Một buổi sáng đầu tháng 6, sau khi kết thúc tiết giảng của mình quay trở về phòng làm việc, vừa đặt chiếc cặp trên bàn, một tiếng nói quen thuộc cất lên từ phía sau: “Chị có quà cho em đây, chị đã giữ lời hứa với em nhé!”. Tôi quay lại, Trung tá Lê Thị Huyền (Chủ nhiệm bộ môn Khoa học xã hội, Khoa Văn hóa, Ngoại ngữ, Trường Sĩ quan Chính trị) đã đứng ngay sau lưng, trên tay cầm hộp quà nhỏ bọc giấy màu đỏ...
Tôi hồi hộp mở chiếc hộp nhỏ xinh xinh chị Huyền tặng, đó là một quả bàng vuông. Nhìn quả bàng vuông, tôi nhớ lại lời gửi gắm khi biết chị tham gia đoàn công tác ra quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1: “Chị nhớ mang về cho em một quả bàng vuông nhé, em mới chỉ được ngắm trên ảnh thôi, chưa được tận mắt chứng kiến bao giờ”. Nhìn thấy đôi mắt tôi rưng rưng, chị Huyền khẽ dặn: "Quả bàng vuông đó là tình cảm, niềm tin và cả trái tim của những người lính đảo gửi cho em đấy, nhớ phải trân trọng nha em”. Tôi chỉ biết gật đầu và đáp: “Vâng ạ, nhất định rồi chị”.
Và rồi, trong không khí ấm cúng của căn phòng làm việc nhỏ nơi thành cổ Bắc Ninh, chúng tôi-những cán bộ, giảng viên Khoa Văn hóa, Ngoại ngữ được nghe Trung tá Lê Thị Huyền tâm sự, chia sẻ về chuyến công tác đầy ý nghĩa vừa rồi. Chị Huyền kể: Đoàn công tác số 19 với các thành viên là cán bộ, giảng viên, học viên của 3 nhà trường: Sĩ quan Lục quân 1, Sĩ quan Lục quân 2 và Sĩ quan Chính trị ra thăm đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Chị là đại biểu nữ duy nhất của đoàn Trường Sĩ quan Chính trị.
Trước khi xuất phát, đoàn công tác đã dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Đoàn tàu Không số thuộc Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân. Sau hai ngày đêm vượt sóng ra khơi, điểm đến đầu tiên đoàn công tác đặt chân tới là đảo Len Đao. Tại đảo Len Đao, đoàn công tác đã tổ chức lễ dâng hương, thả hoa và hạc giấy do chính các thành viên trong đoàn gấp để tưởng niệm các đồng chí đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ quần đảo Trường Sa của Tổ quốc. Điểm đến tiếp theo của đoàn lần lượt là các đảo: Sinh Tồn Đông, An Bang, Đá Đông B, Đá Tây A và đảo Trường Sa Lớn. Điểm đến cuối trên hải trình là Nhà giàn DK1/21-Ba Kè. Do biển động nên đoàn không lên được nhà giàn. Đoàn đã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Với một hải trình dài trên biển, chị Huyền luôn cố gắng, tự động viên mình phải giữ sức khỏe, vượt qua nỗi sợ mang tên say sóng để được đến gần hơn, tận mắt chứng kiến cuộc sống hằng ngày của những người lính đảo. Bởi đó sẽ là những minh chứng sống động nhất để chị truyền đến cho học viên tình yêu quê hương, đất nước thông qua những bài giảng của mình.
Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Huyền kể chị ấn tượng nhất với tình cảm quân dân thắm đượm nghĩa tình trong buổi giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo Trường Sa Lớn. Những lời ca, tiếng hát, những tiết mục biểu diễn ảo thuật, võ thuật của cán bộ, chiến sĩ, các em học sinh trên đảo và cán bộ, giảng viên, học viên của 3 trường sĩ quan đã để lại những cảm xúc ấm áp, sự cảm phục tinh thần lạc quan, tình yêu và trách nhiệm đối với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đêm giao lưu kết thúc, quân và dân trên đảo xếp hàng ngang chỉnh tề trên cầu tàu, cùng hát vang bài hát “Khúc quân ca Trường Sa”: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm/ Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương/ Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa/ Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ/ Ta vẫn vượt qua/ Chiến sĩ Trường Sa, hát tiếp bài ca/ Về những tấm gương anh Bộ đội Cụ Hồ, đem chí trai, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta/ Giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta”.
Khi 3 hồi còi tàu chào đảo vừa dứt, quân và dân trên đảo đồng thanh hô “Trường Sa vì cả nước”, “Trường Sa vì Tổ quốc”, trên tàu, mọi người cùng hô vang “Cả nước vì Trường Sa”, “Tổ quốc vì Trường Sa”. Ai cũng nước mắt lưng tròng, ngậm ngùi, bịn rịn, lưu luyến không muốn rời xa.
Chúng tôi lắng nghe chị kể, đôi mắt ai cũng đỏ hoe, rưng rưng xúc động, tràn đầy sự cảm phục và tự hào về quân và dân Trường Sa đã không ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy để giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Dù khó khăn đến đâu, các anh vẫn lạc quan, yêu đời, vững niềm tin, mạnh ý chí hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Các anh giống như những cây bàng quả vuông kiên cường, anh dũng, hiên ngang trước mọi bão dông, sóng gió. Cây bàng quả vuông đã trở thành bạn của người lính đảo, là hình ảnh thể hiện cho tinh thần, sức sống mãnh liệt cùng tình yêu vẹn toàn với Tổ quốc và biển đảo quê hương.
Nâng niu trên tay quả bàng vuông, tôi cảm thấy Trường Sa thật thân thương và gần gũi như đang hiển hiện trước mắt. Một cảm xúc dâng trào về sự yêu mến và trân trọng người lính đảo- những người đồng chí, đồng đội của mình, thầm nhủ mình phải nỗ lực nhiều hơn nữa, cố gắng nhiều hơn nữa, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn nữa để xứng đáng với sự hy sinh, vất vả của các anh. Mong một ngày được đặt chân đến Trường Sa, được cùng các anh hát vang khúc ca về Trường Sa hào hùng./.
ST
tất cả vì Trường Sa thân yêu
Trả lờiXóa