Thứ Ba, 18 tháng 7, 2023

Khắc ghi truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; “đền ơn đáp nghĩa” nhân ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7

Đối với người Việt, việc truyền dạy cho con cháu đời sau những truyền thống, những đạo lý sống ở đời được xem là một việc làm hết sức quan trọng. Trong đó có truyền thống “uống nước nhớ nguồn”; “đền ơn đáp nghĩa” hay “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đặc biệt, để ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh xương máu giành lại độc lập tự do cho dân tộc, do vậy hằng năm cứ đến ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7 các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tri ân, tưởng nhớ công lao của những người đã ngã xuống cho đất nước được hồi sinh như hôm nay. Về lịch sử của ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, đó là niềm vui và tự hào của dân tộc. Tuy nhiên, do chính quyền cách mạng còn non trẻ nên thực dân Pháp đã âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Với quyết tâm kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn nền độc lập cho đất nước, toàn quân và dân ta đã chiến đấu anh dung. Nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đã bị thương và vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Nỗi đau bao trùm lên toàn dân tộc, nhiều gia đình mất đi cả chồng và các con. Để góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát ấy, Đảng ta vận động thành lập một tổ chức với tên gọi là Hội giúp binh sĩ tử nạn. Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ tử nạn (sau đổi tên là Hội giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở nhiều nơi, tổ chức nhiều hoạt động nói chuyện, quyên góp quần áo… và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được mời làm Hội trưởng danh dự của Hội giúp binh sĩ tử nạn. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19/12/1946, số người bị thương và hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sỹ và đồng bào ta gặp muôn vàn khó khăn. Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng liên quan đến công tác Thương binh Liệt sĩ nhằm đảm bảo đời sống vật chất cũng như tinh thần của các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến. Ngày 16/02/1947, trên cương vị Chủ tịch nước, Bác ký Sắc lệnh số 20/SL ban hành chế độ hưu bổng thương tật và tiền tử tuất. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên đặt nền tảng cho chính sách Thương binh, Liệt sĩ của nước ta. Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ - Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác Thương binh Liệt sĩ. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Đến ngày 03/10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Bộ Thương binh - Cựu binh (tiền thân của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày nay. Để đền đáp công ơn to lớn đó và phát huy đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, trong những năm qua, Đảng ta đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho những gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng nhân ngày Thương binh liệt sỹ 27/7. Nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã phát động nhiều phong trào phong phú, thiết thực và nhân ái như: lập quỹ đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc bố mẹ liệt sỹ cô đơn, con liệt sỹ mồ côi, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, nhận chăm sóc phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, nhận giúp đỡ thương binh, bệnh binh; quyên góp, vận động hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, nhà đồng đội cho các gia đình chính sách gặp khó khăn về đời sống vật chất. Thiết thực, cụ thể hơn nữa là những phần quà mà các cấp, các ngành gửi đến các gia đình nhân ngày 27/7. Mặt khác thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng. Ngày nay, được sống trong một đất nước hoà bình, được tận hưởng những điều kiện vật chất và tinh thần đầy đủ, mỗi chúng ta phải biết trân trọng những hi sinh của các anh hùng liệt sĩ, các thương, bệnh binh cho sự bình yên hôm nay. Do vậy phải càng ý thức trách nhiệm của bản thân mỗi chúng ta đối với sự hi sinh to lớn đó, với cương vị là giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, khi giảng học phần Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam, trong nội dung Bài 6 về Chính sách xã hội, an sinh xã hội và quản lý phát triển xã hội, có đề cập đến nội dung “chính sách đối với người có công”. Trách nhiệm của người giảng viên cần làm phân tích, nhấn mạnh, làm rõ ý nghĩa của việc Đảng và Nhà nước chăm lo cho đối tượng người có công với cách mạng vào những ngày lễ lớn như ngày Thương binh Liệt sỹ, lễ Tết… Đây là chủ trương lớn của Đảng nhằm phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công lao những anh hùng đã đứng lên bảo vệ đất nước và vĩnh viễn nằm xuống cho độc lập tự do của dân tộc. Vì thế, chăm lo cho gia đình, người thân của họ là việc làm thường xuyên, liên tục và lâu dài của Đảng. Đối với đối tượng học viên là lãnh đạo, công chức, viên chức ở các địa phương, cơ quan, đơn vị trong quá trình giảng dạy giảng viên cần lồng ghép, làm rõ, nêu bật ý nghĩa các chính sách đối với người có công. Để từ đó, học viên có thể tuyên truyền vận động người thân, người dân, người xung quanh hiểu và cùng với Đảng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách đối với các gia đình có công với cách mạng. Đối với các lớp nguồn, cán bộ trẻ, cần được giáo dục về truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc; cần phát huy ý thức tự lực tự cường, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của thế hệ trẻ góp phần xây dựng đất nước.

1 nhận xét: