Nhiều ý kiến đánh giá, Quy định 114-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Theo đó, tại Quy định 114, Bộ Chính trị yêu cầu, không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo không bố trí người nhà cùng làm người đứng đầu hoặc cấp phó cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Cụ thể, Bộ Chính trị quy định không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương.
Thực tế, nếu so với Quy định 205- QĐ/TW năm 2019 (Quy định 205) trước đây của Bộ Chính trị thì lần này quy định chi tiết các ngành cấm bố trí người có quan hệ gia đình. Mặt khác, kế thừa một số nội dung của Quy định 205 nhưng phạm vi điều chỉnh trong Quy định 114 mở rộng hơn. Cụ thể, quy định về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và xử lý vi phạm. Đối tượng áp dụng được bổ sung là tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm và có liên quan trong công tác cán bộ.
Theo nhận định của PGS.TS Đặng Ngọc Dinh - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (cơ quan nghiên cứu Chỉ số PAPI hàng năm), quy định này là cách để quyền lực liên quan đến tài chính, kinh tế, hay các lĩnh vực có “quyền lực” như: nội vụ, thanh tra, công an, quân đội, tòa án, kiểm sát cần phải được kiểm soát. Bởi các vấn đề quyền lực cũng liên quan đến vấn đề kinh tế. “Việc tập trung kiểm soát quyền lực đối với 13 ngành trên sẽ góp phần ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực”-ông Dinh nói.
Ông Bùi Văn Xuyền - nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đánh giá, việc Bộ Chính trị quyết định bổ sung, quy định việc không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành là rất phù hợp ở thời điểm hiện nay. Bởi trong công tác cán bộ có nhiều vấn đề liên quan đến quyền lực, đặc biệt là tại 13 ngành nêu trên.
Theo ông Xuyền, tham nhũng không chỉ ở quyền lực mà còn tham nhũng cả cơ chế chính sách, tổ chức bộ máy. Trước đây chúng ta chỉ tập trung vào các lĩnh vực như tài chính, kinh tế, đất đai còn bây giờ Bộ Chính trị mở rộng thêm các lĩnh vực khác là rất “trúng”. Việc ngăn chặn đưa người nhà vào các vị trí “nhạy cảm” sẽ giúp minh bạch, kiểm soát quyền lực và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực tốt hơn.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thì nhìn nhận: “Quy định 114 có những điểm mới sẽ góp phần hoàn thiện hơn trong việc kiểm soát quyền lực nói chung nhằm đảm bảo mục tiêu ở đâu có quyền lực thì ở đó phải được kiểm soát”.
Còn PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho rằng, Quy định 114 có ý nghĩa rất lớn trong việc phòng, chống tham nhũng, sẽ tạo ra một môi trường công bằng, minh bạch và tin cậy. Việc áp dụng quy định này sẽ giúp ngăn chặn hiện tượng tham nhũng bằng cách loại bỏ những nguy cơ tiềm tàng xảy ra trong việc bố trí người nhà cùng làm lãnh đạo. Bởi, nếu có người nhà cùng làm lãnh đạo có thể dẫn đến việc lợi dụng quyền lực cá nhân, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần công bằng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước./.
ST
Tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ; do đó phải chống tham những triệt để.
Trả lờiXóa