QUYẾT LIỆT TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG THAM GIA BẢO HIỂM
Sáu tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh khó khăn, nhiều thách thức, kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng bởi tình hình chung của thế giới, tuy nhiên, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, Chính phủ, cũng như sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các cơ quan, tổ chức, ngành Bảo hiểm xã hội quyết tâm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Theo đó, các chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cơ bản đều tăng so với cùng kỳ; việc triển khai thực hiện chế độ, chính sách kịp thời, bảo đảm tối đa quyền lợi cho người thụ hưởng; quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được quản lý và sử dụng theo đúng quy định của pháp luật…
Hơn 30,7 % lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm, toàn ngành đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp tình hình thực tiễn để đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và phát triển hiệu quả số người tham gia vào "lưới" an sinh. Ðến hết tháng 6/2023, số người tham gia đều tăng so cùng kỳ năm 2022, với: 17,48 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 662 nghìn người (khoảng 3,9%) so cùng kỳ năm 2022, đạt 37,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, bảo hiểm xã hội bắt buộc có 15,99 triệu người tham gia, tăng 499 nghìn người, bảo hiểm xã hội tự nguyện có 1,487 triệu người tham gia, tăng 163 nghìn người so cùng kỳ năm 2022. 90,89 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng 4,35 triệu người (khoảng 5,04%) so cùng kỳ năm 2022, đạt 91,86 % số dân…
Ðồng thời, công tác chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được bảo đảm đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng, góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động nhất là trong bối cảnh việc làm, thu nhập của người dân còn chịu tác động nặng nề sau đại dịch Covid-19. Kết quả, trong sáu tháng, toàn ngành giải quyết cho khoảng 37 nghìn người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; 665.423 người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội một lần; gần 4,4 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; phối hợp ngành Lao động-Thương binh và Xã hội giải quyết cho 499.824 người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có 490.726 người hưởng trợ cấp thất nghiệp và 9.098 người hưởng mới hỗ trợ học nghề.
Ðáng chú ý, để bảo đảm quyền lợi bảo hiểm y tế cho người tham gia, trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài tại nhiều bệnh viện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu, quản lý và sử dụng thuốc, vật tư trang thiết bị y tế. Phối hợp giải quyết các vướng mắc trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, phục vụ kịp thời các hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân tại các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tính hết tháng 6/2023, cả nước có khoảng 82,98 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú và ngoại trú (tăng 18,76 triệu lượt người so cùng kỳ năm 2022).
Quyết liệt triển khai các giải pháp…
Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Dương Văn Hào cho biết: Ðể phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã có nhiều nỗ lực và sáng tạo nhiều mô hình hay. Ðáng chú ý, các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm đã được tổ chức tại các vùng, miền, qua đó nhân rộng nhiều cách làm hiệu quả trong thời gian tới. Ðồng thời, đề nghị bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố quyết liệt chỉ đạo, cụ thể hóa kịch bản thu, phát triển người tham gia sáu tháng cuối năm với 17 nội dung, mục tiêu cơ bản mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề ra.
Tại hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cũng thẳng thắn nêu rõ một số hạn chế, bất cập, cũng như những khó khăn, thách thức mà ngành phải đối mặt, vì vậy, các đơn vị trong toàn ngành phải quyết liệt, bám sát các mục tiêu nhiệm vụ được giao trong sáu tháng cuối năm. Theo đó, cần tăng cường chủ động phối hợp các bộ, ngành trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế; xây dựng các báo cáo đánh giá, phân tích rõ tình hình thực tiễn, chuẩn hóa các số liệu thống kê báo cáo. Ðối với bảo hiểm xã hội các địa phương, Tổng Giám đốc yêu cầu cần khẩn trương, tăng cường công tác tham mưu huy động sự vào cuộc của các cấp trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong đó, giao được chỉ tiêu phát triển người tham gia đến từng cấp xã, phường, bảo đảm kết quả số người tham gia tăng trưởng bền vững…
Yêu cầu tập trung các nhiệm vụ theo Ðề án 06 của Chính phủ, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng nhấn mạnh việc nghiên cứu, phân tích để nhận diện các dư địa để cải tiến, nâng cấp, có phương án để phát triển thường xuyên, liên tục các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Chú trọng các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh, nâng cấp tính bảo mật của hệ thống trong bối cảnh khối cơ sở dữ liệu ngày càng lớn. Ðồng thời, thực hiện tốt hơn nữa quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người dân theo hướng nâng cao chất lượng cải cách hành chính, tăng số dịch vụ công được tích hợp giải quyết để người dân thuận lợi trong quá trình thụ hưởng chính sách./.
bài rất hấp dẫn
Trả lờiXóa