Trong 4 năm, trên hành trình cả vạn cây số tìm kiếm, xác minh danh tính liệt sĩ để “trả lại tên cho anh”, Đại tá Vũ Doãn Tùng cùng đồng đội trong Ban liên lạc cựu chiến binh (BLL CCB) Trung đoàn 1, Quân khu 9 ở Hà Nội đã xác minh được danh tính 45 đồng chí để địa phương và gia đình ghi đúng tên trên bia mộ các liệt sĩ.
Hằng năm, các CCB Trung đoàn 1, Quân khu 9 ở Hà Nội gặp nhau và làm giỗ cho những đồng chí đã chiến đấu dũng cảm, hy sinh oanh liệt trong trận đánh Chi khu quân sự Ba Càng (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) vào ngày 12-4-1975. Trong số các đồng chí hy sinh được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ ở địa phương, trên bia mộ ghi “liệt sĩ chưa biết tên”. Điều đó khiến các CCB Trung đoàn 1 trăn trở, trong đó có Đại tá Vũ Doãn Tùng, Trưởng BLL CCB Trung đoàn 1, Quân khu 9 khu vực Hà Nội. Họ đã quyết tâm đi tìm, thực hiện nhiều cuộc hành trình “trả lại tên cho anh”.
Vũ Doãn Tùng nhập ngũ năm 1973 khi vừa tốt nghiệp phổ thông. Sau thời gian huấn luyện tân binh, anh cùng đồng đội hành quân vào miền Tây Nam Bộ, biên chế trong Tiểu đoàn 307, Trung đoàn 1 (nay thuộc Sư đoàn 330, Quân khu 9), chiến đấu ở Mặt trận Vĩnh Long-Trà Vinh.
Ông Tùng cho biết: “Chúng tôi chọn Vĩnh Long là địa bàn có trận đánh Chi khu quân sự Ba Càng ngày 12-4-1975. Trận chiến đấu diễn ra rất ác liệt do địch bị dồn đến đường cùng nên liều chết, khiến các chiến sĩ của Trung đoàn 1 bị thương vong khá nhiều, gồm hơn 60 liệt sĩ, trong đó có 14 liệt sĩ quê ở Hà Nội, mà nhiều người cùng nhập ngũ với tôi. Gần sát ngày chiến thắng nên sự hy sinh của các đồng chí càng trở thành nỗi tiếc thương vô hạn đối với gia đình và đồng đội. Sau khi xin được giấy phép của chính quyền, cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long, tôi phân công các anh trong BLL thành nhóm nhỏ, tiến hành đồng thời nhiều công việc như: Lập hồ sơ, đi tìm phần mộ nơi an táng liệt sĩ, phối hợp xin lấy mẫu hài cốt liệt sĩ (HCLS), tìm thân nhân liệt sĩ để lấy mẫu đối chứng”...
Gần 50 năm trôi qua, sự chắp nối thông tin để tìm về một con người thời chiến cần đến hàng trăm mảnh ghép. Đây là công việc cực kỳ khó khăn vì sự biến động dân cư trong thời gian dài và địa phương đang trong tiến trình đô thị hóa, phát triển kinh tế... Chẳng hạn câu chuyện đi tìm liệt sĩ Bùi Huy H. Hồ sơ ghi quê ở Diễn Châu (Nghệ An) nhưng đi tìm cả tháng trời không có liệt sĩ nào tên là Bùi Huy H, mãi sau mới tìm thấy thông tin về anh ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Trở lại Diễn Châu, hỏi thăm nhiều người, đối chiếu và thẩm định lại các nguồn tin mới biết đó là địa chỉ của liệt sĩ Trần Văn K.
Theo ông Tùng, đợt đầu tiên lấy mẫu HCLS để giám định ADN vào tháng 6-2019 tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long, khu vực được các nhân chứng xác định khả năng có phần mộ của các liệt sĩ Trung đoàn 1 hy sinh trong trận Ba Càng. Các CCB cùng cán bộ ngành lao động, thương binh và xã hội (LĐTBXH) địa phương và Viện Pháp y Quân đội tổ chức lấy mẫu HCLS trong 19 ngôi mộ. Công việc khá phức tạp vì HCLS không nguyên vẹn, lại cất bốc từ khu mộ tập thể sang từng mộ cá nhân, có hài cốt đã bắt đầu mục nát. Kết quả giám định của Viện Pháp y Quân đội cho thấy, tất cả 19 mẫu đều không có quan hệ huyết thống theo dòng mẹ với mẫu thân nhân. Một nỗi buồn dẫu không nói nên lời nhưng in rõ trên từng nét mặt các CCB trong BLL.
Trước tình hình đó, Đại tá Vũ Doãn Tùng xốc lại tinh thần đồng đội, không nản lòng sau “trận đầu ra quân”. Rút kinh nghiệm lần trước, ông Tùng cùng các CCB lần tìm nhân chứng là những người cao tuổi còn sống ở xã Song Phú và xã Mỹ Lộc, những quản trang già đã nghỉ hưu để nắm thông tin về những lần di chuyển HCLS và phát hiện ra rằng, có thể một số liệt sĩ còn nằm lại ở nghĩa trang của huyện Tam Bình. “Chúng tôi làm thủ tục xin phép lấy mẫu ở 23 mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long và 8 mộ ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Tam Bình. Chúng tôi lại tiếp tục hành trình trên những nẻo đường đến 31 địa chỉ quê hương các anh để tìm kiếm người thân, xin lấy mẫu đối chứng”, ông Tùng nói.
Lần này, Viện Pháp y Quân đội thông báo kết quả tìm thấy 6 HCLS có mẫu ADN trùng khớp với thân nhân, trong đó có 2 liệt sĩ quê ở Nghệ An, 3 liệt sĩ quê ở Hà Nội và 1 liệt sĩ quê ở Thanh Hóa. Từ kết quả đó, các đồng chí trong BLL CCB Trung đoàn 1 cử người liên hệ với Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) thông báo với địa phương và thân nhân liệt sĩ để tổ chức ghi đúng tên lên bia mộ liệt sĩ ở các nghĩa trang liệt sĩ; hoặc cử người hướng dẫn thân nhân làm hồ sơ, thủ tục đưa HCLS trở về quê hương...
Ngày 9 và 10-12-2020, BLL CCB Trung đoàn 1 phối hợp với Sở LĐTBXH tỉnh Vĩnh Long và các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu 9 tổ chức lễ gắn bia trên mộ các liệt sĩ bảo đảm trang trọng, thiêng liêng. Khi dòng tên các liệt sĩ in rõ trên nền tấm bia, ông Tùng và đồng đội như thấy các anh trở về đứng nghiêm trang trước mặt đồng đội...
Kết quả này đã khích lệ các CCB trong BLL tiếp tục cuộc hành trình. Ông Tùng cho biết: “Lần thứ ba, BLL phối hợp với Sở LĐTBXH tỉnh Vĩnh Long tiếp tục lấy mẫu ở 75 ngôi mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long và Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Tam Bình. Đại dịch Covid-19 đã làm chậm hành trình trong năm 2021 nên đến đầu năm 2022, BLL mới nhận được kết quả giám định với 23 liệt sĩ đã xác định được danh tính.
Ngày 6-4-2022, các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long và Quân khu 9 đã tổ chức lễ gắn bia đúng tên các liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long. Sau buổi lễ này, chúng tôi lấy mẫu ở 59 mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long và Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Số mẫu lấy được càng nhiều thì hành trình chúng tôi đi tìm thân nhân liệt sĩ cũng dài thêm và khó khăn càng nhiều hơn.
Không phụ công chúng tôi, kết quả giám định lần này đã xác định đúng danh tính 16 liệt sĩ. Sáng 21-4-2023, Sở LĐTBXH tỉnh Trà Vinh đã tổ chức lễ công bố kết quả xác định danh tính 4 liệt sĩ Trung đoàn 1 hy sinh tháng 1-1975 trong trận đánh Chi khu Long Khánh (Duyên Hải, Trà Vinh). Sau 48 năm ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trên mộ các anh, tấm bia “liệt sĩ chưa biết tên” đã được thay bằng tấm bia có đầy đủ thông tin. Hai liệt sĩ được gia đình đón về quê hương”...
Trong các năm 2019-2023, BLL CCB Trung đoàn 1, Quân khu 9 khu vực Hà Nội kết hợp với các địa phương, đơn vị làm thủ tục và trực tiếp tham gia lấy mẫu ở 183 ngôi mộ để giám định, xác định đúng danh tính của 45 liệt sĩ ở cả hai miền Nam-Bắc.
Tại Hà Nội, ngày 17-4-2022, một lễ truy điệu trang trọng, cảm động diễn ra ở Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 354 và lễ an táng 5 HCLS được đưa về từ Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long, tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Hà Nội.
Năm 2023, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định tặng Bằng khen BLL CCB Trung đoàn 1, Quân khu 9 khu vực Hà Nội về thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp giữa Ban chỉ đạo quốc gia 515 với Hội CCB Việt Nam trong công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính HCLS giai đoạn 2017-2022. Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã biểu dương Đại tá Vũ Doãn Tùng và trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp thành phố./.
ST
hành trình rất ý nghĩa
Trả lờiXóa