nhà, ai cũng như ai. Các em chỉ sống bằng tình đồng hương, tự nhiên sẽ tạo ra khoảng cách với người khác...!!!

Trời ơi! Thế mà chúng tôi không nghĩ ra. Đã thế lại còn coi đó là niềm tự hào. Thì ra sự hãnh diện cỏn con và niềm tự hào cá nhân ích kỷ đôi khi vô tình làm tổn thương, làm rạn nứt những mối quan hệ tốt đẹp khác. Sau này va chạm nhiều, được học hành nhiều, tôi càng cảm ơn vô cùng người tiểu đội trưởng đầu tiên ấy!

“Đồng hương” có nghĩa là những người cùng làng (đồng nghĩa là cùng; hương nghĩa là làng. Từ “hương ước” theo nghĩa này, để chỉ luật lệ, quy tắc của làng xã cổ truyền). Về sau người ta hiểu “hương” theo nghĩa rộng, cùng tỉnh cũng là “đồng hương”. Mặt tích cực của “đồng hương”, như chuyện của tôi thì đáng quý vô cùng. Ai cũng vậy, ở nơi xa xôi, người cùng làng gặp nhau, được nghe cái thổ ngữ quen thuộc từ tấm bé, được nghe kể về sự thay đổi của quê mình, được động viên, chia sẻ, được khuyến khích, giúp đỡ, được đến thăm nhau hàn huyên về những dự định tốt đẹp cho cá nhân, cho quê hương... Thật như được trở về nhà vậy!

Tư duy làng xã luôn có hai mặt tích cực và tiêu cực. Quan hệ đồng hương cũng vậy. Như chuyện của tôi ở trên, chỉ vì mình thiếu tế nhị, có phần cực đoan mà đã xuất hiện dấu hiệu ban đầu của sự thiếu đoàn kết, gắn bó trong đơn vị. Chưa nói tới có người còn lợi dụng tình đồng hương để làm những việc cá nhân, thiếu đứng đắn, tư lợi, cục bộ... Lại xin kể tiếp câu chuyện thời trước...

Sau thời hạn hoàn thành nhiệm vụ giữ chốt, tiểu đội tôi được lệnh rút về phía sau ổn định tình hình để nhận nhiệm vụ mới. Hẳn nhiên chúng tôi đỡ vất hơn, thư thái hơn. Nhiều đứa có tâm lý muốn “sổ lồng”. Trong đơn vị, có cậu X cùng huyện với tiểu đội trưởng. Tuy khác xã nhưng gần nhà nên cả hai đều biết làng quê nhau khá cụ thể. Tiểu đội trưởng rất nghiêm nên không thấy ai phàn nàn chuyện “ưu ái” đồng hương cả. Hôm ấy cậu X xin phép được ra phố tìm hiểu với lý do trước đó bố cũng là bộ đội đóng quân ở đó, nay muốn ra xem tình hình thế nào. Nằn nì mãi tiểu đội trưởng cũng xiêu lòng đồng ý cho đi trong thời hạn hai tiếng cùng với một đồng chí khác... Nhưng chẳng ai học hết chữ “ngờ”! Một tiếng sau đại đội báo động kiểm tra quân số... Tất nhiên tiểu đội trưởng bị kỷ luật. Anh phải chuyển sang đơn vị khác... Cả tiểu đội ngẩn ngơ, tiếc thành tích cả năm giời đổ xuống sông xuống biển. Tiếc một người anh giỏi giang, tốt tính, nghiêm túc, một phút sai lầm mà có khi lỡ cả sự nghiệp...

Có thể khi người tiểu đội trưởng đồng ý thì vừa có phần “cả nể” cậu X có bố cũng là bộ đội, vừa ít nhiều có phần “thông cảm” tình “đồng hương”. Nhưng rõ ràng anh đã vi phạm điều lệnh... Cái hối hận của X, theo cậu ấy sau này kể lại, thì day dứt suốt cuộc đời!!!

Càng trưởng thành tôi càng ngẫm sâu hơn về “đồng hương”. Mặt trái dễ nhận ra là làm sống dậy cái tâm lý tiểu nông làng xã ngàn xưa. Do sinh sống và canh tác trên mảnh đất của văn minh nông nghiệp lúa nước nên cái làng là một pháo đài được vây kín bởi lũy tre như một vương quốc thu nhỏ. Người dân quen lệ làng hơn là phép nước (“phép vua thua lệ làng”). Trong lũy tre ấy, người ta quan hệ với nhau trước là theo tôn ti trật tự dòng tộc, sau nữa mới là “trong làng ngoài xã”... Ngày hôm nay, cái lối sống ấy tản ra nhiều không gian khác nhau. Vẫn còn tàn dư một nếp xưa cũ với “một người làm quan cả họ được nhờ”. “Thứ nhất quan hệ...”, thì một sự “móc nối quan hệ” là bằng con đường “đồng hương”. Ai cũng đều có một quê hương, có một cái làng của mình. Rất có thể khi một vị “quan” về làng sẽ được nhận thêm bao mối “quan hệ đồng hương”! Thế là cũng rất có thể sẽ dần xuất hiện căn bệnh cục bộ, địa phương, bè phái...

Đồng hương là đáng quý, là thiêng liêng. Vấn đề cơ bản là hướng sự quý báu, thiêng liêng ấy đi đúng vào quỹ đạo của sự giúp đỡ nhau một cách vô tư, hài hòa với lợi ích chung của cơ quan, tập thể, rộng hơn là đất nước./.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét