Ý nghĩa chân chính của tự do ngôn luận, tự do báo chí

Vốn dĩ tự do là quyền cơ bản của con người, nhưng cùng với đó là nhận thức và hành xử phù hợp với cộng đồng, quốc gia, dân tộc, để tôn trọng quyền tự do của người khác và tuân thủ pháp luật. Điều 29 trong “Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền” năm 1948 của Liên hợp quốc nêu rõ: “Mỗi người đều có nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”.

Tự do ngôn luận và tự do báo chí là hai khái niệm trong cùng lĩnh vực, chỉ khác nhau về cấp độ. Báo chí là diễn đàn trong một xã hội phát triển, để mọi công dân, mọi tầng lớp, mọi độ tuổi, giới tính, ngành nghề khác nhau được quyền phát ngôn, bày tỏ tư tưởng, ý kiến, thể hiện hành động và báo chí trở thành nơi mà tự do ngôn luận thể hiện tập trung, mạnh mẽ và được lan tỏa nhiều nhất.

Cũng chính vì thế, tự do báo chí trở thành mối quan tâm đặc biệt ở mọi nơi, mọi quốc gia, mọi thể chế chính trị-xã hội. Dù ở nền báo chí tư bản hay báo chí xã hội chủ nghĩa, thì báo chí đều có những chức năng chung như: Thông tin, phản ánh, hình thành và định hướng dư luận xã hội, giáo dục, giải trí...


Những chức năng cơ bản này tạo ra cho báo chí một trách nhiệm xã hội, vì sự tiến bộ và phát triển chung của xã hội, hướng tới những giá trị hạnh phúc phổ quát của con người. Vì vậy, khi thực hiện quyền tự do báo chí cũng phải gắn với các chức năng đó, không đi ngược lại các giá trị chân lý, đạo đức, văn hóa, không chống lại an ninh chung của cộng đồng, không trái với xu thế tiến bộ của nhân loại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời giải thích rất rành mạch về tự do ngôn luận, tự do báo chí như sau: “Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý... Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý”. Như vậy, có thể thấy, tự do báo chí chân chính phải đặt trên nền tảng một xã hội dân chủ, tốt đẹp, nhân văn, mọi hoạt động báo chí đều phục vụ lợi ích của đông đảo nhân dân.

Không có tự do báo chí thuần túy, tuyệt đối, đứng bên ngoài xã hội, cộng đồng, thể chế chính trị và bị bóp nghẹt trong chế độ độc tài, khi nhà cầm quyền đã trở thành vật cản bước tiến xã hội. Không có quyền nào vượt lên ở mức cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển xã hội do chế độ kinh tế đó quy định. Chỉ có tự do báo chí trong xã hội dân chủ, khi giai cấp cầm quyền có vai trò tiến bộ dẫn dắt xã hội.

Trong thực tiễn, hầu hết mọi thể chế chính trị khác nhau đều coi việc chống lại nhà cầm quyền là vi phạm pháp luật và không có nơi nào có văn bản coi tự do ngôn luận, tự do báo chí là quyền tuyệt đối. Khi là Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Ban Ki-moon từng nói: “Tự do ngôn luận được bảo vệ khi nó được sử dụng vào mục đích công lý và cộng đồng... Khi một số người sử dụng quyền tự do này để khiêu khích hoặc sỉ nhục các giá trị niềm tin của người khác thì hành động đó sẽ không được bảo vệ”.

Cảnh giác mưu đồ cổ xúy “ngôn luận tự do, báo chí tự do”

Trong các luận điệu chỉ trích Việt Nam không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, có thể thấy các lập luận đã cố tình tập trung vào vế đầu của “Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền” năm 1948, khẳng định tự do tư tưởng, tự do xuất bản là quyền cơ bản của con người, mà bỏ đi vế sau là quyền tự do đó nằm trong khuôn khổ pháp luật và thể chế mỗi quốc gia.

Thay vì xem xét các mối quan hệ giữa Hiến pháp, pháp luật và hoạt động báo chí thực tiễn, các thế lực thù địch, thiếu thiện chí chỉ tập trung vào các vụ việc và cá nhân cụ thể để xuyên tạc về tự do ngôn luận, tự do báo chí của Việt Nam. Khái niệm mà họ sử dụng chính là "ngôn luận tự do", "báo chí tự do", gần với khái niệm tự do tuyệt đối, không có giới hạn.

Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) nhiều năm gần đây xếp Việt Nam ở vị trí gần cuối bảng xếp hạng về tự do báo chí của 180 quốc gia, với những lý do chủ yếu là “đàn áp các blogger”, “bắt giam các nhà báo”, nhưng trong những vụ việc này, các đối tượng bị bắt giữ đều có hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ để đưa tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc tình hình kinh tế-xã hội ở Việt Nam.

Trên một kênh truyền thông ở hải ngoại thiếu thiện chí, khi bình luận về Việt Nam gần đây, có một bài viết về bảng xếp hạng của RSF. Nhưng tổ chức RSF lại không đưa ra được khái niệm hay cách hiểu nào về tự do báo chí. Nếu họ cho rằng không thể bắt giữ các nhà báo và cho rằng không ai đáng bị bắt vì lý do tham gia ngôn luận, thì có lẽ họ đã bỏ qua hoàn toàn việc hoạt động báo chí phải nằm trong khuôn khổ pháp luật. Với cách lập luận như vậy, họ đang cổ xúy cho ngôn luận tự do, báo chí tự do mà không chịu bất cứ trách nhiệm xã hội nào.

Trong vụ việc bắt giữ một nữ nhà báo gần đây, có thể thấy rõ trong thời gian dài, nhà báo này đã công khai chỉ trích nhiều cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trên trang cá nhân của mình, như Công ty Cổ phần Đại Nam, Quỹ Sống Foundation, Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam... với lời lẽ nặng nề nhưng không có căn cứ xác đáng. Núp dưới chiêu bài “nêu nghi vấn”, “đặt dấu hỏi”, “phân tích giả định”, “đấu tranh chống tiêu cực”, nhà báo này đã tùy tiện đưa ra những thông tin có nhiều dấu hiệu quy chụp, phán xét không khách quan, sai sự thật, bất chấp luật pháp và đạo lý.

Ngôn luận tự do dựa theo những phán đoán, suy diễn chủ quan, ác ý đã dẫn một người từng là nhà báo kiêm luật sư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức khác. Một số nhà báo, luật sư, người dùng mạng xã hội khác bị bắt cũng có chung vi phạm pháp luật như vậy.

Khi phê phán, chỉ trích Việt Nam không có tự do ngôn luận và tự do báo chí, các thế lực thù địch cũng không chỉ ra được điều luật nào, quy định nào ngăn cản tự do của nhà báo, mà có xu hướng áp đặt hình mẫu phương Tây cho Việt Nam. Đó là một cách tiếp cận không có cơ sở khoa học. Nội hàm của tự do ở mỗi quốc gia, mỗi thời điểm có thể giống nhau về phổ quát, còn lại sẽ mang đặc điểm của mỗi thể chế chính trị-xã hội. Thực chất, không có nơi nào có tự do tuyệt đối, đây chỉ là một khái niệm mang tính tương đối và có sự phát triển trong các nền tảng xã hội khác nhau.

Như vậy, ngôn luận tự do, báo chí tự do theo cách mà các thế lực thù địch tuyên truyền là đề cao tư tưởng của các cá nhân, không đi kèm trách nhiệm và các khuôn khổ luật pháp, đạo đức xã hội, không quan tâm hoặc xem nhẹ những hệ quả gây ra cho xã hội, cộng đồng. Điều đó khác rất xa với tự do ngôn luận, tự do báo chí chân chính có trách nhiệm với sự phát triển tiến bộ của xã hội và nhân loại.  

Việt Nam luôn bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận

Ở Việt Nam, ngay từ trong cuộc đấu tranh giành độc lập, Mặt trận Việt Minh do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đứng đầu đã giương cao ngọn cờ đòi quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức, tín ngưỡng, đi lại, bác bỏ áp bức bất công của chính quyền thực dân.

Khi giành được chính quyền, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 đã hiến định quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản và các quyền tự do khác của công dân. Trải qua các lần sửa đổi, bổ sung, Hiến pháp các năm 1959, 1980, 1992 và gần đây là Hiến pháp năm 2013 luôn nhất quán khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân.

Cùng với Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác, Luật Báo chí cũng đặt ra các nền móng cơ bản và thống nhất cho tự do ngôn luận, tự do báo chí. Điều 10 Luật Báo chí năm 2016 quy định: “Công dân có quyền: 1. Sáng tạo tác phẩm báo chí; 2. Cung cấp thông tin cho báo chí; 3. Phản hồi thông tin trên báo chí; 4. Tiếp cận thông tin báo chí; 5. Liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; 6. In, phát hành báo in”. Như vậy, dù Việt Nam không có báo chí tư nhân nhưng luật pháp quy định mọi công dân đều có quyền tham gia vào hoạt động báo chí.

Các thế lực chống phá thường vin vào việc Việt Nam không có mô hình báo chí tư nhân mà cố tình lờ đi rằng, mọi công dân đều được quyền tham gia sáng tạo và xuất bản báo chí, mọi tầng lớp, tổ chức trong xã hội đều có cơ quan báo chí đại diện của mình.

Điều 11 Luật Báo chí năm 2016 nêu rõ: Công dân có quyền phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác. Điều 13 ghi rõ: “Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”.

Không chỉ về phương diện pháp lý mà trong thực tiễn, tự do báo chí ở Việt Nam cũng được biểu hiện sinh động. Nền báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình, quy mô, công nghệ làm báo. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 5-2023, cả nước có 808 cơ quan báo chí (trong đó: 138 báo, 670 tạp chí) và 42.400 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, gấp khoảng 6 lần so với thập niên 2000.

Ngoài ra, không thể không kể đến mạng xã hội đã tham gia mạnh mẽ vào môi trường truyền thông trong khoảng 10 năm trở lại đây. Ở Việt Nam, công dân không bị ngăn cấm tham gia mạng xã hội. Quyền phát ngôn, tham gia ý kiến, thảo luận về mọi vấn đề xã hội đã được mở rộng rất nhiều trên các phương tiện truyền thông mới này. Báo chí cùng với mạng xã hội đã trở thành một diễn đàn lớn, nơi mà mọi người dân đều có tiếng nói, mọi vấn đề quốc kế dân sinh được trao đổi, thảo luận, đó là những biểu hiện rất rõ ràng của tự do báo chí, tự do ngôn luận.

Báo chí hiện đại trong những năm gần đây, cùng sự hỗ trợ của công nghệ truyền thông số, đã tăng cường tính tương tác với công chúng. Trên các báo điện tử đều mở phần bình luận cho người đọc. Các kênh phát thanh, truyền hình đều có những chương trình phát sóng trực tiếp, có số điện thoại đường dây nóng để người nghe, người xem gọi điện tương tác ngay khi chương trình đang diễn ra.

Với những thiết bị hiện đại, nhà đài có thể di chuyển đến phỏng vấn và phát sóng trực tiếp ngay tại nhà của các công dân. Mặt khác, các cơ quan báo chí đều thiết lập những chương trình thu thập chất liệu phản ánh từ các “nhà báo công dân”. Đó là minh chứng rất rõ ràng về việc báo chí có thể xuất bản ngay mà không qua kiểm duyệt.

Như vậy, cả trên phương diện pháp lý và hoạt động thực tiễn, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam đều được thể hiện rõ ràng, luôn gắn với quy định pháp luật, luôn hướng tới mục đích phụng sự nhân dân, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội. Tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam không phải là ngôn luận tự do, báo chí tự do theo ý chí cá nhân, mà là tự do xây dựng vì những mục tiêu tốt đẹp, vì trách nhiệm chân chính với cộng đồng, vì một thể chế chính trị-xã hội của dân, do dân, vì dân.

Các thế lực thù địch dù có tấn công, chỉ trích, chống phá như thế nào cũng không thể thay đổi bản chất tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam. Thực ra đó chỉ là những tiếng nói tiêu cực, lạc lõng của những người cố tình đi ngược chiều với sự phát triển bền vững của đất nước ta, nhân dân ta và của nền báo chí cách mạng đáng tự hào của chúng ta.