Người dân quanh
vùng địa đạo Củ Chi thường gọi Bà mẹ Việt Nam anh hùng - Anh hùng lực lượng vũ
trang nhân dân Nguyễn Thị Rành bằng những cái tên thân thương: “Má Tám Rành”,
“Bà mẹ Củ Chi”, “Bà mẹ Đất thép”, “Bà má Dũng sĩ”; ngoài ra, do ghiền trầu từ
thời trẻ, nên má còn được gọi là “Má Tám Trầu”.
Má Tám Trầu sinh
năm 1900 trong một gia đình nông dân nghèo, sẵn có truyền thống yêu nước ở ấp
Trại Đèn, xã Phước Hiệp, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay thuộc huyện Củ Chi,
TP. Hồ Chí Minh. Năm 1913, thân phụ của má bị thực dân Pháp bắt vì tội “làm quốc
sự”, bị đày ra Côn Đảo và biệt tích.
Năm 1954, má làm
Hội trưởng Hội Mẹ chiến sĩ và là Chính trị viên Xã đội Phước Hiệp. Những ngày
cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp, vợ chồng má nhận thêm một tin xé ruột:
người con thứ 2 là Nguyễn Văn Sóc, tiểu đội trưởng đặc công hy sinh tại Long
An. Trong thời kỳ đen tối của cách mạng miền Nam, Củ Chi là một trong những nơi
bị địch đàn áp khốc liệt, nhất là sau khi có đạo luật phát xít 10/59, Ngô Đình
Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam. Ngoài việc tham gia “đội quân tóc dài”, đấu
tranh trực diện với địch, má Tám còn đào hầm nuôi giấu cán bộ, tiếp tế cho du
kích .… Địch bắt nhốt má nửa tháng trời tại đồn quận lỵ Củ Chi, để hòng dụ Nguyễn
Văn Vé người con thứ 4 ra hồi chánh. Và thêm một khúc ruột của má bị cắt lìa,
chiến sĩ du kích Năm Vé anh dũng hy sinh. Nuốt nước mắt vào trong, vợ chồng má
kêu cả đàn con đến trước thi hài của Năm Vé và nói như dao chém đá: “Mấy đứa
bây coi gương của anh Hai, anh Ba, thằng Năm. Coi đó mà trả thù cho tụi nó!”.
Cuối năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, gần giáp Tết,
má Tám Rành cùng một số người trong Hội Mẹ chiến sĩ được mời dự hội nghị do Huyện
ủy Củ Chi tổ chức bên bờ sông Vàm Cỏ Đông. Năm 1965, khi Mỹ đổ quân vào miền
Nam Việt Nam, cùng với việc xây dựng căn cứ Đồng Dù, địch tăng cường chà xát,
biến Củ Chi thành vùng trắng, bình địa. Sau khi bẻ gãy 2 trận càn với quy mô cực
lớn là Crimp (Cái bẫy) và Cedar Falls “bóc vỏ trái đất”, tại Đại hội Anh hùng
chiến sĩ thi đua toàn Miền lần thứ 2 (tháng 9/1967), Củ Chi được tặng danh hiệu
“Đất thép Thành đồng”. Ngày 6/11/1978, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam ký quyết định tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân
dân cho má, vì đã “có nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc về chiến đấu và phục vụ
chiến đấu, góp phần cùng toàn dân đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến
thắng lợi hoàn toàn”.
Ngày 26/1/1979,
má Tám Rành qua đời. Năm 1983, vợ chồng má được truy tặng Huân chương Độc lập hạng
Nhất. Đến năm 1994, má được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh
hùng, vì có 8 người con và 2 cháu nội, ngoại hy sinh cho Tổ quốc. Để ghi nhớ
công ơn của “Bà mẹ Đất thép”, Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định chọn con đường
đẹp nhất Củ Chi mang tên Nguyễn Thị Rành. Đại hội đại biểu Phụ nữ Thành phố Hồ
Chí Minh lần thứ IX (2011-2016) ra nghị quyết chọn công trình Nhà tưởng niệm Bà
mẹ Việt Nam anh hùng - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Rành là
1 trong 6 công trình trọng điểm của nhiệm kỳ 2011-2016. Công trình được khởi
công từ tháng 7/2012 và khánh thành cuối tháng 1/2013 trên nền nhà cũ của má.
Mất con nhưng
còn nước! Đức hy sinh của má Tám Rành không gì sánh nổi, còn hơn cả một tượng
đài. Dân tộc này, đất nước này sẽ trường tồn mãi mãi bởi những người mẹ như má
Nguyễn Thị Rành./.
má Tám Rành là tấm gương sáng đó
Trả lờiXóa