Thứ Ba, 18 tháng 7, 2023

Nhận diện chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam

 

Nhận diện chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam: Trong nghiên cứu và vận dụng khoa học lý luận chính trị ở Việt Nam hiện nay, chủ nghĩa giáo điều biểu hiện như sau:

Thứ nhất, giáo điều do hạn chế về nhận thức, không đủ khả năng tiếp thu, nắm bắt cái mới về lĩnh vực khoa học lý luận và vận dụng nó vào cuộc sống. Sự hạn chế trình độ nhận thức có thể dẫn đến những ngộ nhận về giá trị, về các chuẩn mực, chấp nhận cái sẵn có của nền chính trị một cách máy móc, thiếu tinh thần phê phán. Đây là điều giải thích tại sao, các nghiên cứu lý luận ở Việt Nam, về cơ bản vẫn nằm trong “vùng an toàn”, “vắng bóng” những nghiên cứu mang tính đột phá.

Thứ hai, đứng về phía giáo điều vì ngại đụng chạm, sợ bị quy chụp là thiếu lập trường, thiếu quan điểm giai cấp, buộc phải chấp nhận những luận điểm về lý luận chính trị mà mình cho là không còn phù hợp, nói khác đi, không dám đấu tranh chống lại cái lỗi thời, mà tuân theo “chân lý của số đông”. Nên gọi đây là “giáo điều thụ động”, ngoài ý muốn. Đó cũng là hậu quả của cơ chế cũ, mà sự loại trừ nó đòi hỏi quá trình liên tục, bền bỉ, lâu dài.

Thứ ba, chủ nghĩa cơ hội được ngụy trang một cách tinh vi bằng khẩu hiệu “trung thành tuyệt đối với những nguyên lý đã có sẵn”, nhưng lại vì lợi ích cá nhân, sẵn sàng quy chụp người khác để đạt được mục đích chính trị. Đó là CNGĐ “tự giác”; chủ thể ý thức được thế nào là giáo điều, nhưng lại duy trì nó, sử dụng nó như phương tiện cần thiết cho việc đạt được mục đích. Chủ nghĩa cơ hội trong vỏ bọc “trung thành tuyệt đối” là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố: trình độ nhận thức, bản lĩnh chính trị và động cơ cá nhân. Biểu hiện này tỏ ra đặc biệt nguy hiểm, bởi lẽ nó nuôi dưỡng thói đạo đức giả, bè phái, tạo nên sự mục ruỗng của hệ thống chính trị, nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Cần phê phán không khoan nhượng những kẻ đóng vai trung thành với các nguyên lý mácxít đến mức máy móc nhưng trên thực tế mưu lợi cho mình, tìm mọi cách loại bỏ những nhân tố mới.

Sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội Liên Xô cho các giá phải trả của quá trình từ CNGĐ sang chủ nghĩa phiêu lưu chính trị, xa rời các nguyên lý nền tảng của chủ nghĩa Mác trong đời sống chính trị nói chung và nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lý luận nói riêng. Chúng ta đã rút ra được nhiều bài học quý giá từ quá khứ, vượt qua “cơn chấn động chính trị”, vững bước đi lên, đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp đổi mới, từ lĩnh vực kinh tế đến chính trị, xã hội, văn hóa, từ đối nội đến đối ngoại. Những thành công đó chứng tỏ sự nhận thức và vận dụng đúng đắn biện chứng cái phổ biến – cái đặc thù, vừa chủ động và tích cực hội nhập với thế giới, phù hợp với xu thế vận động chung của lịch sử, vừa kiên định sự lựa chọn con đường phát triển căn cứ trên những nét đặc thù lịch sử và điều kiện cụ thể của đất nước. Tuy nhiên, về mặt nhận thức trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, do những nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả sức ỳ của thói quen truyền thống và hậu quả của thời kỳ trì trệ, những yếu tố giáo điều, bảo thủ vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội.

1 nhận xét: