Thứ Tư, 5 tháng 7, 2023

DỰA VÀO DÂN ĐỂ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

“Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta lại được chỉ đạo một cách mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả rõ rệt như thời gian gần đây”. Đó là khẳng định của

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII được tổ chức vào tháng 5-2023. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự thành công của “mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực” là Đảng ta đã dựa vào dân.

10 năm qua, kể từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban Chỉ đạo, cuộc chiến này không ngừng nghỉ và đã thu được nhiều thắng lợi quan trọng. Đặc biệt trong nhiệm kỳ này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã luôn luôn bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và mục tiêu, nhiệm vụ về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng để cụ thể hoá thành các chương trình làm việc hằng năm, hằng quý, hằng tháng, hằng tuần. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã được bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ bao gồm cả chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và phòng, chống tiêu cực. Đồng thời, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bước đầu có kết quả tốt, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhắc lại quan điểm “Dân là gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta phải dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc, tiếp thu cái đúng, nhưng không đơn giản “theo đuôi”, chạy theo dư luận. Để cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả hơn nữa, đồng chí Tổng Bí thư đã nêu ra năm nhóm giải pháp, trong đó nhóm giải pháp đầu tiên là “phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, ở nhiều nơi, vai trò của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa được phát huy do việc trù dập, trả thù của người bị tố cáo. Vì vậy, Nhà nước cần nghiên cứu quy định cụ thể về nguồn kinh phí và những cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động bảo vệ người tố cáo trong trường hợp cần thiết của các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan khác có liên quan. Để thuận lợi cho nhân dân thực hiện quyền tố cáo, tố giác, cung cấp kịp thời thông tin về tham nhũng, tiêu cực cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, ngoài hai hình thức tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp theo quy định của Luật Tố cáo, cần mở rộng thêm các hình thức phản ánh, tố cáo bằng điện thoại thông qua đường dây nóng hoặc trên mạng xã hội.

Mặt khác, rất cần công khai họ tên, chức vụ, vị trí công tác của cán bộ cơ quan nhà nước, nhất là những người giữ cương vị lãnh đạo quản lý hoặc công tác ở lĩnh vực, môi trường dễ phát sinh tham nhũng để nhân dân nơi họ sinh sống biết và giám sát việc chấp hành pháp luật của những cán bộ này tại khu dân cư nơi cư trú. Đồng thời, công khai về tài sản, thu nhập của cá nhân người đang giữ chức vụ hoặc đang dự kiến bổ nhiệm vào chức vụ trong các lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm ở cơ quan và nơi người đó cư trú. Có như vậy thì nhân dân mới có cơ sở thực hiện việc giám sát, phát hiện nếu có bất minh về kinh tế, tài sản. Cũng cần có những hình thức khen thưởng xứng đáng cả về vật chất và tinh thần cho những người có công trong việc tố cáo tham nhũng, tiêu cực.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta, nếu phát huy được vai trò tham gia tích cực của nhân dân thông qua thực hiện quyền tố cáo và quyền giám sát đúng pháp luật thì đó sẽ là lực lượng to lớn, cung cấp nguồn thông tin phong phú để giúp cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý có hiệu quả đối với tình trạng tham nhũng, tiêu cực./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét